Một gia đình, ba anh hùng

.

* Ở Đà Nẵng, ngoài xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) 3 lần được phong danh hiệu anh hùng, tôi nghe nói còn một gia đình có 3 người được phong anh hùng. Xin cho hỏi đó là những ai và với công trạng nào mà được phong anh hùng? (Nguyễn Thị Lan, Thanh Khê, Đà Nẵng).

Đường Trần Văn Giảng và đường Trần Văn Hai (khoanh tròn) ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn (ảnh chụp màn hình).
Đường Trần Văn Giảng và đường Trần Văn Hai (khoanh tròn) ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn (ảnh chụp màn hình).

- Đó là gia đình Anh hùng Lao động Trần Văn Giảng cùng vợ là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thôi và con trai là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Hai.

Anh hùng Lao động Trần Văn Giảng sinh ngày 15-5-1930 tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, trong một gia đình nhiều đời làm nghề biển. Mẹ, rồi cha lần lượt qua đời, ông phải sống tự lập, tự rèn luyện, tự phấn đấu tham gia các phong trào cách mạng tại địa phương. Tháng 1-1955, tập kết ra Bắc, sau khi tốt nghiệp Trường Điện ảnh Trung ương, ông được phân công về công tác ở Chiếu bóng Nghệ An, làm Đội trưởng Đội chiếu bóng lưu động 109 của tỉnh.

Thời gian này, ông đã có sáng kiến dùng vải che các điểm sáng khi chiếu bóng, bảo đảm an toàn cho người xem, về sau được toàn miền Bắc học tập. Tại Đại hội Thi đua toàn quốc tháng 1-1967, Đội chiếu bóng lưu động 109 được xem là điển hình trong ngành Chiếu bóng. Cũng năm này, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành Văn hóa.

Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 4-1975, với tư cách Đoàn trưởng Đoàn cán bộ ngành Điện ảnh vào Nam, ông về công tác tại tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Ông từng kinh qua các chức vụ Giám đốc Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng; Chi hội trưởng Hội Điện ảnh Việt Nam; Chi hội trưởng Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

Ông về hưu vào năm 1993 và qua đời 8 năm sau đó, ngày 20-7-2001. Ngoài danh hiệu Anh hùng Lao động, ông còn được Đảng và Nhà nước phong tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy hiệu 40 và 50 năm tuổi Đảng...

Theo tài liệu gia đình còn lưu giữ, ông là một trong 10 gương anh hùng được tỉnh Nghệ An nêu danh trong cuốn “Hoa anh hùng nở trên đất lửa Xô-viết”, trong sách này tên ông được chép là “Trần Văn Đơn (Giảng)”.

Vợ chồng ông có hai người con trai là Trần Văn Hai (sinh năm 1951) và Trần Văn Ba (sinh năm 1953), cả hai đều tham gia cách mạng.

Năm 1967, Trần Văn Hai được bổ sung vào một đơn vị chiến đấu thuộc tỉnh Kon Tum, năm sau thì hy sinh, ngày 22-1-1968. Năm 1997, liệt sĩ Trần Văn Hai được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân theo Quyết định số 1305/QĐ ngày 23-7-1997. Ông được nêu danh trong cuốn “Truyền thống Lực lượng vũ trang thị xã Kon Tum- 30 năm chiến đấu và trưởng thành 1945-1975” (NXB Đà Nẵng - 1999) của Đảng ủy Quân sự thị xã (nay là thành phố) Kon Tum.

Trần Văn Ba hy sinh tại Hòa Vang lúc mới 14 tuổi, được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng 3.

Năm 1995, bà Trần Thị Thôi được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và cũng qua đời trong năm này.

Anh hùng Lao động Trần Văn Giảng và Anh hùng LLVTND Trần Văn Hai đều đã được đặt tên cho hai con đường gần nhau ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Riêng Anh hùng LLVTND Trần Văn Hai còn được đặt tên cho một con đường nối từ phường Thắng Lợi đến xã Đăk Bla, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.