.
Truyện ngắn

Đồng đội

.

1. Quê tôi, ngay giữa cánh đồng lúa bạt ngàn mọc một đầm sen to - vì to nên tôi gọi cánh đồng sen. Đẹp mê hồn. Nhìn tráng lệ, trữ tình. Bao giờ cũng vậy, đặc biệt lúc giao mùa cuối xuân đầu hạ, cánh đồng lúa và cánh đồng sen thi nhau phô trương sắc đẹp.

Hương sắc xen lẫn trong mỡ màng xanh lúa. Cánh đồng lúa bao dung, nhường nhịn. Cánh đồng sen khiêm nhường, tươi thắm. Càng nhìn càng mê đắm. Lộng gió, tràn trề ánh sáng, ngào ngạt hương thơm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Với những người bạn của mình, lần nào đưa về nhà chơi, tôi cũng cố tình dắt ngang qua cánh đồng sen. Cứ nhìn vẻ mặt biểu cảm ngất ngây của bạn là tôi thấy đã đời trong dạ. Rồi với bộ điệu hãnh diện, với tất cả lòng tự tôn bất khả xâm phạm, tôi hất mặt lên, trịnh trọng giới thiệu vẻ đẹp “nhân đôi” của hai cánh đồng đang ôm ấp nhau như cái cách người mẹ bồng bế đứa con nhỏ.

Cánh đồng đôi này cũng là một huyền thoại. Nguyên, cả vùng là cánh đồng lúa. Cánh đồng y như chiếc chảo khổng lồ, lòng chảo luôn trũng nước. Vùng ngập nước không thể gieo sạ đã trở thành thiên đường của lác, sậy, cua cá và một đôi người thích thả lờ, đặt đó. Như có phép màu, rồi một ngày, từ vùng nước bùn lầy đó bật lên những đóa sen to, thơm ngát một vùng.

Đầm bùn biến thành đầm sen vì một ngày cánh đồng làng có gã lãng du phương nào đến đó câu cá. Gã lãng du chỉ có một cánh tay. Không ai biết gã từ đâu đến, cũng không biết vô tình hay cố ý mà bỏ xuống đầm nước một nhánh sen. Không ai lưu tâm nhưng bỗng một ngày trong đám lác rậm rạp người ta thấy lấp ló đóa sen hồng, sau đó là những chiếc gương sen. Một, hai... rồi thành một đám.

2. Gã lãng du một tay - người ta gọi vậy, vì mái tóc dài tới cổ, màu tóc vàng hoe, sợi tóc loăn xoăn cộng với dáng người thanh thoát - bộ dạng như những gã lãng du phớt đời trong phim. Tôi cũng cố tình kể theo lời của người trong xóm vì muốn tạo sự hồi hộp cho câu chuyện chứ kỳ thực chú không phải người lạ.

Chú tên Hanh, đến làng tôi ở cả tháng mới đi câu cá mà. Không có ý kể công trạng nhưng chuyện quê chú ở ngoài Bắc, chú hiện đang tạm trú nhà bà Chín Đúng là do tôi cung cấp cho cả… xã. Tôi là người đầu tiên biết chuyện đó.

Tôi biết, quen, thân với chú Hanh hơn tất cả mọi người vì công việc của cô nhóc lớp 8 là cắt cỏ bên đồng lúa rồi lén qua vũng bùn to bắt cua, cá. Trước khi biến cái đầm bùn thành đầm sen, chú Hanh thường đến đó buông câu, tôi được phát cho cái cần nhỏ, ngồi bên chú, thỏ thẻ đủ điều. Sau khi nhánh sen bỏ nháp dưới đầm lên xanh, ra hoa, cho gương thì chú đã mạnh dạn đến Ủy ban xin được nộp thuế, biến đầm lầy thành đầm sen. 

Sau này, tôi thường hay đến đó. Phần cắt cỏ, phần bạn bầu. Chỗ quen biết nên tôi không cần xin, lần nào cũng được chú Hanh cho vài cái gương sen ngồi nhâm nhi, lúc ra về còn được khuyến mãi thêm một đôi cái.

