.

Làm bạn với trẻ "chuyên biệt"

.

Ở các trường phổ thông chuyên biệt, giáo viên (GV) được đào tạo các kỹ năng dạy, tiếp xúc với trẻ khuyết tật nên hiểu được các thói quen, cảm xúc của các em; còn ở các trường học khác, GV được phân công đứng lớp có học sinh khuyết tật học hòa nhập thường phải cố gắng rất nhiều, không chỉ dạy mà còn dỗ. Và dù ở đâu, các thầy các cô cũng dành hết tâm sức, tình cảm cho các em với đúng nghĩa của từ “làm bạn”…

 Cô giáo Hồ Thị Bích Thảo (ảnh trái) và cô giáo Trương Thị Thu Thủy trong lớp học dạy trẻ khiếm thính. Ảnh: H.N
Cô giáo Hồ Thị Bích Thảo (ảnh trái) và cô giáo Trương Thị Thu Thủy trong lớp học dạy trẻ khiếm thính. Ảnh: H.N

Nỗ lực hơn, yêu thương hơn

Gần mười năm dạy hòa nhập cho trẻ khuyết tật, nhất là trẻ bị chậm phát triển trí tuệ và HS yếu, cô giáo Trương Thị Thu Thủy (Trường TH Võ Thị Sáu, quận Hải Châu) tâm sự: Học sinh càng yếu thì mình càng thương, bởi các em thiệt thòi nhiều so với các bạn. Nên trong suốt những năm tháng dạy học, cô Thủy luôn quan niệm dạy làm sao để học sinh hiểu chứ không phải chỉ cốt dạy cho hết bài.

Cho đến giờ, cô Thu Thủy vẫn không quên được học sinh V - HS khuyết tật dạng chậm phát triển trí tuệ. Có lần, khi cô giáo bước vào lớp, cả lớp đứng dậy chào cô giáo, riêng em V. chui xuống gầm bàn chơi con quay. “Mình làm như chưa nhìn thấy em, cứ hỏi bâng quơ bạn V. lớp mình đi đâu rồi nhỉ rồi cho cả lớp ngồi xuống. Mình đi xuống chỗ của V., nhặt con quay đặt lên bàn. Bỗng dưng V. khóc to lên. Mình cùng ngồi xuống với em, nhỏ nhẹ bảo với V. là nếu hôm nay V. ngoan, học tốt thì giờ ra chơi, cô sẽ cùng chơi con quay với V. Con quay vẫn là của V…” - cô Thủy kể.

Giữ lời hứa, giờ ra chơi, cô Thủy cùng chơi quay với V. thật, và “cô toàn thua thôi nên V. phấn khởi lắm. Cô cũng tranh thủ “tâm sự” với trò nên chơi vào lúc nào, giờ học thì cần phải thế nào”. Và đều đặn giờ ra chơi nào cô Thủy cũng cùng chơi với V., lúc thì chơi xếp hình, chơi bi… những trò chơi hạn chế sự kích động của em. Hôm nào V. có những biểu hiện không tốt, cô giáo lại gọi ra nhắc nhở riêng và phạt bằng cách không chơi cùng với em nữa. V. tiến bộ dần, bớt đánh bạn, giờ học cũng tập trung hơn. Giờ thì V. đã là học sinh lớp 7, vẫn còn giữ liên lạc với cô giáo, có thành tích nào mới, cho dù nhỏ, cũng đều gọi điện khoe với cô.

“Mình xác định mình phải là một người mẹ thật sự của HS, dạy cho các em từng tí một, từ lời ăn tiếng nói, cách đi đứng, thưa gửi, cách giữ gìn vệ sinh… Nếu không có tình thương, sự kiên trì, nhẫn nại và tỉ mỉ thì không thể làm được” - cô Thủy tâm sự rất chân thành.

Cô giáo Hồ Thị Bích Thảo, GV dạy trẻ khiếm thính Trường chuyên biệt tư thục Thanh Tâm, quận Ngũ Hành Sơn cho biết trong hơn 13 năm làm cô giáo và làm bạn với HS khuyết tật, cô nhận thấy các em rất tình cảm, chia sẻ với cô giáo và các bạn cùng lớp rất chân thành. Như khi cô giáo bị cảm, ho thì các em chạy đi lấy dầu xoa, vuốt ngực cho cô; khi có bạn trong lớp bị ói thì các em phân công nhau đứa đi gọi cô, đứa giặt khăn mặt lau cho bạn… Với mỗi HS, cô phải dạy theo khả năng của từng em. Thường khi trẻ 2-3 tuổi, gia đình mới phát hiện trẻ bị khiếm thính và được đưa đến trường, lúc này có thể đã hơi trễ để giáo dục chuyên biệt. Nên các cô dạy khiếm thính phải tập cho các em phương pháp ra hơi, tùy vào từng em, có em mất 5-6 tháng, có em phải cần đến 1 năm mới ra hơi được; sau đó là các bài tập phát triển âm giọng (ngôn ngữ). Khi đi học, nhiều em năm đầu tiên chỉ nói được 2-3 từ (đã đeo máy trợ thính), qua năm sau mới nói được câu 6-7 từ.

