.

Khách ở quê ra

.

Khách ở quê ra thăm vốn không chỉ là chú, bác, cô, dì, thông gia hai bên nội ngoại mà đôi khi còn là người cùng quê “chưa một lần gặp mặt”. Chuyến thăm có khi được báo trước hẳn hoi nhưng cũng lắm lúc bất ngờ như trên trời rơi xuống khiến người phố ngạc nhiên há hốc mồm chẳng nói được câu nào.
Người nhà quê coi cái tình, cái nghĩa nặng lắm.

Như cha mẹ tôi ở quê, mỗi khi ai có việc vào thành phố thì nhiệt tình đưa địa chỉ, gọi điện biểu con cái phải đón tiếp cẩn thận. Bữa thì dì Ba đi chữa bệnh, chú Năm vô làm chế độ thương binh. Bữa khác thì cô Tám dẫn thằng Út đi thi đại học, “người làng lần đầu ra phố tìm việc ngơ ngáo lắm, con coi ra bến xe đón rồi sắp xếp chỗ ở cho chỉn chu…”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Riết một hồi, nhà tôi như “nhà khách Công đoàn”, chuyên đón tiếp bà con, người làng của cha mẹ ở quê ra. Có hôm người này chưa về, người khác lại đến. Mỗi lúc như thế trong nhà rôm rả đông vui như họp hội đồng hương. Mà người nhà quê lạ lắm, không bao giờ đến nhà ai bằng tay không. Lúc nào cũng khăn đùm, khăn gói như bọc hết cả quê nhà. Từ chục trứng gà đến mớ rau, quả mít cho đến gạo nếp, khoai, môn… Cứ gọi là chút quà quê để biếu ăn lấy thảo. Đó là chưa kể còn nhận mang giúp quà lên cho con cháu của người trong làng trên thành phố.

Các con tôi sinh ra và lớn lên ở phố thị, chúng thích nghi với ngôi nhà hẹp, cánh cổng im thin thít và đời sống riêng tư nên không mấy quen với cách hành xử của những vị khách ở quê ra. Thỉnh thoảng, đi làm về tôi lại nghe chúng mách: Bà Sáu hôm nay đi hết cả xóm mẹ ạ. Gặp ai bà cũng bắt chuyện làm quen. Sáng dậy, bà còn xách chổi ra trước đường quét rác nữa. Còn ông Tư, xách rượu qua nhậu với mấy chú nhà kế bên, vừa uống rượu vừa kể chuyện hồi nhỏ mẹ bị trâu húc suýt chết…

Chuyện bà Sáu sáng nào cũng xách chổi quét cả con hẻm dài, gom rác ở ngõ các nhà bỏ vào bao mang đi đổ ở thùng rác lớn đầu đường đã khiến cả xóm xôn xao thành chuyện... để đời. Ở quê, người ta không chỉ quét rác ở ngõ nhà mình mà tiện tay quét luôn cả con đường trong xóm. Cứ thế, bà Sáu cứ hồn nhiên đem cái nếp sống hồn hậu ở quê ra phố mà không hề biết rằng việc dọn rác, quét đường đã có nhân viên công ty vệ sinh môi trường lo.

Ban đầu người ta ngạc nhiên, tưởng hôm nay có nhân viên vệ sinh mới nhưng sau biết bà là khách nhà tôi ở quê mới ra nên có ý khó chịu. Bà Sáu chẳng lấy thế làm phiền mà còn cười bảo: Ra phố rảnh rỗi quá nên buồn chân, buồn tay. Thấy người trong xóm treo rác đầu ngõ dơ quá, tiện tay đổ rác cho nhà mình và cả hàng xóm luôn…

Bà Sáu ở nhà tôi lưng nửa tháng để khám bệnh thì cả con hẻm cũng quen với tiếng chổi tre xao xác của bà vào mỗi sớm mai lên. Thỉnh thoảng bà còn cao hứng hát vài câu bài Chòi theo điệu Xuân nữ đúng mùi quê kiểng khiến không ít người rưng rưng chợt nhận ra rằng: Đã bao lâu rồi, ta mải mê kiếm sống ở phố thị mà quên mất giọng điệu quê nhà.

Hôm bà Sáu đến nhà, mấy đứa nhỏ con tôi rót nước lọc ra mời. Bà uống xong không nói gì, chỉ lẳng lặng ra chợ mua bó chè xanh, mấy củ gừng về vò vò, ủ ủ trong cái bình tích bằng gốm cũ xì. Mùi chè xanh chát pha lẫn vị gừng cay thơm khiến căn nhà hộp kín mít được ướp đầy hương vị quê nhà. Mà có phải do cái hương quê ấy có sức thu hút mãnh liệt hay tại bà Sáu khéo ăn khéo nói mà mấy ngày sau, nhà tôi lúc nào cũng đông đúc khách sang uống nước chè. Nói là khách cho oai chứ quanh quẩn cũng mấy bà, mấy chị ở cùng hẻm. Họ cũng từ các miền quê khác nhau ra phố ở cùng con cháu lâu nay nên nỗi nhớ nhà luôn cào cấu ruột gan. Nay gặp bà Sáu, “Hội bà mẹ quê” ấy cầm như gặp được cố nhân…

Những ngày khám, chữa bệnh qua mau như cơn gió, bà Sáu trở về nhà ở Hiệp Đức, Quảng Nam. Trước khi con gái tôi chở ra bến xe thành phố, bà tới từng nhà chào tạm biệt đầy luyến lưu khiến con bé sợ trễ giờ học phải la toáng lên: Bà ơi, bà về rồi ít bữa lại ra chơi. Chớ có đi mô xa mà chia tay “hoành tráng” rứa? Trong khi đó “các bà mẹ quê” của xóm cũng đã kịp giúi vào tay xách của bà mấy gói kẹo, bánh gọi là chút quà thành phố gửi về cho các cháu ở nhà.

Bà Sáu về quê được mấy hôm, cả con hẻm trở nên nhạt nhẽo như thiếu một thứ gì đó thật mơ hồ. Sáng nay ngủ dậy, cơn mưa do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới làm mùa hè trở nên dịu dàng đến bất ngờ. Cây bằng lăng đầu hẻm vừa rụng những bông hoa cuối cùng theo cơn gió rơi xuống mặt đường. Tự nhiên tôi nhớ đến bà Sáu, nhớ tiếng chổi tre xao xác vào những sớm mai lên, nhớ giọng hát bài Chòi đặc sệt chất Quảng Nam phảng phất hương chè xanh ngan ngát mùi quê kiểng…

Như Hạnh

;
;
.
.
.
.
.