.

Chỉ có hai thằng lên bờ

.

Ba thằng đi tắm sông, hai đứa hơi lớn, một đứa nhỏ.

Một mặc quần cụt đỏ, một mặc đồ đá banh, còn thằng nhỏ thì ở truồng. Ba đứa, hò hét nhau phóng ùm ùm từ trên nhánh còng xuống nước, ngụp lặn, giỡn chửng đè đầu cưỡi cổ nhau.

Đang trưa, dòng sông vắng người. Mặt nước lâu lâu lại dợn dợn sóng của những chiếc tàu đò ngang qua. Tiếng cải lương nghe loáng thoáng, cũng chập chờn như mặt nước. Con gà tre gáy the thé trong vườn, cu gù trên ngọn cây còng già.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nắng vàng rộm. Chỗ bên mé đường có người đang cào lúa. Bên này là sông, nơi lũ con nít ngụp lặn trong nước. Mặt nước ở trên âm ấm, còn khoảng dưới bụng thì lành lạnh. Có tiếng người trên nhà nói vói xuống: “Bây nhảy cho dữ vô, nọc cầu không đó, ghim cho bây lòi ruột”. Ba đứa nhìn nhau cười, thằng lớn quần cụt đỏ khịt mũi: “Dễ gì”.

Đứa nhỏ hụp đầu xuống nước, chân quẫy quẫy lên trời làm nước văng tung tóe. Một hồi sau, nó nghểnh đầu lên, chọi cục sìn thẳng vô đầu thằng mặc đồ đá banh. Thằng này chẳng vừa, sau khi nói câu: “mày tới số” đầy vẻ đe dọa, nó hít lấy một hơi rồi cũng ngụp xuống nước, moi lên chọi ngay giữa trán thằng nhỏ, nước sìn đen đen chảy dài xuống má. Hai thằng lớn cười khà khà đắc ý, đứa nhỏ hơi nóng trong mình. Rồi chưa kịp đáp trả, đứa nhỏ bị dính thêm một đòn ngay bên ngực trái một cục sìn khác, từ thằng lớn quần đỏ.

- Tao chọi mày chưa?

- Ể, tao thích thì tao chọi.

- Mẹ mày!

Thằng nhỏ ngụp xuống nước, để moi đất, vừa đưa đầu lên đã dính ngay hai “quả” vào đầu. Nó tức điên, lại chửi:

- Tao đã chọi mày chưa?

Hai thằng còn lại mặt nghênh nghênh đắc ý. Tức lắm, nhưng biết mình một không thể đánh lại hai nên đứa nhỏ ghìm mình lại, phải kết thúc ngay trò này, nó tìm cách bẻ sang chuyện khác:
- Bắt hến lên ăn đi, bữa nay nó nhiều nè, đừng chọi lộn nữa!

Quần đỏ ngụp xuống, cứ tưởng nó kiểm tra lời thằng nhỏ, ai ngờ khi nó ngoi lên, một cục sìn nữa văng vào đầu đứa nhỏ.

- Tao thích chọi.

Hai đứa cười, một thằng tức. Đứa nhỏ, rửa sạch vết dơ, nóng nảy bước lên bờ.

Cứ tưởng là kết thúc tại đây, không, đâu thể để vuột mất một trò vui, lại thêm một đòn hạ ngay lưng đứa nhỏ. Tức điên, mình với nó chơi với nhau bao lâu nay, tình nghĩa chia đôi cái bánh phồng xẻ ba cái bánh ú, thế mà chúng hùa nhau ức hiếp mỗi mình. Thằng nhỏ nghĩ, chúng có xem mình là bạn bè không, có thương yêu mình không? Nếu mà mình không chơi với nó nữa, thì nó có hối hận không? Sao cứ nhè mình ra mà chọi, gốc còng đấy, chọi đi! Ngẫm nghĩ lại, thằng nhỏ thấy mình bị ăn hiếp ghê gớm lắm. Lúc nào cũng bị chúng nó sai đi làm vặt, lại hay bị lấy làm trò cười, chọc ghẹo cũng lấy nó làm bia. Thế thì tội cho mình quá, nó nghĩ, chúng mày phải trả giá. Tao mà chết rồi, cho chúng bây buồn thúi ruột.

