.

Xây đời muôn vạn lần hơn

.

Những cụm từ như “vùng trắng, bám trụ” ở khu vực nông thôn, ngoại ô Đà Nẵng những năm chiến tranh chống Mỹ, đất dày đặc vết bom mìn, thấm máu cha ông trong từng trận đánh, tưởng như chỉ còn lưu dấu trong tâm trí những người một thời vào sinh ra tử hay trên chính cái sa bàn ở nhà truyền thống địa phương.

Bởi, “vùng trắng” giờ rợp trời màu xanh của lúa, của hoa; nhà lớn, nhà bé san sát nhau nên vóc nên hình những vùng đô thị khang trang.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tiến Trần Đình Nhơn giới thiệu những vùng trước kia trắng dân cư trong chiến tranh, thì nay ruộng vườn trù phú, dân cư đông đúc. Ảnh: H.N
Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tiến Trần Đình Nhơn giới thiệu những vùng trước kia trắng dân cư trong chiến tranh, thì nay ruộng vườn trù phú, dân cư đông đúc. Ảnh: H.N

Cát trắng níu chân người

Dân gốc làng Hòa Quý, Hòa Vang, nay là phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, năm 1963 ông Đặng Văn Khá về công tác ở đội công tác vũ trang tuyên truyền Hòa Vang, được phân công về nằm vùng Hòa Hải. 11 năm 6 tháng ông bám trụ ở đây cho đến ngày quê hương giải phóng. Suốt thời đó, ngày trú trong hầm, đêm tổ chức các trận đánh, nắm tình hình địch, có khi ông nằm cả ngày dưới sông Bãi Dài (sông Cổ Cò) khi địch đi càn. Bà con tặng ông hai danh hiệu là “người rái” và “chuột cống”.

7 lần bị thương, 2 mảnh đạn còn nằm trong người, giờ ông Khá 77 tuổi, nước da đỏ au. Nghe ông kể chuyện, dễ hình dung được, hơn 40 năm trước Hòa Hải là vùng căn cứ cách mạng trọng yếu, có cơ sở an ninh quận 3, căn cứ khu 3 Hòa Vang. Rừng An Nông-Trà Lộ và cánh đồng rộng vùng Cao Sơn, tiếp nối với đất Điện Bàn, Quảng Nam là căn cứ và cũng là nơi rút lui của những người hoạt động cách mạng.

Dẫn tôi về vùng Tân Lưu, nơi chi bộ Đảng đầu tiên hình thành ở Hòa Hải, ông Phạm Đông, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường, cho rằng bà con Hòa Hải vốn cơ cực, một lòng theo cách mạng dù sống trong cảnh kìm kẹp của giặc Mỹ, cũng bởi 90% bà con làm nông, một số ít bám nghề biển cũng chẳng mấy dư dả. Chỉ có cách mạng mới đưa lại hòa bình, ấm no cho vùng đất cát trắng nghèo khó này.

Đứng ở khu nhà truyền thống của phường nhìn ra, con đường vành đai nối Hòa Hải với Hòa Phước khánh thành gần một năm trước đẹp rỡ ràng. Hòa Hải giờ còn nối với Cẩm Lệ qua cầu Khuê Đông và cầu Nguyễn Tri Phương. Tân Lưu trước kia là vùng trắng, chỉ còn mươi hộ dân bám trụ nuôi cán bộ, thông tin cho người trên cứ, mỗi đêm xuống đồng bằng.

Sau giải phóng bà con về lại làng, sống thưa thớt với nghề làm nông. 8 năm trở lại đây khu tái định cư Tân Trà-Đông Hải hình thành, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đường sá như những dải lụa vắt ngang dọc. Đời sống bà con đi lên trông thấy, nhất là bà con vùng làng đá Non Nước 10 năm nay liên tục phát triển. Thu nhập bình quân đầu người toàn phường đạt 48 triệu đồng/năm.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Mai Thị Sậy (Hai Sậy, 87 tuổi) miệng nhai trầu móm mém, bảo: “Hồi nớ giải phóng xong, không còn tiếng súng, ăn hạt muối cũng ưng. Thoát cảnh cứ buổi tối là ra bụi tre nằm, chứ đâu dám nằm nhà, rồi có khi đi cả đêm chống càn, ai kiên cường chịu đánh chịu đập mới dám bám trụ. Rồi năm 68 đi dân công tải đạn, có biết sợ chết chi mô. Hồi nớ nội một mình nuôi 6 đứa con, sau còn 4, chừ con nuôi lại. Chừ nhà cao cửa rộng, trước đâu dám mơ con ơi!”.

