(*) Trong các kiến trúc cổ của Việt Nam, có người nói có kiểu “nội công ngoại quốc”. Một anh nói nửa đùa nửa thật rằng sao nghe như “nội công ngoại kích” thế. Nghĩa là không ít người không hiểu kiến trúc “nội công ngoại quốc” là gì, rất mong quý báo giải thích. Ngoài ra còn có loại kiến trúc nào khác? (Hoàng Ngọc Nam, Sơn Trà, Đà Nẵng)
Đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Nguồn: dantri.com.vn |
- Kiến trúc “nội công ngoại quốc” có thể thấy phổ biến nhất ở các ngôi chùa của Việt Nam, nghĩa là kiến trúc bên trong có hình chữ Công (工), bên ngoài có hình chữ Quốc (国).
Theo nghiên cứu của các kiến trúc sư, chùa kiểu “nội công ngoại quốc” là kiểu chùa có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường (có thể là nhà Tổ hay nhà Tăng) ở phía sau làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh lấy nhà thiêu hương, nhà thượng điện hay các công trình kiến trúc khác ở giữa. Bố cục mặt bằng chùa có dạng phía trong hình chữ Công (工), còn phía ngoài có khung bao quanh như chữ khẩu (口) hay như ở chữ Quốc (国).
Đây là các dạng bố cục của các công trình kiến trúc chính. Ngoài ra, trong chùa còn có những ngôi nhà khác như nhà Tổ (nơi thờ các vị sư từng trụ trì ở chùa nay đã tịch), hoặc nhà Tăng (nơi ở của các nhà sư) và một số kiến trúc khác như gác chuông, tháp và tam quan.
Chùa kiểu chữ Công (工) là phổ biến hơn cả. Tuy nhiên có một số ngoại lệ, tiêu biểu là chùa Một Cột ở Hà Nội có hình dáng một bông sen nở trên mặt nước, hay ngôi chùa mới được xây cất như chùa Vĩnh Nghiêm có hai tầng ở thành phố Hồ Chí Minh mang trong mình cả những nét truyền thống Phật giáo và cả những thành tựu của kiến trúc. Nhưng những ngoại lệ như vậy không nhiều.
Kiến trúc “nội công ngoại quốc” còn thấy ở một số đình, như đình làng Chèm ở xã Thụy Phương, huyện Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đây là một trong những ngôi đình cổ nhất tồn tại gần như nguyên vẹn ở Việt Nam. Đình Chèm có niên đại cách đây hơn 2.000 năm, thờ đức Thánh làng Chèm, tức Lý Thân (còn gọi là Lý Ông Trọng hay Đức Thánh Chèm). Đình nằm ngay cạnh Sông Hồng, bên bến phà Chèm. Năm 1990, đình Chèm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia; đến tháng 12-2017 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Có công trình kiến trúc “nội đinh ngoại quốc” thay vì “nội công ngoại quốc”, như chùa Hội Khánh ở tỉnh Bình Dương, được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1993.
Về cấu trúc, chùa gồm năm hạng mục chính: Tiền đường, Chính điện, Hậu tổ Giảng đường và Hành lang Đông - Tây. Chùa có cấu trúc theo kiểu “nội đinh ngoại quốc”. Theo mô hình chữ Đinh (丁), nét ngang là tiền đường, nét sổ dọc gồm chính điện và giảng đường.
Một số chùa tiêu biểu kiểu kiến trúc chữ Đinh này là chùa Hà, chùa Bộc (Hà Nội); chùa Nhất Trụ, chùa Bích Động (Ninh Bình); chùa Trăm Gian (Hà Nội); chùa Dư Hàng (Hải Phòng),…
Ngoài ra có kiến trúc chùa chữ Công (工), là chùa có nhà chính điện và nhà bái đường song song với nhau và được nối với nhau bằng một ngôi nhà gọi là nhà thiêu hương, nơi sư làm lễ. Có nơi gọi gian nhà nối nhà bái đường với Phật điện này là ống muống. Tiêu biểu kiểu kiến trúc này là chùa Cầu (Hội An); chùa Keo (Thái Bình)...
Chùa chữ Tam (三) là kiểu chùa có ba nếp nhà song song với nhau, thường được gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Tiêu biểu cho kiến trúc này là chùa Kim Liên, chùa Tây Phương ở Hà Nội.
ĐNCT