Gió thổi, thằng nhỏ rùng mình vì không mảnh vải che thân. Nó nhìn trân tráo đầy vẻ căm hờn về phía hai thằng đang hả hê cười. “Được”, đứa nhỏ thoăn thoắt đu mình lên nhánh còng, phóng thẳng đá vào đầu một đứa, rồi nó lặn một hơi dài.

Hai đứa còn lại bị tấn công bất ngờ, chúng đoán thằng nhỏ đang “nạp đạn” nên cả hai cùng hụp xuống moi đất, chờ đáp trả. Nhưng chúng đợi mãi mà chẳng thấy động tĩnh, sốt ruột, chúng gọi. Ban đầu gọi nhỏ vì sợ người lớn nghe, lúc sau chúng hét lớn. Nhưng chẳng thấy tăm hơi đâu cả, tính ra đứa nhỏ đã ngụp trong nước khá lâu rồi, sao hơi nó dài được đến thế. Cả hai hoảng hốt, thằng quần đỏ chạy lên bờ la làng, đứa còn lại ngụp lặn mong quờ được tay chân bạn mình. Nhưng vô vọng.
Những đợt sóng dập dềnh, dập dềnh…

Bà Tư chạy băng ra nhà, vẫn chưa kịp xỏ dép. Hai tay vẫn còn dấp dính mớ bọt xà bông, đoán, chắc bà Tư đang giặt đồ. Mắt bà, có dấu hiệu của nước sắp chảy, kiểu như bầu trời mây đen. Bà chùi mớ bọt vào sau mông, phóng từ trên hàng ba xuống đất. Chỗ này, có lần bà đã mắng té tát khi thằng nhỏ có lần cũng làm y như thế. Bà chạy nhanh chưa từng thấy, cái thân hình ụt ịt ngúc ngoắc như không thể nào làm khó bà trong việc di chuyển, khác hẳn mọi ngày. Vừa chạy, bà vừa lẩm bẩm: “Mô Phật, Nam mô A di đà Phật…”.

Băng qua giàn mướp bông vàng roi rói, bà chẳng thèm nhìn trái xanh ngủng ngoẵng nay đã dài hơn một chút. Thằng mặc quần cụt đỏ chạy ở ngay sau, mặt cũng đã xanh lè xanh lét.

Đằng xa, cách khoảng chừng chục thước, là ông Bảy đang chống cây chang nhìn lại, mấy hột lúa vàng dính lấm chấm ở lai quần màu cánh gián của ông:

- Cháy nhà hả mà chạy dữ vậy?

Bà quay người lại, thấy người quen, bà như vỡ òa mọi thứ trong lòng. Bà gào lên, một tiếng khàn thất thanh nghe nhói gan ruột, nước mắt giàn giụa lăn dài xuống má. Âm thanh lớn đột ngột vang lên giữa trưa yên ắng, giống như một cái thau nhôm rớt xuống từ trên nóc tủ cao, vang lên một tiếng chát điếng người:

- Trời ơi, anh ơi, thằng nhỏ chết hụp. Nó chết hụp, trời ơi. Chết hụp, cứu tui anh ơi, cứu nó anh ơi… Trời ơi, trời ơi là trời…

Bà gào như muốn xé rách cả cổ họng, và ngồi thụp xuống đất, nước mắt nước mũi tuồn luôn, tèm lem. Có con gà mái tìm ổ, giật mình kêu lên oang oác, những con gà khác cũng la ó um xùm theo. Buổi trưa nắng chan chác trên đầu, mà cả xóm lại cuống cuồng thất thanh.

