Dân gian có câu “nóng đâu phủi đó” để chỉ phản ứng tức thời của con người khi gặp phải tình huống “nóng”. Tuy nhiên, trong công tác chữa cháy, “phủi” không đúng cách sẽ dẫn đến thiệt hại không lường trước được.
Thanh tra Cảnh sát PCCC Đà Nẵng kiểm tra hệ thống máy bơm (ảnh trái) và vận hành phun nước chữa lửa tại chợ Hòa Khánh sáng 7-7-2015. Ảnh: V.T.L |
Chữa cháy là tham gia một trận chiến – trận chiến chống “bà hỏa”, cũng cần phải có chiến thuật, quy trình nhất định. Có một số trường hợp lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) đến hiện trường nhưng chưa chịu ra tay chữa cháy, người dân không hiểu nên cho rằng cơ quan chức năng sao quá “quan liêu”.
Nguyên nhân cháy và cách chữa cháy
Thực ra, theo giải thích của Trung tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Tham mưu – Cảnh sát PCCC Đà Nẵng, có nhiều nguyên nhân gây cháy khác nhau như cháy do chập điện, do rò rỉ khí gas, do hóa chất… phải xem còn có ai mắc kẹt không, bên trong chứa vật tư, thiết bị gì; từ đó mới đưa ra phương án chữa cháy thích hợp để tránh thiệt hại về người và của. Nếu không hiểu, cứ cắm đầu chữa cháy là nguy hiểm, như trường hợp tường đang nóng, phun nước với áp suất mạnh vào sẽ làm cho tường đổ.
Thực tế, chữa cháy không nên áp dụng một phương pháp duy nhất nào, mà nên tổng hợp. Cũng theo Trung tá Nam, nếu vật cháy là chất rắn mà chằm hăm chờ nước thì có khi không kịp có nước mà phun, lúc đó nên dùng bình chữa cháy xách tay chứa khí Cacbon điôxít (CO2) cũng có thể dập tắt nhanh ngọn lửa. Có điều, bình CO2 này chỉ dập tắt ngọn lửa chứ không dập tắt hết đám cháy; lúc đầu dùng bình ngăn không cho cháy lây lan, sau đó dùng phương pháp khác dập tắt đám cháy.
Một chuyên viên của PCCC Đà Nẵng cho biết, nếu chữa cháy sai quy trình, phương pháp thì cháy ít mà thiệt hại do chữa cháy lại nhiều. Ví như cháy do xăng dầu mà dùng nước để dập tắt đám cháy thì chẳng khác nào đổ dầu vào lửa. Bởi xăng dầu nhẹ hơn lại không hòa tan trong nước nên sẽ nổi trên mặt nước và làm cho đám cháy lan mạnh hơn. Cũng vì lý do này mà các kho xăng dầu giờ đã không còn dùng đệm nước dưới đáy bể như trước nhằm loại trừ nguy cơ nước sôi trào, phụt bắn ra xung quanh và tạo nên các đám cháy lớn khác khi bể chứa bị cháy trong một khoảng thời gian nhất định nào đó.
Hay khi cháy kho chứa đồ điện tử, tổng đài điều khiển, tổng đài điện thoại... mà dùng nước xịt vào thì sẽ gây thiệt hại có khi đến tiền tỷ vì linh kiện máy móc bị hư hỏng. Trường hợp này phải dập tắt lửa bằng các loại khí như Cacbon điôxít (CO2),, Nitơ (N2),… Tuyệt đối không dùng loại bột khô, thường là Natri bicacbonat (NaHCO3 – còn gọi là xô-đa lạnh, bột nở, bột nổi, thuốc sủi), vì sẽ tạo ra hóa chất ăn mòn thiết bị điện tử.
Trung tá Nam đơn cử như chữa cháy ở tầng hầm tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng hồi trung tuần tháng 9-2014. Đám cháy không phức tạp, không lớn với khoảng 45 bình ăc-quy có tổng thể tích khoảng 1m3, tỏa nhiệt không lớn, chỉ làm biến dạng máy điều hòa không khí ở trên.