Bà Hai Sậy mất chồng năm 1965, ông đi biển mới vô đến bờ thì bị bắn trong một trận càn. Anh con đầu và con thứ 4 tham gia cách mạng. Anh đầu là Trần Tá hy sinh năm 1968 giờ vẫn chưa tìm thấy xác, anh Trần Bốn hy sinh năm 1973 khi làm du kích xã. Hồi đó anh thứ 3 vô cứ xin đi bộ đội, bị mấy chú cản lại, bảo về còn nuôi má. Chừ bà Hai còn 4 đứa con, và 18 cháu ngoại, cháu nội, chắt. Bà bảo, chừ ráng sống thêm 3 năm nữa, cầm cái Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng rồi mới thỏa nguyện nhắm mắt.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Mai Thị Sậy.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Mai Thị Sậy.

Làm giàu trên quê hương

Trước Tết Ất Mùi, con đường bê-tông dài chừng cây số chạy ngang qua khu nuôi cá nước ngọt của thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang khiến bà con hân hoan vô bờ. Vùng đồng nuôi cá này vốn đất sình lầy, không có đường đi, bỏ hoang. Mấy năm nay bà con đào ao thả cá trê lai, rô phi, mỗi lần thu hoạch là phải gánh cá đi khá xa. Nay cùng với việc mở đường, nhiều hộ dân cũng đăng ký nuôi cá. Ông Cao Dứa (Năm Dứa, 82 tuổi) là hộ có nhiều nhân khẩu đóng góp cho sự hình thành trù phú của vùng nuôi cá này nhất với hai anh con trai và 3 đứa cháu nội.

Cách đây chừng 4 năm, anh Cao Văn Tấn, 27 tuổi, cháu nội ông Năm học mô hình nuôi cá nước ngọt rồi về chọn vùng đất hoang hóa này đào ao. Anh làm đến đâu trúng đến đó, thế là người nhà, rồi bà con hàng xóm đào ao nuôi cá thành một phong trào mạnh, mô hình nuôi cá do Hội Nông dân xã triển khai mở lớp liên tục giúp bà con phần kỹ thuật. Tiền trăm triệu thì chưa có, chứ mỗi năm nuôi cá, cho nông dân thu nhập vài chục triệu đồng thì bà con nắm trong tay.

Trước khi chống gậy đi, ông Năm còn bảo tôi, giọng móm mém: “Dân ni hồi trước cực lắm, chừ sướng rồi. Tui với bà nhà trên 80 tuổi, mỗi tháng Nhà nước cho 420 ngàn đồng. Chỉ Nhà nước ni mới có cho người già rứa cô ơi. Con cháu nuôi cá làm giàu cũng hay biếu ông bà, chừ không thiếu chi nữa”.

Nuôi cá nước ngọt đã trở thành thế mạnh của Hòa Khương mấy năm gần đây. Hiện diện tích nuôi thủy sản trong dân là 52,3ha, tập trung ở hai thôn Phú Sơn 1 và Phú Sơn 2. Sản lượng nuôi trồng thủy sản của Hòa Khương lên đến 673 tấn, tổng trị giá trên 25,5 tỷ đồng.

Hồi những năm chống Mỹ, Hòa Khương là vùng rút lui của bộ đội, dân quân, du kích sau mỗi đêm về thám thính, tổ chức trận đánh ở nội thành. Tiếp nối với Hòa Khương là vùng lõm của đất Hòa Tiến, bộ đội rút về đến đây coi như an toàn. Hòa Tiến sau năm 1966 là vùng trắng, mênh mông không một bóng cây. Những người lính từng chiến đấu trong các tiểu đoàn đặc công 87, 89 ở khu Đông, khu Tây Hòa Vang kể rằng, đứng ở Cẩm Lệ có thể nhìn thấu vô đến Điện Bàn, bởi cả một vùng trắng mênh mông không một bóng cây, nhà thì chỉ còn một vài cụm chừng 5-10 nóc.

