Ở nơi mà giữa cái chết và sự sống quá mong manh, nếu không hoàn thiện từ con người đến máy móc thì việc cứu chữa bệnh nhân sẽ không hiệu quả như mong muốn.
Khoa Nhi sửa chữa những “khiếm khuyết” của các bệnh nhi để các cháu khỏe mạnh lớn lên làm người. Ảnh: V.T.L |
Mong manh sống chết
Tiếng còi cứu thương vừa dứt phía ngoài cổng, trong tích tắc, chiếc xe 115 đã dừng ngay trước cửa Khoa Khám - Cấp cứu đa khoa (gọi tắt là Khoa Cấp cứu) đơn vị tiếp nhận và xử lý bệnh nhân đầu tiên ở BV Đà Nẵng. Bốn nhân viên của khoa nhanh chóng đưa xe băng-ca ra đón bệnh nhân, một bà khoảng trên 70 tuổi, đôi mắt trũng sâu trên gương mặt hốc hác, gần như bất động. Trong phòng, lúc đó là hơn 9 giờ sáng, các giường bệnh đã nêm kín, các nhân viên y tế phải tìm một chỗ trống để đưa người bệnh mới vào.
Chị Nguyễn Thị Kim Anh, Điều dưỡng trưởng của khoa, sau 22 năm đeo đuổi với cái nghề mà chị gọi là “đầu sóng ngọn gió” này, đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm “máu xương”: Cảnh giác những ca say xỉn gây tai nạn giao thông, đánh lộn gây chấn thương, đâm chém nhau ở vũ trường... Có lần những kẻ “mất tần số” này đuổi đánh một bác sĩ, chị đưa người bị đánh vào phòng khóa cửa lại mà họ vẫn bám theo bén gót. Lực lượng bảo vệ không nhằm nhò gì, cuối cùng phải gọi Cảnh sát 113 mới yên. Bác sĩ H.L có lần cấp cứu một ca say xỉn bị tai nạn giao thông, chỉ mới chạm nhẹ đến bắp chân người này đã bị đạp một phát, té rách trán phải khâu mấy mũi. Lần khác, bác sĩ P. bị bệnh nhân nện một phát sưng vù con mắt. Cả hai bác sĩ này, một nam một nữ, khiếp quá, sau đó xin chuyển qua làm công tác hành chính cho nó… lành!
Trước đó, trong lúc các nhân viên y tế chăm sóc người bệnh mới vào, tôi đưa máy ảnh lên chụp mấy kiểu và nhận được ánh mắt khó chịu của người nhà. Nghe chị Kim Anh kể, tôi hú vía, nếu gặp những trường hợp say xỉn thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra…
200 ca một ngày đêm, chưa kể đến thể trạng toàn là bệnh nặng, chỉ mới số lượng thôi cũng đã là một áp lực nặng nề đối với những người làm ở Khoa Cấp cứu. Tâm trạng của hầu hết những người đưa người nhà đến cấp cứu là muốn BS nhanh chóng khám cho người thân của mình. Tuy nhiên, theo ThS. BS Trưởng khoa Nguyễn Trường Minh, sẽ ưu tiên cấp cứu những ca nguy kịch như: nhịp thở chậm dễ dẫn đến ngưng thở, nước da xanh mét do mất máu nhiều,...
Nếu như có ai đó nghĩ rằng những người mặc blouse trắng ở Khoa Cấp cứu ấy sao mà “lạnh lùng” đến vậy thì xin hãy nghĩ lại. Bằng sự tỉnh táo và chính xác nhất có thể, họ tập trung cứu những bệnh nhân mà lằn ranh giữa sự sống và cái chết mong manh như một hơi thở. Người nhà và bệnh nhân những bệnh nhẹ hơn hãy chia sẻ sự “lạnh lùng” rất đỗi thiêng liêng ấy. Với cấp cứu, việc đến trước hay sau chỉ là tương đối, có khi đến sau cùng lại ưu tiên được khám trước, nhiều lúc sự “nhường bước” của người này sẽ cứu lấy tính mạng của người kia chỉ trong gang tấc.