Khi đó nhà thầu chưa bàn giao công trình nên hệ thống thông gió không hoạt động, cả tầng hầm đầy khói với mùi a-xít rất khó chịu. Vì đây là nơi đặt các thiết bị điện tử điều khiển toàn bộ tòa nhà nên không thể dùng bột chữa cháy mà dùng bình CO2 dập tắt ngọn lửa. Sau đó, dùng máy thổi khói di động đẩy khói ra khỏi tầng hầm. Phương pháp này trước đó cũng đã được sử dụng chữa cháy ở tầng hầm nhà hàng tiệc cưới Phú Mỹ Thành trên đường Nguyễn Tất Thành.
“Cẩn tắc vô áy náy”
Sau vụ cháy tại Trung tâm hành chính Đà Nẵng, thành phố đã mua mấy xe đẩy chữa cháy An Sinh cho tòa nhà cao nhất vùng này, theo kỹ sư Phan Đình Phương, Tổng Giám đốc Công ty An Sinh Xanh, Đà Nẵng. Xe bằng thép không gỉ nặng 30kg, được trang bị một bình chứa 30 lít nước, một bình chứa 5kg khí CO2, một bình khí ô-xy. Hai bình kia dùng để chữa cháy, riêng bình ô-xy có mặt nạ dẫn khí để tránh nguy hại cho người chữa lửa khi cháy do các loại hóa chất.
Một “phiên bản” khác của xe đẩy chữa cháy là ba-lô chữa cháy. Gọn nhẹ, cơ động, dễ sử dụng, hai sản phẩm của An Sinh Xanh này thích hợp cho việc chữa cháy các tòa nhà cao tầng, các tầng hầm đầy xe máy. Ngoài ra, An Sinh Xanh còn sử dụng các chất chữa cháy là khí khô, vừa bảo đảm an toàn cho người, vừa không làm ướt tài sản, thiết bị điện tử, tiền bạc, các tài liệu quan trọng như sách báo, tranh ảnh lịch sử...
Chữa cháy là một trận đánh và có ca khúc khải hoàn hay không là tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài việc quyết định “đánh” bằng chất chữa cháy gì, phương tiện nào khi lâm trận, còn có một yếu tố không kém phần quan trọng là luôn đặt mình trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng phòng Kế hoạch phụ trách tham mưu công tác PCCC – Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng, cho hay trong PCCC, lãnh đạo công ty luôn quán triệt các cán bộ chỉ huy chữa cháy tại chỗ phải bản lĩnh, tinh thông nghiệp vụ, nắm bắt thành thạo địa bàn quản lý và đặc biệt đưa ra phương án chữa cháy hiệu quả nhất. Từ những kiến thức được trang bị về nhận định đám cháy, chất cháy, điều kiện cháy, người chỉ huy tác nghiệp xử lý từng tình huống cụ thể, trên tinh thần chữa cháy có hiệu quả, bảo vệ được tài sản của Nhà nước và của nhân dân.
Một trong những công việc không thể lơ là nữa là luôn kiểm tra các thiết bị chữa cháy. Chợ Hòa Khánh có một trạm bơm chữa cháy với một máy bơm dùng xăng, một máy bơm dùng điện. Theo ông Đặng Quang Hưng, Phó trưởng ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu, Trưởng bộ phận chợ Hòa Khánh, cả chợ hiện có 230/480 hộ kinh doanh cố định đã trang bị bình chữa cháy xách tay. Đoàn thanh tra của Cảnh sát PCCC thành phố vừa kiểm tra hệ thống bơm và phun nước chữa cháy tại chợ, góp phần tăng thêm ý thức cảnh giác của ban quản lý cũng như tiểu thương trong việc phòng cháy, chữa cháy.
Dân gian có câu “nóng đâu phủi đó” để chỉ phản ứng tức thời của con người khi gặp phải tình huống “nóng”. Tuy nhiên, trong công tác chữa cháy, “phủi” không đúng cách sẽ dẫn đến thiệt hại không lường trước được. Vì thế, công tác PCCC phải được quán triệt đến các tầng lớp người dân, quy trình PCCC tại các nhà máy, công sở phải được kiểm tra thường xuyên. "Cẩn tắc vô áy náy", mọi việc sẽ không thừa khi mà thiệt hại do cháy thực tế lớn gấp bội phần kinh phí đầu tư hệ thống chữa cháy.
VĂN THÀNH LÊ