Dân ở 12 thôn của Hòa Tiến thì chỉ còn vùng Yến Nê 1 và Lệ Sơn là còn bóng người (cùng với dân Cẩm Nê, La Bông, An Trạch, Thạch Bồ… bị dồn vô ấp chiến lược Hòa Thái và Hòa Lợi). Ai đi tản cư được thì đi. Vậy mà trước giải phóng một năm, bà con La Bông, Hòa Lợi; rồi sau giải phóng bà con cả xã Hòa Tiến đi tản cư quay về làng cũ. Bà con nhớ quê, nhớ vùng đất bờ xôi ruộng mật, chẳng mấy khi trồng lúa mà mất mùa.

Yêu quê là vậy nên sau ngày giải phóng, các phong trào khai hoang vỡ hóa, phá dỡ bom mìn diễn ra rầm rộ, trả lại mảnh đất sạch cho bà con. Ông Trần Đình Quốc, ở thôn Yến Nê, sau ngày giải phóng là Phó Bí thư Chi đoàn xã, kể đến việc xã huy động hàng nghìn người, đặc biệt là thanh niên trong các phong trào làm sạch đất, rồi làm đường giao thông nông thôn, cải tạo đồng ruộng, làm 1 triệu tấn phân xanh theo kế hoạch của Trung ương Đoàn.

“Sức người khủng khiếp!”, ông Quốc nói đầy tự hào. Hai năm sau ngày giải phóng, HTX Nông nghiệp Hòa Tiến ra đời, gần như đi đầu trong mọi hoạt động ở Quảng Nam-Đà Nẵng và tồn tại cho đến ngày nay. Hòa Tiến cũng là vùng nông thôn đầu tiên tự xây dựng đường điện năm 1990, có đường đổ nhựa…

Ông Trần Đình Nhơn, Bí thư Đảng ủy xã cho rằng người dân Hòa Tiến thấm giá trị mất mát, xây dựng lại quê hương trên nền con số 0 nên làm cái gì cũng tốt; bà con đồng lòng đồng sức. Năm 2010, khi rà soát các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới thì Hòa Tiến đã có sẵn 15 tiêu chí, nên chỉ trong vài năm, đến năm 2013, 19 tiêu chí của nông thôn mới của xã hoàn thành.

“Thực tế thì việc xây dựng, đầu tư cho nông thôn đã được chính quyền và người dân bắt tay vô làm từ sau ngày giải phóng. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người đạt trên 27 triệu đồng/năm. Xã phấn đấu đến năm 2020 mức thu nhập sẽ đạt 57-59 triệu đồng/người/năm. Lúc đó chúng tôi hội đủ các điều kiện: ứng dụng trong sản xuất, giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng lên, áp dụng công nghệ cho nhiều sản phẩm chất lượng, giá trị cao”, ông Nhơn nói về tương lai của Hòa Tiến.

Bây giờ sản lượng lúa của Hòa Tiến luôn đạt và vượt con số 67-69 tạ/ha, có vùng chuyên canh sản xuất lúa giống cho giá trị cao; hình thành 14ha rau sạch ở hai thôn Cẩm Nê và Yến Nê. 5 trường học đạt chuẩn quốc gia (có 2 trường đạt chuẩn lần 2)…

Việc mỗi làng ở theo dòng họ, ổn định và thuần nhất suốt 40 năm qua còn giúp cho Hòa Tiến giữ vững bản sắc dòng họ. Giá trị của dòng tộc có sức mạnh hiệu triệu, mỗi gia đình đều sẵn sàng tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... và đây chính là cái gốc rễ để Hòa Tiến đạt mọi tiến bộ trong xây dựng đời sống no ấm, hạnh phúc cho nhân dân.

Theo “Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Hòa Khương”, chi bộ Phổ Lỗ Sỹ được thành lập tại thôn Phú Sơn Tây là tiền thân của Đảng bộ Hòa Vang. Hiện ông Nguyễn Như Gia, 92 tuổi, một trong 3 người thành lập chi bộ còn sống. Năm nay ông 75 tuổi Đảng.

Năm 2000, lực lượng công an xã Hòa Tiến được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Cũng trong năm này xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Năm 2004, xã Hòa Tiến được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong chiến tranh.

Phường Hòa Hải có 7 Anh hùng LLVT, 1 Anh hùng Lao động, hiện 4 người còn sống. Đảng bộ và nhân dân Hòa Hải hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1969 và 2000.

Ghi chép của HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.