Giống như là đau khổ đến dại khờ đi, bà Tư vẫn còn ngồi đó khóc mà chẳng thèm chạy ra bến sông nữa. Đến khi thằng quần đỏ nắm tay bà giật dậy, bà mới choàng tỉnh, rồi vọt chạy tiếp…

Hoảng hồn, ông Bảy ném cây chang làm tung cả lúa ra đất, vọt theo. Hồi lúc mười hai giờ năm mươi tám phút, ông đã gật đầu khi thằng cháu ông hỏi tắm. Lúc xin, nó mặc bộ đồ đá banh, màu xanh dương của đội bóng Juventus, đi chân không. Nó vừa mới hớt tóc về, tắm sông cho sạch tóc con. Cái thằng, tính lóc chóc y như thằng cha nó, nói hoài mà hổng nghe. Cái thân hình còm cõi của ông, do những cơ bắp thời trai trẻ rúc lại, thế mà vẫn còn khỏe chán. Ông chạy những bước dài, như phóng qua mấy con mương rẫy, mũi bàn chân chạm đất khoảng 1/10 giây lại rút lên ngay lập tức. Mấy hột lúa vướng trên lai quần, rớt xuống lai rai từng hột. Vừa chạy, ông vừa la lớn: “Bớ người ta có người chết hụp, bớ người ta…”. Lòng ông như lửa đốt, ba thằng đi tắm, sao có mỗi một đứa lên bờ. Nó mặc quần cụt đỏ, còn… trời đất, thằng cháu của ông mặc đồ đá banh!

Cả xóm nháo nhào. Tiếng cải lương tắt ngấm, nhưng con gà cục tác vẫn cứ oang oác. Người chạy thình thịch, nơi bến sông gần như có đủ mặt người trong xóm, đến cả thằng cu mới làm thôi nôi tuần trước và đứa nhỏ mới thành hình được sáu tháng rưỡi, cũng có. Tiếng gào thét và quát tháo, tiếng khóc tức tưởi của bà Tư, tiếng mắng cháu của ông Bảy… Xóm nhộn nhạo bởi mấy tiếng chách lưỡi, thở dài, than “tội nghiệp”. Mặt nước vẫn dập dềnh, dập dềnh… Tiếng gọi “con ơi…”.

Ngày thường, bà Tư là người hung hăng, hay quát tháo đủ chuyện, đặc biệt là với con bà. Những lúc nó làm bà giận dữ, mặt bà sẽ đỏ kè lên như xỉn rượu. Thằng con của bà phải lẹ chân mà vọt, nếu không muốn ăn roi vào mông. Nó sợ bà ghê lắm, nên nó trở thành chúa trốn chạy. Thí dụ như lỡ làm bể cái chén kiểu, thằng nhỏ phải chạy ngay tức khắc, mẹ nó chỉ kịp theo dấu đến hàng ba hoặc xa nhất là đến giàn mướp, sau đó là bà không còn thấy nó nữa cho đến bữa cơm chiều. Thân hình nhỏ thó của nó cứ như là con chuột chũi, chui rúc hay đáo để. Những lần như thế, bà chỉ có thể réo, la hét ỏm tỏi; còn thằng nhỏ thì gãi sồn sột vì bị côn trùng cắn vào da.

Hôm nay, nó lại trốn bà?

Sóng nước xô nhau táp vào bờ đất, con ơi hãy trồi mình lên!

Những người đàn bà rảnh chuyện, rảnh miệng, đứng láo nháo và kể nhau về những chuyện quỷ ma. Phải rồi, hồi đó ở đây có con ma da…

Hình như cũng ở đâu ngay khúc này, từng có cái xác trôi sông tấp vào. Có người còn đồn thổi thêm, cái xác ấy tấp vào là cũng khoảng trưa trưa như vầy, nghe nói không có con nên cưng con nít lắm. Chậc lưỡi, bởi vậy ổng mới rút giò con nít xuống dưới đó chơi cho đỡ tủi, ghê thiệt chớ!

Bà Tư ngồi đó khóc, hết khóc lại gào tên con, hết gào tên con lại lẩm nhẩm: “Nam mô A di đà Phật…”. Bà dựa cái thân hình ụt ịt của mình vào gốc cây còng già, tiếng cu vẫn gù trên tán lá. Cái tay bọng mỡ của bà rung lắc mỗi lần bà khịt mũi, sự chuyển động của lớp mỡ như những làn sóng dập dợn. Bà nghe người ta kể về những cái xác trôi, nức nở tưởng tượng ra đứa con của mình cũng trương phình lên như thế, sao mà bà chịu nỗi! Người trong xóm nhìn bà với một nỗi ái ngại, vỗ về an ủi bà nhưng có vẻ như không hiệu quả, không bao giờ hiệu quả.

Bà nghĩ về ngày tháng một mình thui thủi, nhìn cái bàn chải đánh răng của thằng nhỏ, cái ca uống nước, cái bánh cam ngoài chợ mà con bà khoái ăn nhất… chắc bà sẽ khóc nhiều lắm vì nỗi nhớ con mãi không nguôi, cứ nóng hôi hổi như vừa nhấc ra khỏi lò… Rồi đến khi thấy nhà người ta làm đám cưới hỏi cho con, bà lại buồn nữa khi nhà bà sẽ chẳng một lần được như thế. Rồi lúc già đi không người chăm sóc, lúc chết đi cũng không một nén nhang, ngày giỗ đàng hoàng…

Nước mắt bà ứa ra như cái đập xả lũ, ào ào trắng xóa. Nếu như đúng theo truyện cổ tích ngày xưa, khóc một lu nước được một lu vàng, thì chắc là trên người bà đã lấp lánh và sáng dới với dây chuyền, vòng, cà rá…

Ba thằng đi tắm sông, mà chỉ có hai thằng lên bờ. Người chúng vẫn còn ướt sũng và run lập cập. Chúng kể lại sự tình, bỏ qua khúc hai thằng ăn hiếp một. Chúng thấy hối hận vì đã làm như thế, tối nay chắc sẽ không tài nào ngủ được. Hai thằng ngồi chồm hổm, ôm đùi. Chúng bắt đầu lo sợ, sau này sẽ bị thằng nhỏ nhát ma để trả thù, chúng nhìn nhau ngán ngẫm và cảm thấy ớn lạnh sống lưng.

Bà Tư mất con, hai thằng nhỏ mất bạn (và mất luôn một thằng sai vặt), xóm mất đi một tiếng cười con nít…

Mặt nước dập dềnh, dập dềnh…

Những người thanh niên, những người đàn ông ngụp lặn và quờ quạng, mắt đỏ kè bởi nước. Vô vọng, một người sốt ruột hỏi:

- Có chắc là tụi bây tắm ở khúc này không?

Thằng quần cụt đỏ nhìn thằng mặc đồ đá banh, như để chắc chắn là mình không nhớ lầm:

- Khúc này, chắc ăn là ở khúc này!

- Sao không thấy?

- Ai mà biết được!

Người hỏi thở hắt ra một cái, nói một câu chẳng ăn nhập gì:

- Đó, bây tắm cho dữ vô!

Nước chảy xuôi, những giề lục bình trôi lững lờ, thong thả. Người ta mở rộng hơn cuộc lần mò về phía cuối dòng, nơi họ nghĩ cái xác sẽ trôi theo chiều nước chảy. Ba chiếc ghe cào cá được gọi đến,
quần đến nát mặt đáy sông, nhưng cũng chẳng ăn thua. Ai cũng đã mệt lả người mà vẫn không chạm được đến cái móng giò của thằng nhỏ. Cuộc tìm kiếm đã kéo dài đến gần ba tiếng, mọi người bắt đầu chán nản. Họ ngán ngẫm và ái ngại nhìn sự đau khổ của bà Tư, không nỡ bước chân lên bờ. Giờ này, bà Tư như nhũn ra không còn sức lực. Mấy bà già lại thoa dầu gió lên hai thái dương của người đàn bà tội nghiệp, khuôn mặt bơ phờ chẳng thèm nhúc nhích.

Người ta đề nghị, câu chữ ngập ngừng ngắt quãng: “Thôi kiểu này vô phương mà mò, đợi ba bữa nữa nó chịu trồi lên thì đi kiếm. Ai lại dìu chị Tư về nhà, cho bả nghỉ ngơi”, rồi quay sang bà, người đó tiếp: “Chị cũng đừng quá đau lòng, giữ sức khỏe”. Đó là một cách giải quyết hợp tình hợp lý, ai cũng đồng ý rút lui, giờ cũng nên về lo cơm nước gia đình. Cả xóm tản về nhà, vài người đến vỗ về bà Tư tội nghiệp vài cái, lắc đầu.