Chú Hanh với con trai bà Chín Đúng là đồng đội. Hòa bình, sau khi về thăm mộ ba mẹ, sau khi hay tin người yêu hiện đang an phận chồng con thì chú tìm ngay về người mẹ mà người đồng đội thân thiết, trong cơn đau đớn tội cùng, hai tay bịt vết thương máu phun vì trúng đạn, dặn dò: hòa bình, về quê ghé thăm mẹ dùm tao...

Mẹ của người lính trong câu chuyện là bà Chín Đúng. Cuộc đời bà cũng nỗi niềm lắm. Lấy chồng hồi mười lăm tuổi, chồng ra trận, thảng lắm mới gặp một lần. Khi bà chưa biết mình có thai đứa thứ hai thì chồng hy sinh.

Thân gái trẻ góa bụa, nhiều ông muốn quò quẹt nhưng bà đanh mặt cấm. Bà ở vậy nách hai con. Đội bom đạn nuôi con. Mẹ kể, ngày đó tản cư liên tục. Bất kể, chạy đằng đông đằng tây bà đều trèo trẹo bồng con theo. Đưa thân ra che chở nhưng vẫn không khỏi tai kiếp. Đứa con gái lớn, tên Hoa, gặp cảnh tên bay đạn lạc, hỏng con mắt trái. Sau này, thằng con trai lớn lên, một hai nối chí cha, trả thù cho chị nên bỏ nhà, bỏ mẹ vào quân ngũ. Lầm lũi. Mẹ chờ con, chị chờ em. Kết quả: con trai bà Chín mãi mãi không về.

Ngày chú Hanh tìm đến nhà, thân thương gọi “mẹ Chín”. Mừng ơi mừng. Bà Chín cười, bà Chín khóc. Bà lăng xăng chuẩn bị cơm canh. Bữa cơm hôm đó diễn ra ồn ào, một sự ồn ào cần thiết. Bà từng bảo, đời sợ nhất phải sống một mình - bà lo vụ cô Hoa qua tuổi bốn lăm vẫn chưa có chồng. Nghe bảo chú Hanh chưa vợ con, bà hy vọng nhiều.

Chú Hanh dùng một cánh tay giúp mẹ Chín sắp xếp lại đồ vật nặng nề trong nhà, phát vườn tược, sửa bóng điện hư, cài lại chốt cửa, thay miếng ngói vỡ, làm lại cổng rào... Chú tính lo cho chỗ ở của mẹ đàng hoàng rồi đi, đó cũng là cách thực hiện lời hứa với thằng bạn một thời “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”. Nhưng không. Cuộc đời vô thường hay đó là tâm ý sắp xếp của hương hồn người đồng đội vào sinh ra tử. Đúng cái ngày chú Hanh tính đi thì mẹ Chín bệnh. Bệnh mà mừng. Mẹ Chín rớt nước mắt khi chú Hanh sốt sắng chở đi viện, về nhà phụ lo thuốc thang cơm nước. Nhất quyết chừng nào mẹ hết bệnh con mới đi. Mẹ Chín cảm động chẳng biết nói gì. Hay con trai đang mượn thể xác của chàng trai này? Hay kiếp trước hai người là mẹ con? Sao cũng mừng. Rồi bà gọi, bà nhìn, như cái cách trìu mến, âu yếm bà đã làm với đứa con mang nặng đẻ đau.

Chú Hanh ở lại. Không phải thêm vài ngày mà ở luôn - quê quán cũng chẳng còn ai. Nhà thêm người, mẹ Chín vui mừng khôn xiết. Đi đâu, nói gì cũng khoe, thằng Hanh nhà tui nó nói, nó làm, nó thích và nó… vân vân… Bà nói chuyện, cứ như trong thiên hạ bao la, mỗi “thằng Hanh” nhà bà là nhất. Có người thương, người thực sự thông cảm cho nỗi niềm người mẹ mất con. Cũng có người xỉa xói. Người ta có lý do để giải thích cho việc “tự nhiên nhận mẹ nhận con”.

