.

Nguyễn Tri Phương "thung dung chết về việc nghĩa"

.

Trong lịch sử chống ngoại xâm của nước ta, ít ai được như Nguyễn Tri Phương, vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).

Đường Nguyễn Tri Phương.       Ảnh: V.T.L
Đường Nguyễn Tri Phương. Ảnh: V.T.L

Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873) quê làng Đường Long (Chí Long), xã Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Tuy xuất thân trong một gia đình làm ruộng và nghề thợ mộc, không được qua trường lớp, nhưng nhờ trí thông minh và ý chí tự học, tự lập cao, ông đã làm nên sự nghiệp lớn. Bắt đầu từ chân thơ lại ở cấp huyện, do tài năng mà được tiến cử lên triều đình Minh Mạng, được thu dụng và lần lượt giữ nhiều chức vụ trọng yếu suốt ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

Điều mà hậu thế kính ngưỡng nơi vị đại danh thần nhà Nguyễn này, không chỉ là khí phách “thung dung chết về việc nghĩa” mà còn ở thái độ khảng khái, kiên quyết của một vị tướng trước sự tấn công bằng tàu to súng lớn của phương Tây, đặc biệt là ở trận đầu tiên chúng tấn công vào Đà Nẵng và Hà Nội. Ngay từ lúc ông còn đương chức, vua Tự Đức đã ghi nhận những công trạng của ông bằng cách chuẩn phê cải tên ông từ Nguyễn Văn Chương thành Nguyễn Tri Phương với hàm ý ngợi khen một con người nghĩa dũng, nhiều mưu chước.

155 năm trước, ngày 31-8-1858, tàu chiến Pháp đến uy hiếp Đà Nẵng. Vua Tự Đức cử ông làm Tổng thống Quân thứ đại thần trực tiếp chỉ huy quân đội phòng chống giặc. Với vũ khí tối tân, Pháp đã uy hiếp và phá hủy một số lớn đồn lũy của quân ta, ông bị triều đình giáng cấp nhưng vẫn lưu tại chức. Tuy nhiên, do kế hoạch phòng thủ của ông quá chu đáo nên quân Pháp không thể thực hiện kế hoạch “tốc chiến tốc thắng” mà phải rút quân vào đánh Gia Định.

140 năm trước, đêm 19 rạng sáng ngày 20-11-1873, đại úy quân đội Pháp Francis Garnier bất ngờ đem quân đánh úp thành Hà Nội. Lúc này, Nguyễn Tri Phương trấn thủ Hà Nội với chức vụ Tổng đốc, quyết tâm cùng các chiến binh chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giữ bằng được thành Hà Nội - vòng thành có vị trí chiến lược quyết định sự thành bại trong cuộc chiến giữ đất khu vực phía Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, đã diễn ra cuộc chiến không cân sức, chỉ sau một giờ, lính Pháp với sự trợ thủ của pháo thuyền hiện đại, có sức công phá lớn đã chiếm được thành, bắt làm tù binh hơn hai nghìn binh triều.

Con trai ông là Phò mã Nguyễn Lâm bị trúng đạn chết tại trận, ông cũng bị trọng thương. Được lính Pháp cứu chữa, ông khảng khái từ chối mà rằng: “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”. Ông chịu đau, tuyệt thực gần một tháng và mất vào ngày 20-12-1873 (nhằm ngày 1 tháng 11 âm lịch).

Ngay lúc sinh thời, ông đã được các vua nhà Nguyễn ban tặng nhiều phẩm tước. Năm 1840, thăng Khâm sai quân thứ đại thần, hàm Tòng Hiệp biện Đại học sĩ rồi được thưởng danh hiệu “An Tây trí dũng tướng”. Tháng 5-1847, thăng hàm Chánh Hiệp biện Đại học sĩ, tước Tráng Liệt tử và được ban một Ngọc bài có khắc bốn chữ “Quân kỳ thạc phụ”, được chép công trạng vào bia đá ở Tòa Võ miếu Huế. Năm 1850, sau khi được vua ban tên Nguyễn Tri Phương, ông được thăng Khâm sai Tổng thống Quân vụ Đại thần kiêm Tổng đốc các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên. Năm 1853, thăng Điện hàm Đông các Đại học sĩ. Năm 1862, thăng chức Võ Hiển Đại học sĩ, tước Tráng Liệt Bá. Năm 1871, hàm Thái tử Thái bảo Võ hiển điện Đại học sĩ Trí dõng tướng Tráng liệt bá.

Từ Tổng thống quân thứ ở Đà Nẵng đến Tổng đốc thành Hà Nội, Nguyễn Tri Phương đã để lại hình ảnh của một vị tướng lẫm liệt, lừng lẫy gương trung cang nghĩa khí trước ngoại xâm. Để tưởng nhớ công lao của ông, từ tháng 6-1964 thành phố Hà Nội đã đặt tên ông cho con đường dài gần 1km, nối từ phố Phan Đình Phùng đến đường Điện Biên Phủ, vốn là con đường bên trong thành nội cổ. Thời Pháp thuộc gọi là đường Cửa Nam (Route de la Porte Sud) nhưng dân chúng quen gọi là đường trong thành.

Thành phố Đà Nẵng từ trước năm 1975 đã đặt tên ông cho con đường hiện nay dài 1.295m, rộng 21m, từ đường Điện Biên Phủ đến đường Phạm Văn Nghị.

“Thung dung chết về việc nghĩa”, người dân Hà Nội đã lập miếu thờ ông ở đền Trung Liệt trên gò Đống Đa cùng với người kế nhiệm ông trấn thủ thành Hà Nội là Tổng đốc người Quảng Nam Hoàng Diệu. Trước đền còn ghi câu đối xưng tụng tấm gương vị quốc vong thân của con người trung nghĩa: “Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa/ Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên” (Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất/ Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh”.

Thành phố Đà Nẵng đã dựng tượng ông trước Bảo tàng Đà Nẵng, trong khuôn viên thành Điện Hải xưa. Thiết nghĩ, một miếu thờ vị Tổng thống quân thứ từng chỉ huy quan quân trong trận đầu tiên người Đà Nẵng chống lại quân xâm lược đến từ phương Tây sẽ hiện thực hóa lòng tri ân người xưa và ghi dấu lịch sử vàng son.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.