* Bạn tôi cho biết, trên đường từ ngã ba Finom đi Đà Lạt có một điểm du lịch thú vị là Làng Gà, nơi có tượng gà trống được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận lớn nhất Việt Nam. Đề nghị quý báo giới thiệu đôi nét về sự ra đời của tác phẩm độc đáo này. (Trần Ngọc Nguyên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng)
Với tượng gà 9 cựa khổng lồ, làng K’Long được gọi là Làng Gà. Ảnh: V.T.L |
- Tên “khai sinh” của làng này là K’Long, thuộc thôn Đarahoa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Cơ-ho. Sở dĩ có tên Làng Gà bởi nơi đây có tượng một chú gà trống to lớn trong tư thế cất tiếng gáy vang. Chúng tôi từng đến K’Long và được nghe một phụ nữ Cơ-ho tên là K’Ánh, chủ một gian hàng bán hàng lưu niệm nằm phía sau tượng gà, kể về nguồn gốc ra đời của tác phẩm độc đáo này.
Theo đó, người Cơ-ho theo chế độ mẫu hệ, đàn bà phải đi cưới đàn ông với lễ thách cưới là 5 trâu, 20 xà-rông và 5 con gà. Ngày nọ, gia đình một chàng trai thách cưới 5 trâu, 20 xà-rông và chỉ 1 gà, nhưng đòi gà phải có 9 cựa. Cô gái lang thang khắp núi rừng để tìm cho ra chú gà quá ư đặc biệt đó. Tìm mãi, tìm mãi... cuối cùng, nàng kiệt sức nằm chết bên bìa rừng. Đến lượt mình, chàng trai lặn lội đi tìm người thương qua suốt hai mùa lễ hội mừng lúa mới mà nàng vẫn bặt vô âm tín. Cuối cùng, chàng nằm lại bên đường, vĩnh viễn chôn nỗi bi thương một cuộc tình vào núi rừng trầm mặc... Sau câu chuyện thương tâm đó, dân làng bàn nhau làm một chú gà trống có 9 cựa bằng tranh tre, cây cỏ. Ai muốn thách cưới thì hãy đến đó mà nhận... lễ vật.
Có lẽ, theo thời gian, nhiều chú gà tranh tre nứa lá đã thay nhau đi qua trên ngôi làng này. Theo bài viết Chiêm ngưỡng những pho tượng lớn nhất Việt Nam đăng trên vtv.vn, mãi đến năm 1978, một chú gà với chất liệu bê-tông bền vững mới được con người tạo dựng tại làng thay chú gà đã tàn tạ theo năm tháng. Năm đó, trong một chương trình mang nước về cho bà con dân tộc vùng cao của Sở Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng, kiến trúc sư Lữ Trúc Phương và nhà điêu khắc Thụy Lam hợp tác thiết kế, bắt tay thi công tượng gà cao đến 3,2 mét, đặt trên mô đất cao khoảng 1,5 mét. Các nhà thiết kế muốn tận dụng nguồn nước được đưa từ núi Voi về khu vực làng K’Long để tạo áp lực phát động một thủy điện nhỏ, nhằm khởi động “chương trình gáy” cho chú gà khổng lồ này, nhưng rất tiếc vì nhiều lý do nửa chừng phải bỏ dở.
Ý tưởng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại bất thành, song để lại một chuyện lạ ít ai ngờ tới, ngay cả với những người “đẻ” ra chú gà lạ lùng này 28 năm trước đó, chị K’Ánh cho biết thêm. Năm 2005, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã công nhận đây là tượng gà trống lớn nhất Việt Nam! Chú cân nặng khoảng... 8 tấn, đứng nhô đầu trên những nóc nhà gỗ, cất tiếng-gáy-không-lời quyến rũ du khách xa gần đến thăm làng, trong đó có không ít khách du lịch Tây ba-lô, thỏa thích nhìn ngắm, chụp ảnh lưu niệm cùng chú.
Riêng đối với người Cơ-ho ở làng K’Long, từ khi chú xuất hiện, bà con thực sự không còn lo sợ có ai đó thách cưới gà 9 cựa nữa. Thân thương hơn, cái tên Làng Gà đã đi vào ngôn ngữ dân gian, một cách hòa quyện giữa truyền thuyết diễm tình và tượng gà hiện đại.
ĐNCT