* Vì sao các bên liên quan không gặp nhau ở một nơi khác mà chọn một thành phố ở Thụy Sĩ để đàm phán và ký kết Hiệp định Genève năm 1954? Tôi nghe có người đọc tên thành phố này theo tiếng Việt là “Giơ-neo”, vậy có đúng không? (Hà Thị Hoàng, Hải Châu, Đà Nẵng).
Thành phố Genève. |
- Hiệp định Genève 1954 (tiếng Việt: Hiệp định Genève năm 1954) là hiệp định đình chiến được ký kết tại thành phố Genève, Thụy Sĩ, để khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Hiệp định dẫn đến chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp trên bán đảo Đông Dương, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Sở dĩ người ta chọn Genève để ký kết Hiệp định Genève 1954 (và nhiều hiệp định, công ước có tính quốc tế khác) bởi Genève được xem như thành phố toàn cầu, chủ yếu là do sự có mặt của nhiều tổ chức quốc tế ở đây, kể cả tổng hành dinh châu Âu của Liên Hiệp Quốc.
Theo Wikipedia, Genève (phiên âm tiếng Việt: Giơ-ne-vơ; Hán-Việt: Nhật Nội Ngỏa; tiếng Anh: Geneva; tiếng Đức: Genf; tiếng Ý: Ginevra) là thành phố đông dân thứ hai ở Thụy Sĩ (sau Zürich), và là thành phố Romandy (phần nói tiếng Pháp của Thụy Sĩ) đông dân nhất. Genève cũng là tên gọi một bang của Thụy Sĩ. Bang Genève có diện tích 282km2, trong khi thành phố Genève là thủ phủ của bang chỉ 15,86km². Bang này hầu như bị bao quanh toàn bộ bởi nước Pháp. Như một số bang khác của Thụy Sĩ, bang này được gọi là nước cộng hòa, tên chính thức trong tiếng Pháp là: République et Canton de Genève (Cộng hòa và Bang Genève). Ngôn ngữ sử dụng ở bang này là tiếng Pháp. Kinh tế thành phố Genève đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của toàn bang.
Genève nằm ở phía tây nam Thụy Sĩ. Phía nam hướng về đỉnh núi Blanc - ngọn núi cao nhất trong dãy Alps, gần bên hồ Genève là dòng sông Rhone chảy qua thành phố, chia thành phố làm hai phần, bên bờ trái là thành phố cổ kính, bên phải là thành phố hiện đại. Trên bờ sông có 8 chiếc cầu nối liền hai bờ. Genève là vùng đất phát triển quanh cây cầu lớn nhất, thành phố này được núi đồi và ao hồ bao bọc nên khí hậu quanh năm ôn hòa, non xanh nước biếc, phong cảnh đẹp như tranh nên được gọi là Thánh địa của du khách.
Genève nổi tiếng không chỉ vì sự có mặt của nhiều tổ chức quốc tế mà còn vì hệ thống giáo dục lừng danh của mình. Đại học Genève được thành lập vào năm 1559, dù với quy mô không lớn (khoảng 13.000 sinh viên) nhưng thường được xếp hạng trong nhóm những trường đại học hàng đầu của thế giới.
Genève phiên âm tiếng Việt là Giơ-ne-vơ. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ bình dân, người Việt đôi lúc nói gọn thành “Giơ-neo”, như một bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trang baotanghochiminh.vn nói đến ở phần giới thiệu các sự kiện diễn ra trong ngày 29-5-1959: “Trong ngày, bài viết của Người: Mấy việc kỳ quái ở Hội nghị Giơ-neo, ký bút danh T.L., đăng Báo Nhân dân số 1900 (ngày 29-5-1959 - ĐNCT), vạch rõ nguyên nhân vì sao Chính phủ Tây Đức và Chính phủ Pháp lại có thái độ “kỳ quái” trước đề nghị của Liên Xô về việc ký kết hòa ước rút hết quân đội nước ngoài ra khỏi Đức, biến Berlin thành một thành phố hòa bình”.
Cũng đôi lúc Genève được phiên âm thành “Giơ-neo-vơ” như trong bài Cầu Hiền Lương – Dấu xưa oanh liệt đăng trên baocantho.com.vn thứ bảy 26-4-2014: “Đến với miền Trung biển xanh cát trắng, đi dần về phía Bắc, dừng chân thăm Quảng Trị, mảnh đất năm xưa là bãi chiến trường ác liệt, hãy ghé tham quan cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải. Cây cầu này từng là giới tuyến tạm chia đôi hai miền Nam - Bắc Việt Nam theo Hiệp định Giơ-neo-vơ”.
ĐNCT