Ẩn ngữ từ những ánh mắt
Ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, nếu Khoa Phụ sản đón sinh linh ra đời thì Khoa Nhi sửa chữa những “khiếm khuyết” của các sinh linh đó để các cháu khỏe mạnh lớn lên làm người. Cũng như BV Đà Nẵng, “nóng nhất” ở đây vẫn là Phòng khám - cấp cứu: cấp cứu phụ sản bình quân mỗi ngày đêm 60 ca, nhi thì gấp đôi số đó.
BS Huỳnh Hòa, Phó Trưởng khoa Phụ sản, cho biết, trước đây BS giỏi có “bàn tay vàng”. Nay, nhờ thực nghiệm với khoa học kỹ thuật hiện đại nên công tác chữa trị trong y khoa tiến bộ hơn rất nhiều. Nếu đã có “bàn tay vàng” rồi mà có thêm thực nghiệm khoa học nữa thì hiệu quả khám chữa bệnh càng cao.
12 năm mặc áo blouse trắng, BS Trần Thị Hoàng, Phó Trưởng khoa Nhi, cảm thấy thật vinh dự khi được điều trị, chăm sóc, làm thay đổi theo chiều hướng tốt hơn những bệnh nhân bé bỏng. Bệnh nhi quá nhiều, nhưng nhớ nhất là những ca chị không làm gì được cho bệnh nhân và, vì thế, trăn trở cả đêm không ngủ được.
Gần 10 năm trước, có một em bé sinh ra khi mới được 28 tuần tuổi, cha Việt mẹ Úc, nặng chỉ nhỉnh hơn 1kg, vô khoa nhi sơ sinh (BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng ngày trước là hai khoa trực thuộc BV Đà Nẵng). Lúc đó không đủ phương tiện điều trị nên rất khó khăn trong chăm sóc trẻ. Em bé nằm viện được gần 10 ngày thì người mẹ xin được chụp hình cùng con mình. Em bé ra đi sau khi mẹ rời em vài giờ và để lại ánh mắt rất lạ trên tấm ảnh cuối cùng của cuộc đời em.
BS Hoàng chùng giọng xuống: “Em bé có ánh mắt rất lạ, giống như ánh mắt của những người nhà bệnh nhi mà tôi từng biết, họ nhìn mình như khẩn cầu, như than khóc… Những ánh mắt như vậy sẽ buộc những người trong ngành Y có những đêm trăn trở, rằng mình có thể làm được gì nữa không, nếu có những ca như vậy tiếp theo thì mình sẽ cùng với đồng nghiệp làm gì tốt hơn để cuộc đời vơi nhẹ nỗi đau? Tôi nghĩ, người thầy thuốc nhận được những ánh mắt như thế sẽ có giá trị nghìn lần hơn vật chất, là thông điệp từ trái tim tới trái tim thôi thúc thầy thuốc tận tâm hơn với nghề”.
Trong phòng họp Khoa Nhi có treo một lá cờ thi đua công nhận Tổ Hồi sức Nhi của BV Đà Nẵng đạt danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lao động” năm 1985. Gần 30 năm qua, Tổ Hồi sức Nhi giờ trực thuộc Khoa Nhi của BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Cờ đã nhạt màu, nhưng qua ánh mắt của bệnh nhi và người nhà, các thế hệ thầy thuốc ngày nay sẽ không để cho trái tim mình nhạt phai tinh thần xưa cũ, như bộc bạch của chị Lưu Thị Bốn, Điều dưỡng trưởng Khoa Nhi: “Nhìn lá cờ thì phải sống thế nào cho xứng đáng với thế hệ đi trước”.
Làm khoa “nóng” thì đầu phải “nguội“
Mấy đêm rồi, trời lại mưa. Những người nhà bệnh nhân điều trị trong Khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC) BV Đà Nẵng rất vất vả. Đêm đêm họ phải nằm nghỉ ngoài hành lang mưa gió, chờ đến 12 giờ khuya mới được vào chăm sóc người bệnh. Chị N.T.L đưa mẹ bị tai biến từ trên Đại Lộc xuống, vừa lo chuyện bệnh, vừa nghĩ chuyện nhà. Đã thế, lại gặp phải một nhân viên y tế trong khoa ăn nói xẳng lè không chút cảm thông. Chị bức xúc lắm, nhưng nghĩ mình đã “trao” sinh mệnh mẹ mình cho người ta cứu chữa, thì ráng dằn lòng.
