Trong khuôn khổ quan hệ Việt-Hàn trên lĩnh vực bảo tàng, tôi cùng đoàn Bảo tàng lịch sử quốc gia có chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc vào cuối năm qua. Hàn Quốc không phải là quốc gia có nhiều bảo tàng nhất trên thế giới, nhưng họ có nhiều loại hình bảo tàng tương đối độc đáo.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hàn Quốc. Ảnh: H.P.M |
Ngoài bảo tàng tổng hợp, chuyên đề lịch sử, văn hóa, khoa học-kỹ thuật cấp quốc gia, họ không thể thiếu bảo tàng kim chi, quốc hồn quốc túy, và còn các bảo tàng “ngồ ngộ” nhưng đánh trúng nhu cầu thưởng ngoạn của người xem như bảo tàng thêu thùa, in ấn, máy hát, trà, giấy, tre, bánh và dụng cụ làm bánh, âm nhạc, nghề nông, gấu Teddy...
Người Hàn Quốc quản lý bảo tàng theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương theo tính chất nội dung chuyên đề trưng bày của bảo tàng. Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc có một hệ thống 12 bảo tàng quốc gia trực thuộc ở khắp các tỉnh thành phố trong cả nước. Còn ta theo chiều ngang, mạnh tỉnh nào tỉnh nấy làm.
Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc khánh thành năm 2005, sau 8 năm xây dựng, với số kinh phí lên đến 500 triệu USD. Đây là một tổ hợp bao gồm các hoạt động tĩnh và động, trong đó ngoài khu trưng bày hiện vật 27.000m2, người ta còn dành hơn 30.000m2 để xây dựng các khu vui chơi, giải trí và các hoạt động phụ trợ khác như thư viện, nhà hát, giảng đường, khu tổ chức các sự kiện văn hóa-nghệ thuật, nhà hàng ăn uống, cà-phê và hàng lưu niệm. Mỗi hiện vật đặt trong tủ kính trưng bày đều thiết kế để chống được động đất cấp 7, cấp 8. Để nghe thuyết minh bảo tàng, bạn có thể thuê thiết bị hướng dẫn kỹ thuật số PDA bằng 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật, Trung. Điều lý thú của thiết bị này là cảm quang bằng ánh mắt, khi đeo thiết bị vào tai, bạn nhìn vào hiện vật nào thì nghe thuyết minh hiện vật đó không như thiết bị cũ phải nghe thứ tự từ đầu đến cuối.
So sánh hiện vật ở một số bảo tàng ở ta và Hàn Quốc, tôi thấy hiện vật ở ta phong phú hơn cả chủng loại và niên đại, tuy nhiên với thiết bị kỹ thuật hỗ trợ trưng bày, bảo quản thì ta không sao sánh kịp. Điều tôi tâm đắc, rất muốn “sao chép” ở bảo tàng bạn là khu trưng bày tôn vinh các hiện vật được những nhà hảo tâm hiến tặng. Trong không gian có diện tích trên 2.000m2, trưng bày 800 hiện vật hiến tặng được thiết kế trang trọng, đẹp mắt. Những paner lớn in chân dung và tiểu sử của cá nhân đặt trước bộ sưu tập họ hiến tặng nhằm tri ân những người nặng lòng với di sản văn hóa dân tộc.
Ở Hàn Quốc, người ta tuân thủ nghiêm ngặt qui hoạch hệ thống bảo tàng của cả nước, hợp lý từ khoảng cách địa lý đến nội dung trưng bày không trùng lặp lẫn nhau. Một đội ngũ các chuyên gia lành nghề từ khâu thiết kế ngôi nhà, nội thất trưng bày đến sưu tầm chọn lựa hiện vật thực thi công việc một cách đồng bộ từ dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Ở ta, nhiều địa phương khi làm bảo tàng họ chỉ chú ý đầu tư xây dựng ngôi nhà mà ít chú ý đến đầu tư cho nội dung trưng bày. Hạn chế nữa là đơn vị thiết kế, xây dựng có khi chưa một lần bước chân vào bảo tàng trong cũng như ngoài nước. Khi chìa khóa trao tay cho ngành văn hóa, thì phải đập phá làm lại nội thất mới có thể đưa hiện vât vào trưng bày được. Bảo tàng Đà Nẵng mới xây dựng gần đây cũng gặp sự cố này và hộp kính trang trí ở mặt tiền ngôi nhà trông không giống ai. Có một điều mà du khách nước ngoài thường than phiền là nội dung lẫn hình thức trưng bày ở tỉnh, thành nào trong cả nước cũng na ná như nhau, xem khá nhàm chán.
Bảo tàng Đà Nẵng may mắn thoát khỏi việc rập khuôn này nên nội dung trưng bày khá hấp dẫn. Còn việc mua bán trao đổi cổ vật ở xứ Hàn, giám đốc bảo tàng quyết định và tự chịu trách nhiệm. Ở ta, trước khi mua cổ vật phải lập hội đồng thẩm định rồi trình các cấp thẩm quyền phê duyệt, sớm nhất cũng mất tháng trời mà chưa chắc có kinh phí. Cơ chế trao đổi cổ vật là mua nhanh bán nhanh, các cổ vật quý hiếm không có thời gian chờ đợi nên đều rơi vào tay các tư nhân. Cơ chế tài chính của họ cũng khác ta, Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí cho hoạt động bảo tàng, còn các khoản thu từ dịch vụ đều để lại100 phần trăm cho bảo tàng.
Các nước hiện đại văn minh, người ta lấy bảo tàng làm một trong những tiêu chí đánh giá chỉ số phát triển quốc gia thì chắc hẳn Hàn Quốc không thua kém. Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc đón 3 triệu lượt khách một năm, dẫn đầu châu Á và xếp thứ 10 thế giới. Giám đốc Bảo tàng Choi Gwang-sik cho biết, du khách nước ngoài đến với bảo tàng ngày càng tăng nên bảo tàng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược nâng tầm hình ảnh quốc gia. Ông nhấn mạnh: “Nếu trong thế kỷ 20, các bảo tàng được dùng để khẳng định bản sắc Hàn Quốc, thì trong thế kỷ 21, bảo tàng xứ kim chi sẽ thành nhân tố chính trong việc quảng bá “thương hiệu quốc gia”. Chỉ việc này thôi thì bảo tàng quốc gia của ta phải còn phấn đấu lâu dài nói chi đến bảo tàng các địa phương.
HÀ PHƯỚC MAI