Ai trong cuộc đời mà không từng rung động trước những thanh âm của cuộc sống. Một tiếng còi tàu đủ kéo dài nỗi nhớ. Một câu ầu ơ của mẹ đủ ru ta đi đến hết cuộc đời. Và có khi chỉ là tiếng gà quê bình dị cũng đủ sức nuôi dưỡng, theo ta, ám ảnh ta đến lạ lùng…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Những ngày thơ bé, tôi thích ngồi trên bậc tam cấp trước hiên nhà ngắm nghía những chú gà con lon ton theo đuôi mẹ. Đôi chân bé xíu, đôi mắt ngác ngơ, chúng hết lăng xăng chạy ra ngó nghiêng trời đất lại rúc vào đôi cánh của mẹ chẳng khác nào đứa trẻ muốn được mẹ cưng nựng, chở che.
Những chú gà con như những cuộn len vàng óng lăn trên cái sân gạch, ra ngõ, vào vườn, luôn chân, luôn miệng. Còn tiếng lích chích ríu ran của chúng lúc gà mẹ tục tục báo hiệu có mồi hay tiếng chiếp chiếp kêu vang của một chú gà con lạc bầy giữa trời quê yên ả mới thấy cuộc sống đáng yêu biết chừng nào.
Một ngày, ta không khỏi bật cười trước tiếng gáy của những chú gà nhà giờ đã là những chú trống choai đủ lông đủ cánh. Tiếng gáy te te chẳng khác tiếng loa rè. Giọng hụt hơi, đứt quãng, có khi chỉ kịp rướn lên tiếng e… một cái thế rồi chìm nghỉm. Vậy mà chúng hăng lắm, cứ đua nhau gáy như muốn chứng tỏ mình đã lớn rồi! Cả đàn gà trống bấy giờ như một đội kèn đang tập thổi, cần mẫn luyện tập để giọng ngày một được trong hơn, vang hơn.
Nhớ khi xưa trong làng, nhà nào có được chiếc đồng hồ quả lắc treo tường, đó quả là một vật dụng xa xỉ. Người dân quê nhận thức sự tuần hoàn của thời gian qua bóng nắng, tuần trăng, hoa cỏ mùa nối mùa hay về đêm là tiếng gà gáy năm canh. Con người hòa mình với thiên nhiên vạn vật, cuộc sống cứ yên ả trôi đi tựa hồ như một dòng nước mùa thu.
Một tiếng gà gáy vang trong đêm, hai tiếng, ba tiếng rồi râm ran cả làng. Thế rồi chẳng cần xem đồng hồ, chẳng ai gọi ai, nhà nào cũng dần dần đỏ đèn đỏ lửa. Mẹ tôi cũng vậy. Chẳng biết lúc mẹ thức dậy là sau bao lần gà gáy nhưng khi ấy trời còn tối lắm, hơi sương còn tờ mờ phả vào da thịt cảm giác mát lạnh. Mẹ thầm lặng nhóm bếp, ngọn lửa rơm chập chờn. Tôi ngồi bên mẹ học bài. Mùi lửa rơm và hơi ấm của mẹ tỏa lan, ấp ủ hồn tôi suốt một thời thơ trẻ.
Nhớ những tháng ngày còn ăn đong từng bữa. Mỗi lần nghe tiếng gà tục tác, anh em tôi, mặt đứa nào cũng rạng rỡ, chân lần theo tiếng gà để tìm trứng. Những quả trứng hồng phơn phớt phấn trắng hãy còn hôi hổi nóng được chúng tôi nâng niu. Bởi đó sẽ là món ăn hiếm hoi, dăm ba bữa mới được một lần; là đồng quà thức bánh, cái áo mới hay những cuốn sách vở còn thơm thơm mùi giấy trong ngày khai trường.
Nhớ những năm hạn hán mất mùa, một tiếng gà trưa nghe xao xác cả nỗi buồn mênh mang. Tiếng gà đanh vang bất giác kêu lên làm cái nắng trưa như càng thêm chói chang, oi ả. Những khi ấy, tôi lại nặng lòng nghĩ về người dân quê mình. Cần mẫn như con ong cái kiến nhưng rồi vẫn cứ quẩn quanh với bao khó khăn, vất vả. Như mẹ chẳng bao giờ dám mua áo mới, ba vẫn mướt mồ hôi trong bộ quân phục sờn màu. Yêu cái làng nhỏ ven đồng của mình biết mấy, cái làng nhỏ ăm ắp tiếng gà quê yên bình nhưng rồi vẫn phải dứt áo ra đi những mong cái nghèo không còn đeo bám.
Sáng nay giật mình thức giấc. Vẫn là những thanh âm quen thuộc chốn thị thành. Tiếng xe đạp lách cách. Tiếng còi xe bíp bíp, toe toe. Tiếng rao hàng rong lẫn lộn, xa gần nghe như không còn thấy rõ… Chân chần chừ chẳng muốn bước ra khỏi giường, tay chẳng buồn kéo rèm nhìn xuống phố như mọi ngày, lòng chỉ thấy nao nao thèm được nghe một tiếng gà quê trong trẻo để hồn lắng lại một cảm giác bình yên.
Tiếng gà quê vọng về nghe như có cả tiếng mẹ, tiếng cha, tiếng của quê hương xứ sở. Nghe mà thương mà nhớ…
Nguyễn Đình Thu