Cửa sổ Tri thức

Nhạc cụ làm bằng ống nứa của người Cơ tu

.

* Mục Cuộc sống qua ảnh trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 17-10-2020 có nói đến một loại nhạc cụ làm bằng ống nứa của đồng bào Cơ tu có tên là khèn Bơrét. Đà Nẵng cuối tuần hãy giới thiệu về loại khèn này. Ngoài ra, người Cơ tu còn có nhạc cụ nào cũng làm bằng ống nứa nữa không? (Trần Trung, quận Hải Châu, Đà Nẵng)

- Đồng bào Cơ tu có các loại nhạc cụ truyền thống làm bằng ống nứa như: khèn Bơrét, sáo Alướt, sáo Tơrét, sáo Ahen…

Già làng Cơlâu Nhím biểu diễn khèn Bơrét tại nhà Gươl thôn Gừng  (thị trấn Prao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: V.T.L
Già làng Cơlâu Nhím biểu diễn khèn Bơrét tại nhà Gươl thôn Gừng (thị trấn Prao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: V.T.L

Khèn Bơrét, theo khảo tả của tác giả Nguyễn Văn Sơn, công tác ở Bảo tàng Quảng Nam, là một nhạc cụ hơi đa thanh, gồm 14 ống nứa nhỏ sắp xếp song song từng đôi một thành 7 hàng từ ngắn đến dài. Đôi ống dài nhất là 60cm và cặp ngắn nhất là 35cm, mỗi ống cho một âm thanh riêng. Khèn Bơrét của người Cơ tu Quảng Nam chịu ảnh hưởng loại khèn của người Cơ tu anh em bên nước bạn Lào.

Khèn Bơrét cấu tạo rất phức tạp, các ống này đều gắn lưỡi gà và được xuyên qua bầu khèn, được làm bằng gỗ dẻo gọi là apúc. Phần ống có gắn lưỡi gà đều đặt trong apúc được bít kín các khe bằng sáp ong ruồi. Lỗ thổi khoét ngay đầu bầu khèn, có thể đồng thời vừa chơi giai điệu, vừa thực hiện các chồng âm đệm theo, cũng như âm trì tục kéo dài.

Khi thổi khèn Bơrét, nghệ nhân Cơ tu thổi luồng hơi ra ngoài, khiến âm thanh của khèn trở nên trong và ấm hơn. Trong 14 ống nứa của khèn được khoét lỗ, khi thổi, nghệ nhân tuần tự gác lỗ, khèn sẽ cho 3 âm thanh có âm vực cách xa nhau tạo thành một phối âm phù hợp với các chiếc chiêng của người Cơ tu. Theo truyền thống, loại nhạc cụ này dùng để đàn ông Cơ tu sử dụng trong vui chơi hội họp, hát giao duyên, không sử dụng trong nghi lễ cúng tế thần linh.

Người Cơ tu tin rằng, đời sống, sức khỏe, công việc làm ăn của mọi thành viên trong gia đình, dòng họ luôn mọi sự như ý nên việc thổi khèn không được tùy tiện mà phải theo một quy định đặc biệt. Người thổi khèn Bơrét phải là người đứng đắn, tốt tính, được bà con hàng xóm yêu mến, công nhận.
Ngoài khèn Bơ-rét, tác giả Nguyễn Văn Sơn cũng “điểm danh” một số nhạc cụ làm bằng ống nứa khác.

Sáo Alướt được làm bằng ống nứa, ống trúc có chiều dài khoảng 40cm, đường kính khoảng 1,5cm một đầu được bịt kín. Sáo có tổng cộng 9 lỗ, cách đều nhau khoảng 2,5cm. Sáo Alướt gần như chỉ dành cho người đàn ông Cơ tu, nhất là những thanh niên. Đến tuổi yêu đương, con trai Cơ tu thổi sáo Alướt để tỏ tình với người yêu.

Sáo Tuốt là ống nứa dài khoảng 40cm, có một đầu để thổi. Khi thổi sáo, nghệ nhân Cơ tu dùng 4 ngón tay bấm vào 4 lỗ ở phía dưới. Đây là loại nhạc cụ được người Cơ tu dùng vào các dịp lễ hội của buôn làng. Ngoài ra, sáo Tuốt được người đàn ông Cơ tu sử dụng vào những lúc u buồn, bày tỏ tâm trạng riêng tư của người cha đối với con cái.

Sáo Tơrét cũng được làm bằng ống nứa dài khoảng 25cm, gồm có 3 lỗ để bấm, có lưỡi gà để thổi. Sáo thường được sử dụng vào các dịp lễ hội hoặc các buổi hát giao duyên.

Sáo Ahen được làm bằng ống tre, nứa dài khoảng 40cm, đầu thổi có lưỡi gà bằng đồng, ngón tay cái của nghệ nhân bấm vào lỗ dưới và ba ngón tay khác bấm vào ba lỗ phía trên. Loại nhạc cụ này được người Cơ tu dùng vào các dịp lễ hội của buôn làng, lúc đi săn bắt thú rừng hay trong dịp hát đối đáp nam nữ (babhoóch).

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích