.

Nghiện gió

.

Mình biết ơn cụ gạo, tấm lòng thơm thảo bà Biên. Bà Biên nuôi nấng gà mẹ, gà con, cho những con gà như mình được hít thở bầu không khí bình yên dưới cánh tay nhân hậu. Cụ cây gạo nhân hậu cho bóng mát. Mẹ mình kể, từ thời mẹ của mẹ, tức là gà bà, bóng mát của cây gạo là một món quà, một thứ tài nguyên bất tận thiên nhiên ban cho con người và loài vật.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đã bao lần mình ao ước khả năng bay cao, như những con chào mào, con cò con vạc đậu trên tán gạo. Cũng là loài có cánh, sao mình không thể bay. Sao mình không thể tung cánh lên những tầng mây, hoặc là là trên cánh đồng xanh, dọc bờ sông uốn khúc? Ờ.

Chắc do sự phân công của ông trời. Mình chỉ là gà chứ không phải chim. Rồi một ngày kia, mình rùng mình ớn sợ. Mình lích chích nhảy vào bên kia hàng rào cây duối, vườn của bác Tạ. Mình thấy một xác cò đang thối rữa. Mình tiến lại gần. Ở phần bụng cò lộ ra những viên sỏi cát, mảnh nhựa, sắt thép lổn nhổn. Toàn thứ đồ công nghiệp của con người. Tại sao cò ăn cát, ăn những miếng nhựa và sắt thép? Loài chim cò, gà vịt ngan ngỗng chỉ nuốt thêm những viên sỏi nhỏ, làm nhiệm vụ nghiền thức ăn thôi chứ? Nhựa và sắt thép thì có tác dụng gì?

Phát hoảng. Mình sợ những thứ đó cắm vào cơ thể. Mình vội chạy về hỏi mẹ. Mẹ rầu lòng bảo, phải tránh những thứ độc hại đó ra. Mấy con vịt lông xám tham ăn cũng tưởng đó là cao lương mĩ vị, chén đẫy bụng. Bụng dạ trương phềnh, lăn đùng ngã ngửa. Càng nghe mình càng run. Sao con người nghĩ ra những thứ độc hại đến thế để cho bọn có cánh có lông ăn phải. Nhẫn tâm quá.

Từ hôm bị con trai ruột lấy trộm đồ thờ cổ, đem bán, bà Biên như người mất hồn. Quán bia con trai bà và đám bạn mở sát nách nhà bà lúc nào cũng ồn ào khiến tinh thần bà bấn loạn. Không gian bà sống ô nhiễm tiếng ồn. Ô nhiễm mùi bia rượu. Cả lời văng tục, nói xấu, gièm pha của khách nhậu xả lẫn với rác, giấy ăn ở ngay bàn nhậu cũng dồn ứ thành một mớ khăm khẳm nhức đầu. Loài gà như mình lành hiền được bà coi như con, săn sóc chăm bẵm. Dẫu thế, từ khi quán bia hoạt động thì địa bàn kiếm ăn của bọn mình bị thu hẹp, di chuyển cũng khó khăn. Bà già rồi. Yêu đàn gà thì bà cũng chẳng đủ sức căng mình ra che chở. Những người mẹ già thường chịu lép vế trước sự ương ngạnh của những đứa con hư. Mình là con của mẹ gà, mình không hư.

Mình biết nghe lời. Bé thì chạy bên mẹ. Lớn thì chủ động kiếm ăn. Ngày xưa mẹ vẫn thường vượt đê, sang bãi bồi bên kia kiếm giun dế, tóm châu chấu. Đó là thức ăn giàu đạm và bổ dưỡng mà loài gà không ngại mạo hiểm để tìm trong vạt cỏ, bờ đất. Mẹ bảo đó cũng là cách giúp bà Biên bớt đổ thóc gạo cho gà. Mẹ mình lúc nào cũng nhanh nhẹn, nghĩ cho người khác. Nhanh nhẹn nên được bố gà trống yêu thương. Bà Biên có cách giữ sự vui nhộn đông đúc cho đàn gà và bao giờ cũng giữ ở bên những gà mẹ, gà bố tốt. Mẹ mình nhanh nhẹn hoạt bát. Mẹ có thể tránh được những chiếc xe lừ lừ trên đê. Mấy chú vịt ục ịch chậm chạp thích so bì học đòi dính tai họa. Ra đường sợ nhất công nông… Cách đây ít hôm, đàn vịt bầu lạch bạch vênh váo qua đê, định sang bên kia kiếm mồi khi cánh đồng bên này vơi cạn thức ăn. Hai chú em bị chẹt, nát bét. Máu tóe ra mặt đê đang rạn nứt. Xác vịt bị đá xuống sườn đê. Lát sau loài kiến bu đen.