Trao đổi chuyện này, TS.BS Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc BV Đà Nẵng, Trưởng khoa HSCC, cho rằng: “Những gì liên quan đến giao tiếp là cực kỳ quan trọng ở những khoa sống chết như HSCC. Khoa cũng như một xã hội thu nhỏ, trình độ hiểu biết có chênh lệch, nhân viên phục vụ có khi chỉ đạt trình độ lớp 10-12 nên khó tránh được những điều đáng tiếc với bệnh nhân và người nhà. Chúng tôi có một bài riêng tập huấn cho nhân viên về giao tiếp. Người nhà đang lo âu, mệt mỏi, không có chỗ ăn uống ngủ nghỉ, tiền bạc thiếu, sức khỏe giảm..., nếu mình không tế nhị, thông cảm thì rất dễ bị họ phản ứng”.
“Công suất” của khoa chỉ 50 giường, nhưng nhiều lúc bệnh nhân vào vượt trên số đó. Do cường độ làm việc, đội ngũ điều dưỡng, nhân viên y tế luôn bị áp lực từ nhiều phía và phải chấp nhận một “quy luật” là ai không chịu nổi áp lực phải đổi đi khoa khác. Vừa rồi, BS Nhân cho biết, khoa đã đề xuất điều chuyển một cô đi vì không chịu áp lực, sức khỏe không tốt, làm khoa “nóng” nhưng đầu cô không được “nguội”.
Ở nơi mà giữa cái chết và sự sống quá mong manh, nếu không hoàn thiện từ con người đến máy móc thì việc cứu chữa bệnh nhân sẽ không hiệu quả như mong muốn. Trên quan điểm này, BV Đà Nẵng sẽ mở rộng Phòng Cấp cứu thêm 100m2 và đang xây dựng cơ sở mới dành cho Khoa HSCC gồm 2 tầng với diện tích sử dụng lên đến 1.600m2. Với tên khoa mới là Hồi sức tích cực - Chống độc, cơ sở gồm 80 giường này sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 6-2014. Ngoài các thiết bị đạt chuẩn của Bộ Y tế, nơi đây sẽ có một tầng dành riêng cho người nhà bệnh nhân với loa phóng thanh và màn hình điện tử để đưa những thông tin cần thiết về người bệnh.
Vậy là, cả nhân viên bệnh viện và người nhà ở các khoa “nóng” này rồi đây sẽ “nguội”, để những người mặc blouse trắng tỉnh táo hơn, chú tâm hơn trong thiên chức của mình: Chữa bệnh, cứu người.
BS.CK2 Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng: Cứu mạng người nghèo Hôm 21-11 vừa rồi, một bệnh nhân nhà rất nghèo vô cấp cứu, bị phình một chỗ trong mạch máu não (anévrisme), chưa biết bục lúc nào, bục là chết. Vô lẽ để họ chết, trong khi mình có phương tiện trong tay? Cuối cùng, chúng tôi quyết định đặt 2 cái coils (cuộn, vòng xoắn) để bít túi phình này. Mất 130 triệu nhưng cứu sống được bà, con bà chạy vạy đóng được 30 triệu đồng; số còn lại BV hỗ trợ. Chúng tôi thực hiện được các ca cứu người “ngoạn mục” này là nhờ máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền (DSA - Digital Subtraction Angiography) do một phụ nữ người Đức trong Tổ chức Heart to heart (Trái tim tới trái tim) tặng. Hôm 22-11 vừa rồi, bà đã đến BV Đà Nẵng trực tiếp xem hiệu quả chữa trị của máy và quyết định tặng thêm một máy nữa trị giá 1,5 triệu Euro. Để cứu lấy mạng sống của những người nghèo, người không đủ khả năng chi trả viện phí cao, chúng tôi trích quỹ đầu tư phát triển của BV để hỗ trợ. Thay vì mua máy móc chữa bệnh thì cứu người trực tiếp như thế, cũng sẽ rất thiết thực. Với mục đích này, năm ngoái, đã có 2,2 tỷ đồng được duyệt chi, 9 tháng đầu năm nay là 1,75 tỷ đồng. VIÊN PHÚC QUÂN (ghi) |
Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