.

Đi tìm tác phẩm hay

.

Thế nào là một tác phẩm hay? Đây có lẽ là câu hỏi lớn với những người viết và có lẽ cũng gây tranh cãi nhiều nhất vì tiêu chí hay đối với các cá nhân thường không giống nhau.

Một số tác phẩm văn học được nhắc đến trong bài viết. Ảnh: U.T
Một số tác phẩm văn học được nhắc đến trong bài viết. Ảnh: U.T

Tôi vừa đọc một cuốn tiểu thuyết rất hay. Có lẽ ta thường nghe được câu nói đó. Nhưng hay thế nào, nói cho rạch ròi, thật khó. Nó cảm động, tôi đọc nó mà rơi nước mắt, một người nói. Cốt truyện hay và ly kỳ quá, không tài nào đoán được cái kết của câu chuyện, tác giả giỏi quá, người khác nêu ý kiến. Đọc xong tác phẩm, nó khiến tôi rất buồn, một người khác nhận xét. Văn hay, hay lắm, câu chữ cừ khôi, thêm một ý kiến nữa...

Đó là những lời tôi nghe thấy từ độc giả khi hỏi họ về một tác phẩm họ cho rằng hay. Nhưng sự đánh giá này rất ít khi đồng nhất, có khi là sự trái ngược hoàn toàn. Ví dụ tôi không giấu rằng rất thích cuốn Linh Sơn của Cao Hành Kiện thì một người bạn văn của tôi bảo rằng, anh không tài nào tiêu hóa nổi nó. Bây giờ tôi bảo rằng không thích H. Murakami thì chắc chắn sẽ có người phản ứng dữ dội vì nhiều người Việt mê ông nhà văn Nhật Bản này.

Nhưng nói như thế chẳng nhẽ không có một tiêu chí nào để đánh giá tác phẩm hay sao ư? Ta thử xem những yếu tố nào người ta thường cho là tác phẩm hay nếu bản thân nó sở hữu những phẩm chất dưới đây.

1. Sự cảm động. Tôi quan sát và thấy rằng tiêu chí này được khá nhiều người đồng tình. Một tác phẩm hay là một tác phẩm cảm động. Ví dụ đọc Tắt đèn của Ngô Tất Tố, người đọc không thấy cảm động vì cái cảnh chị Dậu phải bán con, bán chó để cứu chồng hay sao? Hoặc nhân vật Hộ trong Đời thừa của Nam Cao chẳng khiến người ta xót thương về thân phận nhà văn, nghèo đói đến mức mua một món ăn ngon cho gia đình cũng không làm nổi? Hoặc trong cuốn Những người khốn khổ của Victor Hugo người ta cảm động vì tên tù khổ sai Giăng Vangiăng tìm mọi cách để cứu vớt bé Côdét mồ côi đáng thương đó sao? Có những cảnh cảm động, tác phẩm rất dễ được đồng thuận là tác phẩm hay và dường như nó là yếu tố tác động vào tâm lý người đọc rất mạnh.

2. Sự li kỳ, lôi cuốn. Đây cũng là phẩm chất rất dễ được công nhận. Tác phẩm sở hữu một sự ly kỳ, lôi cuốn sẽ khiến người đọc không muốn buông sách. Họ đọc và bị cuốn đi theo những tình tiết của tác phẩm, hết đoạn này đến đoạn khác, hết hành động này tiếp theo hành động khác. Những tác phẩm kiểu này thường có ở dòng văn học trinh thám và những tác giả mạnh về cốt truyện.

Ví như cuốn tiểu thuyết lừng danh Tên của đóa hồng của Umberto Eco kể về sự truy tìm kẻ giết người trong một mê cung sách vô cùng kỳ thú. Người đọc choáng ngợp với sự miêu tả vô cùng bí hiểm về những cuốn sách cổ hoặc các dị nhân sống khép kín trong nhà thờ. Hay hàng loạt tác phẩm của Dan Brown như Mật mã Da Vinci, Biểu tượng thất truyền, Hỏa ngục... với cốt truyện vô cùng ly kỳ, hấp dẫn.

3. Văn hay, kỳ công của câu chữ. Một tác phẩm được viết ra bởi một thứ văn đẹp hay kỳ công bao giờ cũng nhận được rất nhiều sự yêu mến. Ở Việt Nam tiêu biểu cho phong cách này có thể kể đến Nguyễn Tuân với tiểu thuyết Tâm sự của nước độc nguyên bản viết năm 1945 (tôi rạch ròi về tác phẩm này vì năm 1946 Nguyễn Tuân viết thêm hai đoạn Dựng và Mưỡu cuối cho vào đầu và cuối tác phẩm và trở thành cuốn Chùa Đàn mà tôi cho rằng hai đoạn thêm vào rất dở) và tập truyện Vang bóng một thời.