Mình ngại đi ra ngoài. Ra ngoài phải đi qua quán bia. Nhộn nhạo. Xe cộ chật ních. Người ra người vào. Mặt ai cũng bừng đỏ. Mình sợ những cái chân loạng choạng đá phải, giẫm lên, không bị gẫy chân thì cũng ngoẹo đầu, què mỏ. Bọn vịt hôi hám hay chê người, chỗ nào cũng cắm cổ xông vào, còn vỗ cánh bì bạch chê họ nhà gà. Mình mách mẹ. Mẹ khác bọn họ. Mẹ không nói xấu ai. Mẹ cũng chẳng để bụng so bì với đàn vịt hay những chú chó. Dù bọn chó hung hăng vẫn cắn gà.

Mẹ bảo muốn no bụng phải đi xa. Mẹ cần bổ sung chất dinh dưỡng để có trứng tốt dâng bà Biên. Mẹ qua đê, sang bãi bồi nơi người ta đang khai khác cát. Máy móc bộn bề. Đầy gió. Đầy tiếng ồn và cả những mưu tính về tiền bạc. Cả một vùng còn nhiều cào cào châu chấu. Mẹ sang vườn ngoài, ra vạt cỏ ven đê mổ dế. Mẹ không gặp nạn. Nhưng mình thấy da mẹ ửng đỏ. Mặt mẹ hơi biến sắc. Đặc biệt là vầng mào của gà mái. Đúng ra phải đỏ au, tươi rói, khỏe mạnh, thì sắc trầm lại, tai tái. Bước chân đi cũng không chuẩn nữa. Mình không dễ vô tâm như các anh chị mình. Mình yêu và để tâm đến những nỗi niềm, sắc diện của mẹ và nhận ra một sự thay đổi không hề nhỏ. Âm thầm, chầm chậm.

- Mẹ có bệnh từ bên trong.

- Con nói đúng. Mẹ nghiện thì đúng hơn. Vì đi qua quán bia quá nhiều. Bia tràn trên bàn, chảy xuống đất. Bia ngấm trong giấy ăn, bốc hơi men trong không khí. Men bia ám vào mẹ. Ngấm vào da thịt.
Tôi nhớn nhác, lo lắng:

- Vậy mẹ đừng đi qua bãi bia đó nữa.

- Đó mới là chuyện - giọng mẹ bỗng trở nên nghiêm trọng, lo hãi - mẹ đã nghiện rồi. Nghiện gió. Nghiện thì không thể không đi qua đấy.
Mẹ mình bảo nghiện mùi men là nghiện gió. Mẹ vẫn thích nói về những điều lạ lẫm với loài gà.

- Lại có chuyện này ư? Mình rên lên, suýt trào nước mắt.

Bà Biên nhận thấy sự biến đổi trong sắc lông và mào của mẹ. Bà biết mẹ đang ốm. Bà lo lắng lập cập sang bác sĩ bán thuốc gia cầm mua thuốc trộn vào gạo, rắc vào mẹt tre cho mẹ ăn. Mẹ cảm nhận rõ tác dụng của thuốc. Nó ngấm nhanh vào cơ thể mẹ. Ngấm như lòng thơm thảo bà đã lan tỏa ra cho cả đàn gà lớn bé. Mẹ đẻ mắn, lâu nay khỏe mạnh nên bà rất quý. Mẹ yêu bà nên thuốc của bà cho, tự nhủ phải dùng hết.

Nhưng thuốc không có tác dụng tích cực. Tai hại hơn, thuốc càng khiến mẹ thèm hơi men. Trước đây, thay vì một ngày mẹ đi qua bãi bia ba lần thì giờ mẹ sà vào bàn uống. Mẹ nằm lì ở gầm bàn hoặc gầm ghế, say sưa hít thở hơi bia xộc ra từ miệng bợm nhậu, từ những giọt bia tràn trên bàn, lăn xuống đất.
Mình lo cho mẹ, nhưng chẳng biết làm gì để giúp. Mình chỉ là một con gà bé nhỏ. Khổ tâm nhất là đêm về, mẹ trằn trọc không ngủ, lông xù lởm chởm, nhưng phạc phờ như màu rơm ẩm mốc, mào và mặt rũ rượi, như bị đánh đập. Rồi đến ngày mẹ nằm suốt ở bãi bia, không muốn di chuyển kiếm mồi. Người ta đuổi bên này thì mẹ đảo sang bên kia. Lúc khách nhậu say xỉn, họ chẳng thèm quan tâm dưới chân mình là thứ gì. Rác, vỏ lạc, rau sống, xương xẩu, hay một con gà có bộ lông xơ xác dặt dẹo ốm o… cũng chẳng còn nghĩa lý gì với họ.

