.

Phạm Vấn, Khai quốc Công thần nhà Hậu Lê

.

Tháng 2 năm 1428, khi triều đình Nhà Lê định công để ban thưởng cho các tướng lĩnh có nhiều công lao, Phạm Vấn được xếp hàng đầu. Một năm sau, Triều Lê dựng biển khắc tên các vị Khai quốc Công thần thì tên của Phạm Vấn vẫn đứng hàng thứ nhất.

Đường Phạm Vấn. Ảnh: V.T.L
Đường Phạm Vấn. Ảnh: V.T.L

Phạm Vấn (? - 1435) người thôn Nguyễn Xá, huyện Lương Giang (nay là huyện Thiệu Hóa), tỉnh Thanh Hóa. Ông đến Lam Sơn tham gia ngay từ đầu cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo. Trong cương vị tướng trực tiếp cầm quân, ông từng lập nhiều chiến công xuất sắc.

Tác giả Nguyễn Khắc Thuần, từ những dòng ghi chép tản mạn của sử cũ về Phạm Vấn, đã hệ thống và đưa vào sách Danh tướng Việt Nam - Tập 1 (NXB Giáo dục, Hà Nội, 1996) để độc giả có thể hình dung sự nghiệp của ông.

Theo đó, sau khi giết được Lê Lai, quân Minh hí hửng tưởng đó là Bình Định Vương Lê Lợi, bèn rút về Tây Đô. Vương bí mật đưa nghĩa quân trở lại Lam Sơn để dưỡng sức và chỉnh đốn lực lượng; đồng thời, lo tích trữ lương thực và thực phẩm, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài.

Nhưng, ở Lam Sơn chưa được bao lâu thì Lê Lợi đã phải đối phó quyết liệt với những cuộc càn quét mới của giặc. Năm 1420, đích thân tên Việt gian người Quỳ Châu (Nghệ An) là Cầm Lạn đã dẫn quân lính vào Lam Sơn. Theo sách Lam Sơn thực lục (Quyển 1), để ứng phó với Cầm Lạn, Vương sai Lê Triện (tức Lý Triện), Lê Lý (tức Nguyễn Lý) và Lê Vấn (tức Phạm Vấn), đem mấy trăm quân đến Bồ Mộng mai phục, đánh tan quân địch, chém được hơn 300 tên. (Trận này, Đại Việt thông sử chép là chém được hơn 3.000 tên giặc). Từ trận Bồ Mộng, tài năng quản sự của Phạm Vấn bắt đầu được khẳng định.

Khi mới khởi nghĩa, Lê Lợi đã thiết lập được mối quan hệ rất tốt đẹp với quốc vương của Ai Lao và nước này đã từng giúp đỡ nghĩa quân Lam Sơn một cách rất hào hiệp và có hiệu quả. Nhưng sau vì âm mưu chia rẽ của kẻ thù, cộng với sự xúi giục của một số kẻ phản dân hại nước, Ai Lao liền thay đổi thái độ. Năm 1422, Ai Lao đã liên minh với quân Minh để tấn công đàn áp nghĩa quân Lam Sơn.

Theo Đại Việt thông sử (Chư thần truyện), đến năm Nhâm Dần (1422), quân Minh hẹn với quân Ai Lao hai mặt giáp công tiến đánh. Vương lui quân về Sách Khôi, giặc lại đến đánh. Tình thế rất nguy cấp. Vương khích lệ các tướng và quân sĩ cố sức chiến đấu. Phạm Vấn cùng các tướng như Lê Hào, Lê Lĩnh... liều mình xông lên phía trước phá thế trận của giặc, chém được tướng giặc là Phùng Quý và hơn một ngàn sĩ tốt của hắn, thu được hơn trăm con ngựa. Hai tướng giặc khác là Mã Kỳ và Trần Trí đều chỉ chạy thoát lấy thân. Vương lui quân về đóng ở núi Chí Linh, bị hết lương trong hai tháng. Phạm Vấn vỗ về quân ngũ, luôn hầu cận Vương, vua phong cho ông làm Thượng tướng quân. Từ đây, Phạm Vấn là một trong những tướng chỉ huy cao cấp của Lam Sơn.

Cuối năm 1424, Vương kén chọn đinh tráng, sửa sang khí giới, chỉnh đốn quân ngũ và voi chiến, quyết định tấn công vào Nghệ An. Hai trong số những trận đánh lớn tại đây là trận Trà Lân và trận Khả Lưu, đều có sự tham gia chỉ huy của tướng Phạm Vấn và ông đã lập công xuất sắc, được Vương phong hàm Thiếu úy.

Cuối năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn chủ trương tập trung mọi cố gắng, quyết tiêu diệt cho bằng được đạo viện binh lớn nhất của giặc do Liễu Thăng cầm đầu, tiến vào nước ta qua ngả Lạng Sơn. Quyết định đánh trận cuối cùng với đạo viện binh này tại cánh đồng Xương Giang, Vương điều động đến đây thêm khá nhiều quân sĩ và tướng lĩnh, trong đó có Phạm Vấn. Trước đó, nhờ có thêm nhiều công lao trong quá trình tham gia chỉ huy lực lượng vây hãm thành Đông Quan, ông đã được phong tới hàm Tư mã. Vâng mệnh, ông cùng với tướng Lê Khôi đem 3.000 quân thẳng tiến lên Xương Giang và thêm một lần nữa, lập công xuất sắc, xứng đáng với niềm tin cậy lớn lao của Bình Định Vương Lê Lợi.

Sách Đại Việt thông sử (Chư thần truyện) có chép lời chế văn của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi): “Xét như Phạm Vấn đây: Ngay thẳng mà tiết tháo/ Quyết đoán mà đa mưu/ Thuở mới dấy binh tụ nghĩa trả oán cừu/ Một dạ đổi thay vận bĩ/ Nếm mật nằm gai, ngươi từng dốc chí/ Giành đất, hạ thành... biết mấy công lao”.

Năm 1433, vua Lê Thái Tổ băng hà, Phạm Vấn và Lê Sát được trao quyền Phụ chính. Ba năm sau, Phạm Vấn qua đời vì bệnh, được triều đình truy tặng hàm Thái phó, đồng thời ban cho tên thụy là Tuyên Vũ. Ông là một trong 7 vị đệ nhất công thần Triều Lê, gồm: Lưu Nhân Chú, Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân, Nguyễn Lý, Lê Văn Linh và Bùi Quốc Hưng.

Tưởng nhớ công lao của ông, thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 408m, rộng 7,5m, từ đường Trương Định đến đường 5,5m chưa đặt tên, thuộc khu dân cư Mân Thái 1, 2, theo Nghị quyết số 88/2009/NQ-HĐND ngày 24-12-2009 về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.