“Đôi khi về đến nhà, mình khàn tiếng, không nói được, người nhà liền bảo – dạy điếc có phải nói gì đâu mà đau cổ - trong khi dạy trẻ khiếm thính phải sử dụng ngôn ngữ nói, mình phải nói to để các em nghe và phát triển ngôn ngữ. Nếu GV nói to thì các em nói to và ngược lại”, cô Bích Thảo chia sẻ về nghề.

Soeur Nguyễn Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Thanh Tâm cho biết soeur và các cô giáo luôn lấy học trò làm trung tâm và đây cũng là chiến lược của nhà trường chứ không phải là thành tích của trường hay giáo viên. Do đó trường luôn chọn những GV có tâm, vì “nếu không có tính kiên nhẫn, có tâm sẽ rất khó dạy trẻ khuyết tật. Nếu dạy một trẻ bình thường sẽ không thấy rõ khả năng của GV; nhưng khi dạy trẻ khuyết tật, GV phải đối diện với muôn vàn khó khăn, buộc các thầy cô phải nỗ lực, sáng tạo hơn, yêu thương hơn; nếu làm được điều này người GV mới thấy được hạnh phúc trong cuộc đời đứng lớp của mình” soeur Tuyết Lan tâm sự.

Sáng tạo không ngừng vì HS

Trong phòng trưng bày đồ thủ công do cô và trò Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu làm, ấn tượng đập vào mắt các vị khách là những chiếc vòng tay, dây đeo cổ và một bức tranh làm bằng hạt giấy rất giống hình những con ốc. Cô Cao Thị Thủy, GV dạy môn mỹ thuật của trường, tác giả của trò “hạt giấy phế liệu” (giải nhì ngày hội HS sáng tạo năm 2012), cho biết chỉ cần tận dụng giấy thừa (giấy bìa lịch treo tường) để HS khiếm thị học chữ nổi là cô trò có thừa nguyên liệu để cuốn hạt giấy.

Cũng là một cách vừa học tập, phù hợp với sức khỏe các em, vừa làm đồ trang trí và có thể bán được cho những người có nhu cầu (hạt giấy có thể kết thành hoa, mành treo, bông tai, kết lên áo và nhiều nhất là làm dây đeo thẻ công chức). Đây còn là phương pháp trị liệu cho những em khuyết tật về tay vì tay các em thường yếu, luyện tập tay-mắt, phân biệt màu sắc, phân biệt số đếm và cả bố cục thẩm mỹ… Việc ứng dụng nhiều môn học để làm nên sản phẩm hạt giấy giúp HS luyện tập được nhiều kỹ năng, giúp các em tập trung hơn, tinh thần phấn chấn hơn khi làm được việc cùng cô giáo.

Cũng trên tinh thần vì HS, thầy Nguyễn Duy Quy và cô Đỗ Thị Đỗ Quyên của trường Nguyễn Đình Chiểu đã sáng chế ra chiếc “gậy dò đường thông minh” dùng cho người khiếm thị. Từ chiếc gậy dò đường bình thường, thầy Quy đã chế lại mạch điện, gắn loa phát âm thanh và thêm 3-4 bóng đèn LED nhằm báo hiệu cho người và các phương tiện khác biết để tránh, giúp các em HS khiếm thị của trường khi đến các trường phổ thông khác để học hòa nhập hoặc đi ra ngoài tự phục vụ bản thân có thể qua đường dễ dàng. Sau 3 lần thử nghiệm, cây gậy thông minh mới cơ bản hoàn thiện, có thêm chỗ lắp 1 viên pin nhỏ và công-tắc.

Thầy Nguyễn Duy Quy cho biết giá thành của chiếc gậy khoảng 120 nghìn đồng, chưa kể thanh nhôm dò đường giá 100 nghìn đồng nữa, “sản phẩm này nếu phổ biến sẽ giúp cho nhiều người khiếm thị và nếu sau này có cơ sở nào nhận sản xuất cho người khuyết tật, chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ để sản xuất đại trà”. Cũng từ tấm lòng với học trò mà khi “gậy dò đường thông minh” đoạt giải nhì ngày hội sáng tạo do sở GD&ĐT trao thưởng với món quà 800 nghìn đồng, thầy Quy đã làm tiếp được 3 cây gậy nữa tặng các em HS…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.