Đột ngột, bà choàng người dậy, bàn tay múp míp của bà vụt nhanh tiến đến nắm chặt lấy cườm tay nhỏ thó của thằng đã rủ con bà tắm sông (giờ nó đã thay xong cái quần cụt rồi): “Mầy, tại mầy, mầy nhận nước con tao. Mầy ác lắm, mầy ác lắm, đồ ác ôn… Hả, mày trả lại con tao, trả đây!”.

Mặt nó rúm ró và sợ sệt, vẻ như năn nỉ như van lơn của một con chuột nhắt trước một con mèo béo ụ. Trông đến tội nghiệp, hai cái cùm chân nó như hai que củi khô, khụy xuống run run. Bàn tay bà nắm chặt, đến nỗi lòng bàn tay thằng nhỏ trắng bệt đi vì máu không chảy nổi. Nước mắt bà lại được dịp trào ra, mí mắt sưng húp và cái đầu bà bù xù như ổ đẻ của con gà mái.

Ông Bảy lại phóng những bước dài như nhảy qua những con mương, đến gỡ lấy bàn tay của thằng nhỏ ra:

- Thả nó ra, bà bị điên rồi!

Bà Tư ngước mặt lên trời, lại gọi trời: “Trời ơi là trời…”, còn thằng kia thì chạy cắm đầu cắm mũi về nhà, nó thấy bà giống như một thổ dân da đỏ ăn thịt người, hoặc cũng giống như một con khủng long T-rex sẵn sàng xé thịt nó ra ngấu nghiến ngồm ngoàm!

Người ta tản về nhà hết cả. Trên đường đi, họ lắc đầu nguây nguẩy; còn những đứa con nít thì bị cốc đầu: “Đấy, bây tắm sông cho dữ vô”. Biết có cãi cũng chẳng được, những đứa nhỏ ngậm ngùi lủi thủi. Có đứa thì thầm: “Nó còn thiếu mình một bàn chơi tạt lon, chiều hôm qua lúc nó bị đừ, nó kiếm chuyện chạy về nhà ăn cơm”. Lại một cái cốc đầu: “Ham lắm, nó thành ma rồi nó lụm lon cho mầy tạt”.

 Buổi chiều, khói nấu cơm bay trắng trên nóc bếp. Sau nhà, trên sàn nước, một bà mẹ trẻ đang tắm đứa con nhỏ trong cái thau đỏ, vỗ vào mông nó chan chát vì nó tắm mãi chẳng chịu bước lên nhà. Trên nền trời, những cánh cò sãi dài cánh trắng, cò đã “đi học về”!

Tiếng cơm nước khua nhau rộn rã, nồi cơm nóng khói nghi ngút, tiếng người vui biết bao nhiêu. Thế mà, bà Tư vẫn còn chưa bắc bếp, nồi cơm trắng gạo chưa vo, thau quần áo vẫn còn ngâm đó chưa giặt; tối đến thì bà sẽ chưa ngủ (đoán vậy!). Vài người hàng xóm ngồi trước hàng ba nhà bà, dọn dẹp linh tinh và chùi nước ấm cho bà khỏe lại. Có ai đó vừa thắp lên một nén nhang đỏ, khói chậm chạp phả hương, mùi ngầy ngặc.

Bến sông, mặt nước vẫn dập dềnh, dập dềnh… Trên chiếc ghe buộc xa hơn gốc còng một quãng, chòng chành lắc lư. Thằng nhỏ vẫn trần truồng trong ấy, đói bụng đến xanh mặt. Nó là vua trốn chạy, thân hình nhỏ thó của nó chui rúc rất tài tình… Nó chui ra khỏi ghe, nhảy xuống nước, rùng mình, nó sợ bị mẹ đánh vì đã làm cả xóm láo nháo nên vẫn “cố thủ” trong ghe, nhưng đói bụng thì khó chịu quá chừng, nó phải về nhà ăn cơm, bị đánh cũng ráng chịu!

Một ông già đang tắm ở mé, mắt tráo trân như là vừa gặp phải ma.

 Võ Đăng Khoa
 

;
;
.
.
.
.
.