Tôi nghĩ không phải nhân chi sơ tính bản… ác mà vì cuộc đời người ta nhiều phiên lao đao vì dối lừa, vì lòng người thay trắng đổi đen nên họ đã đa nghi tới mức tàn nhẫn. Vì nghi ngờ nên họ bàn hươu tán vượn. Lý do rõ ràng tới mức không cần nhìn cũng thấy, không cần nghĩ cũng biết. Nhà nhỏ nhưng đất to. Nghe đâu sắp tới đất ấy sẽ được quy hoạch, tấc đất tấc vàng là chuyện bất di bất dịch không thể chối cãi.

Làm con bà Chín khối người ham, như chuột sa chĩnh nếp. Chịu khó nuôi, ngữ ấy sống được mấy bữa… Và còn nữa, nhiều lời tương tự. Thị phi càng cay độc hơn khi bà Chín minh bạch chuyện chuẩn bị làm mâm cơm cho đôi trẻ ra mắt xóm giềng. “Đôi trẻ” là chú Hanh, cô Hoa. Trời, chuyện này đúng… động trời luôn. Người ta nói dữ hơn trước gấp… tỷ lần. Đây là bằng chứng nhanh nhất, hiệu quả nhất cho cái lý lẽ bấy lâu. Động cơ quá rõ ràng. Bất chấp. Cô Hoa lớn hơn chú rể đến ba, bốn tuổi lận. Ai đời đi lái máy bay bà già. Bà già thì đã sao, vợ già chồng trẻ là... tiền. Già nua, đã không sinh được con lại mau chết, bỏ của nả lại, trúng quá trúng…

Những lời ấy chú Hanh nghe hết nhưng chỉ cười. Muốn người ta hiểu mình cũng đồng nghĩa muốn người ta tha thứ. Chú chẳng có lý do để giải thích. Mẹ Chín cứ phải đi thanh minh thanh nga, nói như năn nỉ: đừng hiểu lầm, đừng nghĩ ác, tội nghiệp thằng nhỏ, cái tâm nó sáng. Người ta kiên quyết bà bị tình thương đánh lừa. Bà khóc. Con không sao, người ta nghi ngờ là tốt - chú Hanh chỉ nói vậy.
Năm năm sau.

Bà Chín mất.

Đất của bà Chín không được quy hoạch nhưng lại có con đường nhựa đi qua. Đất mặt đường trở thành kho báu. Người ta nghĩ đến viễn cảnh khu vườn rộng được bổ thành nhiều miếng để bán nên xúm hỏi mua trước khi những người kinh doanh bất động sản ở thành phố về… xơi. Không, chú Hanh trả lời, không phải đất chính chủ nên không có quyền bán, tặng. Ai cũng nghĩ đó là lý do chối từ khéo léo nhất, ý đồ ngâm đó, chờ lên giá bán đổi đời.

Nhiều năm không về quê mẹ.

Ngày hôm qua, trên con đường vừa quen vừa xa lạ, tôi bắt được cảnh cũ. Vẫn cánh đồng lúa bao bọc cánh đồng sen. Cảnh đây, người đâu?

Từ đằng xa, tôi nhìn thấy người đàn ông có mái tóc muối tiêu, một tay buông câu xuống đầm - cách đó chừng trăm mét có một chiếc chòi, thơm mùi cá nướng. Mẹ bảo, chú Hanh giao sổ sách đất đai của bà Chín cho trưởng họ, nhờ trông coi dùm, nếu còn ai thân thích tìm về thì bàn giao, nếu không thì sung quỹ họ. Nếu ai thân tình hỏi sao không xin vài mét ở, chú Hanh bảo, không muốn vài mét đất làm hoen ố tình đồng đội.

Nguyễn Thị Bích Nhàn
 

;
;
.
.
.
.
.