Đọc văn của Nguyễn Tuân ai mà không nể phục sự tài hoa và sự cầu kỳ câu chữ của nhà văn họ Nguyễn. Cảm giác những câu chữ trong Chùa Đàn và Vang bóng một thời đều được tác giả gọt giũa chọn lựa rất tỉ mỉ như một người thợ kim hoàn lành nghề. Và những tác phẩm kể trên từ lâu đã được liệt vào những viên ngọc sáng của nền văn học Việt Nam. Gần đây tôi đọc những truyện ngắn trong tập Phép tính của một nho sĩ của Trần Vũ tôi cũng rất thích vì sự công phu về ngôn từ của anh. Cảm giác mỗi từ, mỗi câu đều được tác giả sử dụng hết sức thận trọng và tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt anh rất chú ý đến nhịp điệu câu văn, điều mà rất ít tác giả có thể làm được.Thế giới thì có thể kể đến Gustave Flaubert với tiểu thuyết Salammbô giàu những hình ảnh đẹp và kỳ công hay một đại diện từ Mỹ La tinh là J. Borges với thể loại truyện ngắn, tiểu luận với câu chữ tinh luyện và cô đọng.

4. Nói cho người ta hiểu một điều gì đó có ý nghĩa. Phẩm chất này có vẻ hơi mơ hồ nhưng thực ra là một điều dễ thấy. Alexis Zorba - con người hoan lạc  của Nikos Kazantzaki bảo cho người ta rằng, chúng ta nên vui thú càng nhiều trong phạm vi có thể càng tốt vì cuộc sống ngắn lắm và u buồn, tự giam hãm mình thì cuộc đời chán ngắt. Tác giả xây dựng một hình tượng một ông già đầy vui tính và lãng tử trong cuộc sống, có lẽ sẽ truyền cảm hứng cho rất nhiều người về cách sống lạc quan,  nhân văn và thú vị. Còn những tiểu thuyết mang tính triết luận của Milan Kundera như Sự bất tử, Đời nhẹ khôn kham... dạy chúng ta khá nhiều về cách cư xử trong một cuộc đời con người như sự bất tử, sự phản bội, ý nghĩa nặng nhẹ của cuộc đời cùng với những suy ngẫm rất có ích về thời cuộc.

5. Sự độc đáo, khác lạ. Nếu như người đọc vẫn quen với những món truyền thống, bỗng một ngày đọc một tác phẩm thấy nó vô cùng khác lạ, người ta sẽ choáng ngợp về nó. Trăm năm cô đơn của G. Marquez là một ví dụ điển hình. Nào là người mọc đuôi, người bay, mưa ròng rã suốt mấy tháng liền... những cái có vẻ như chưa từng gặp ở một tác phẩm tương tự trong văn học hiện đại. Hoặc trong cuốn Diệt vong của Thomas Bernhard, suốt mấy trăm trang tiểu thuyết, tác giả không hề xuống dòng một lần nào và cả tác phẩm, tác giả chỉ để cho nhân vật tôi “kể xấu” về chính gia đình và tổ quốc mình. Có lẽ một điều tương tự trước đó chưa từng xảy ra trong lịch sử văn học.

Tôi chỉ đưa ra 5 tiêu chí kể trên để định dạng một tác phẩm hay vì nhiều hơn thì loãng và có lẽ cũng không thật đặc trưng. Nhưng chắc chắn sẽ có người phản bác rằng, những tác phẩm anh nêu làm ví dụ trên kia, tôi thấy chúng không hay chút nào cả. Tôi sẽ không ngạc nhiên về những chất vấn đó, bởi sự đọc, gu thẩm mỹ, tầm đón đợi của mỗi cá nhân là vô cùng khác nhau. Thậm chí có những tác phẩm trước đây tôi thấy hay mà giờ không thấy hay chút nào nữa hoặc ngược lại. Khi có sự thay đổi về nhận thức, đặc biệt sự trưởng thành về sự đọc, gu thẩm mỹ thì danh sách sẽ còn bị xáo trộn. Danh sách những cuốn sách hay của tôi từ thời ấu thơ đến bây giờ đã bị thay đổi rất nhiều. Thôi thì bây giờ ta tạm thời chấp nhận kết quả của sự nhận thức ở một thời điểm nhất định đang được viết.

Nhưng dù sự biến thiên có lớn đến mức nào thì bây giờ ai có thể phủ nhận được giá trị của những cuốn Anna Karenina của Lev Tolstoy, Chí Phèo của Nam Cao, Chùa Đàn của Nguyễn Tuân hay gần đây là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh... Bỏ qua sự đố kỵ về nghề nghiệp là điều rất dễ xảy ra trong giới người viết và loại trừ những trường hợp muốn đi ngược đường để gây ấn tượng, thì với đông đảo công chúng, những tác phẩm kể trên chắc chắn là những tác phẩm hay dù thời gian và nhận thức có thay đổi thế nào.

Uông Triều

;
;
.
.
.
.
.