.

Muốn sang thì bắc cầu kiều...

.

Ngày tôi bắt đầu làm quen với hai mươi bốn chữ cái tiếng Việt, cha mẹ tôi đã lễ bộ nghiêm trang đưa tôi đến nhà thầy giáo để khai tâm. Trong khi cha tôi thưa chuyện với thầy thì mẹ đứng một bên nắm hai tay vào nhau, đầu hơi cúi xuống lắng nghe từng lời… Lúc ấy, tôi cảm nhận một sự kiện trọng đại trong đời mình bắt đầu từ cái lớp học vỡ lòng ở mái trường làng mái rạ đơn sơ ấy!

Cô giáo như mẹ hiền. Ảnh: V.T.L
Cô giáo như mẹ hiền. Ảnh: V.T.L

Cứ như thế, năm chị em tôi đều được cha mẹ dắt đi qua cái ngưỡng cửa khai tâm của đời người một cách trang trọng khiến chúng tôi không thể nào quên được. Cũng chính thái độ kính ngưỡng chân thành của cha mẹ tôi đã khiến các cô giáo dạy hai đứa em gái tôi sau này vô cùng ngạc nhiên và áy náy. Chuyện là sau năm 1975, cô giáo dạy lớp Một của em gái tôi vốn rất trẻ, vừa mới ra trường được tăng cường từ miền Bắc vào Nam trong những ngày đầu thống nhất đất nước. Thấy cha tôi, đáng tuổi cha chú lại vòng tay thưa chuyện nên cô hốt hoảng xua tay lia lịa nói: “Bây giờ giải phóng rồi, mọi người bình đẳng, bác không cần phải làm thế”. Cha tôi lại nghiêm trang cúi đầu trả lời: “Dạ thưa cô, phải như vậy để làm gương cho lũ trẻ sau này học cách lễ phép với thầy, cô giáo…”.  

Ngày nay, tuy cuộc sống có khác xưa nhưng tinh thần tôn sư trọng đạo, nói nôm na như cha tôi là “cách lễ phép với thầy cô, giáo”, vẫn mãi là dòng chảy đạo lý không hề phai lạt trong tâm tưởng của bậc làm cha, làm mẹ. Chắc rằng sẽ không có cảnh “đội gạo, ôm gà” đi Tết thầy như thời đại của cha ông chúng ta ngày trước, nhưng việc phụ huynh luôn giữ lòng kính yêu các thầy, cô giáo như là một cách gián tiếp để tỏ lòng mong muốn các nhà giáo giúp con mình học tập.

Đầu năm học 2013-2014 vừa rồi, sau buổi họp cha mẹ học sinh tại Trường THPT Phan Châu Trinh Đà Nẵng, nhiều phụ huynh đã vui vẻ nán lại để gặp gỡ thầy, cô giáo chủ nhiệm của con em mình. Tuy chỉ là vài lời gửi gắm, hỏi thăm hay thậm chí chỉ kịp ghi lại số điện thoại của thầy, cô giáo để liên lạc khi cần nhưng cũng cho thấy nhận thức của phụ huynh về vai trò của người thầy trong việc cùng gia đình nuôi dạy tâm hồn con trẻ.

Ông Lê Văn Minh, đại diện phụ huynh học sinh của lớp 12/27 phát biểu khá chân thành: “Mỗi ngày chúng tôi gặp con cái mình chỉ vài tiếng đồng hồ, chỉ kịp nhắc nhở qua loa về  chuyện ăn uống, học hành, vui chơi. Phần lớn thời gian các em đều ở trường nên thầy, cô không chỉ dạy chữ mà còn kiêm luôn việc dạy làm người. Nhiều chuyện, các em nghe lời thầy cô hơn cả cha mẹ… Chính vì vậy, hội phụ huynh chúng tôi rất tin tưởng gửi gắm con em mình vào quý thầy, cô. Nếu nhà trường và thầy, cô yêu cầu điều gì chúng tôi sẵn sàng giúp sức và hỗ trợ thật tốt”.

Một phụ huynh khác đề nghị không nêu tên nói thêm: “Con tôi nó mê chơi game online suốt ngày, cha mẹ nói chi cũng không đổi. Chừ ngoài đời nhiều cám dỗ, con cái dễ sa ngã, cha mẹ thì lo làm ăn làm sao quản lý, theo dõi con cái được. Mong cô kèm cặp cho nó học hành, bớt chơi game để tốt nghiệp ra trường, được như thế thì công ơn cô tôi không biết tính sao cho hết được”.

Ngay từ mẫu giáo, các cháu mầm non đã tin và nghe lời các cô bảo mẫu và mãi đến bậc trung học vẫn còn như thế. Hôm rồi, khoảng mười giờ đêm, mọi người ở xóm tôi bị đánh thức bởi tiếng gọi cửa gấp gáp, tiếng xe máy của lực lượng cảnh sát cơ động thành phố. Một lát, nhà cô giáo H.L.D sáng ánh đèn. Hai vợ chồng cô liên tục trả lời các câu hỏi của cơ quan chức năng trong khi một cô bé khoảng 15 tuổi đang giúi mặt khóc nức nở… Thì ra, cô bé này là học trò lớp cô D. dạy, nhà ở tận quận Ngũ Hành Sơn, vì bố mẹ la mắng nên bỏ nhà đi lang thang trong đêm. Khi lực lượng cảnh sát cơ động thấy cô bé tha thẩn trên đường, sợ em bị kẻ xấu lợi dụng nên hỏi thăm để giúp đỡ thì được cô bé yêu cầu đưa về nhà cô giáo chủ nhiệm.

Quả thật, người thầy luôn chiếm một chỗ khá quan trọng trong trái tim của học trò. Và họ còn là chiếc cầu nối giữa nhà trường với gia đình trong việc hình thành nhân cách và giáo dục tri thức cho học sinh. Câu chuyện trên đã có một kết thúc có hậu khi cô giáo báo tin cho gia đình học sinh biết và giữ cô bé ở lại nhà mình, giúp cô bé bình tâm để đến sáng hôm sau ba mẹ đến đón về…

Sau gia đình, trái tim của người thầy là nơi học trò trú ngụ mỗi khi các em cảm thấy chơi vơi trong cuộc sống. Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy. Dù gì, người ta vẫn cảm thấy quý trọng người thầy mặc dù một số người cứ cho đó là trách nhiệm của thầy, đã ăn lương thì phải lo làm tròn nhiệm vụ giảng dạy…

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.