* Xin cho biết thành ngữ “động phòng hoa chúc” nghĩa là gì? (Kim Nhung, Sơn Trà, Đà Nẵng).
- Động phòng hoa chúc là thành ngữ phiên âm từ tiếng Hán 洞房花燭. Rất nhiều người cứ nghĩ rằng chữ động trong thành ngữ này là động từ có nghĩa là động đậy, trái nghĩa với tĩnh. Thực ra, chữ động 洞 ở đây nghĩa là sâu (như hang động); còn chữ chúc 燭 là ngọn đuốc. Động phòng hoa chúc: Nghĩa đen là phòng sâu kín có thắp đuốc hoa; nghĩa bóng là phòng cô dâu chú rể đêm tân hôn.
Nói thêm, đuốc là vật dụng chiếu sáng phổ biến của người xưa, như thành ngữ “bỉnh chúc dạ du”, nghĩa là cầm đuốc chơi đêm, ý nói thời gian qua mau, đời người ta chẳng là bao, phải tranh thủ mà vui chơi.
Cổ thi Trung Hoa có bài Sinh niên bất mãn bách (Đời người chẳng được trăm năm), trong đó có câu: Trú đoản khổ dạ trường, hà bất bỉnh chúc du? (Ngày ngắn khổ nổi đêm dài, sao không cầm đuốc đi chơi?) cũng nói về ý đó. Bài thơ có gốc từ “Tây môn hành” thuộc Hán nhạc phủ. Cuối thời Ðông Hán, xã hội Trung Hoa loạn lạc, cuộc đời bấp bênh nên kẻ sĩ nẩy sinh tư tưởng bi quan yếm thế. Tư tưởng tiêu cực này có ảnh hưởng khá đậm đối với đời sau, như Lý Bạch đời Đường.
Thi hào Lý Bạch, trong bài Xuân dạ yến đào lý viên tự (Đêm xuân uống rượu trong vườn đào mận) có đoạn: Phù thiên địa giả, vạn vật chi nghịch lữ/ Quang âm giả, bách đại chi quá khách/ Nhi phù sinh nhược mộng/ Vi hoan ky hà? Cổ nhân bỉnh chúc dạ du/ Lương hữu dĩ dã. (Trời đất là quán trọ của vạn vật/ Quang âm là khách qua đường của trăm đời/ Mà kiếp phù sinh như mộng/ Lúc vui được bao?/ Cổ nhân đốt đuốc chơi đêm/ Thực là hữu lý).
Tóm lại, nếu “động phòng hoa chúc” nói về sự tích cực của người đời thì “bỉnh chúc dạ du” lại mang tư tưởng bi quan tiêu cực, phản ánh một giai đoạn hỗn loạn đương thời của xã hội Trung Hoa.
ĐNCT