Còn mẹ, nằm trên lẹp nhẹp đủ thứ. Mẹ chẳng đẻ trứng, quên cách cục ta cục tác. Có lúc quên cách lên chuồng lúc nhập nhoạng tối. Nhập nhoạng tối là thời điểm đông khách uống bia nhất. Mẹ thích hòa vào sự nhập nhoạng của quán. Quán bia sát nách ngôi nhà bà Biên. Từ chuồng gà ra quán bia chẳng xa lắm. Từ đây có thể cảm nhận sự nhộn nhạo của tạp nham khách và nồng nã men tràn. Quán bia cùng rác thải đã làm cho khu vực này trở nên hết sức ô nhiễm. Mình đau khổ nhìn mẹ sống vật vờ. Bà Biên cũng biết chuyện nhưng bà chẳng còn cách. Thuốc cũng đã cho mẹ ăn lần hai. Bà hỏi bác sĩ bán thuốc gia cầm. Ông ta chẳng có thuốc đặc trị. Bà lại lập cập trở về. Bà thấy rõ sự ốm yếu tong teo trên bộ lông và chiếc mào của mẹ. Mẹ, thật sự đang xuống dốc không phanh.

Sau hai ngày mẹ nằm nép mình ở góc quán bia thì bà Biên phát hiện đưa vào chuồng. Mày làm sao thế hả gà? Bà vuốt nhẹ vào lông mẹ, như người mẹ nhân từ nựng nịu đứa con thơ đang ốm.

 Lúc này mẹ không di chuyển được nữa. Mình ứa nước mắt. Cóc cóc cóc cóc. Cọc cọc cọc cọc. Mẹ ơi đừng chết. Khỏe lên mẹ ơi. Mẹ gần như bất động, đặt đâu nằm đó.

Anh em chúng tôi nhìn nhau, bụng dạ quặn lên. Mẹ khó thở. Cọc cọc. Cọc cọc. Mồm mẹ ngáp ngáp bật ra thứ âm thanh yếu ớt.

Gà mẹ lim dim nằm trong ổ mệt mỏi chán chường. Hơi men của khách nhậu vẫn được gió dẫn vào. Mỗi lúc như thế mẹ lơ tơ mơ. Cục tác cục ta cục tác. Mẹ không ăn được. Gầy rộc. Ba ngày rồi năm ngày. Bà Biên vẫn ngó xem tình hình của mẹ. Bọn gà con như mình quanh quẩn trong vườn không dám đi đâu. Mình thấy bà Biên rười rượi buồn.

Một buổi sáng, mặt trên lên đỏ chóe như máu. Mẹ quằn quại đau đớn, đôi cánh vặn bên này, vỗ bên kia, bụi mù mịt. Mẹ nôn. Mẹ nôn ra thứ gì thế này? Cổ gằn lên. Miếng nhựa, miếng sắt, xương lợn trộn với máu và bọt. Mẹ đã nuốt chúng. Cả lũ còn rùng mình, sợ hãi chứng kiến sự khủng khiếp này.

- Sao mẹ có thể nuốt? - Lựa lúc bụng dạ mẹ yên, nằm thở, tôi hỏi.

- Mẹ đã nuốt, đã ăn, vì tưởng đó là thức ăn, và vào bụng sẽ tiêu hóa được. Nhưng thứ cứng như thế chẳng hiểu sao vẫn trôi vào diều, vào mề.

Dừng một lát, mẹ nhìn vào đống nôn, nước mũi vẫn không ngừng chảy, nói với mình:

- Mẹ đã nuốt những thứ này từ trước hôm con kể với mẹ về xác con cò. Con nhớ chứ? Trong bụng con cò đang thối rữa, trơ ra sỏi cát, mảnh nhựa, sắt thép lổn nhổn. Chính mẹ còn nuốt những thứ này trước cả con cò.

Mặt mình đỏ bừng. Mặt anh chị, các em mình cũng đỏ bừng. Tất thảy đều khai ra mình từng ăn một vài mảnh nhựa, một vài miếng sắt. Bỗng nhiên đứa nào cũng thấy tưng tức trong bụng.
Mẹ nhìn cả thảy các con, ứa nước mắt:

- Các con ăn ít, mong rằng không sao. Mẹ chỉ dặn, khi mẹ ra đi, các con hãy tránh xa những thứ đồ rác rưởi đó. Chúng sẽ hại tất cả chúng ta và đang hủy hoại môi trường sống.

Nói xong, mẹ đập cánh ba cái, đầy sức mạnh. Như một lời chào, một sự chúc phúc. Rồi từ từ, mẹ lả đi, không dậy nữa… Mẹ ơi. Mẹ ơi. Bọn mình gào lên. Mẹ làm sao thế này, vì nghiện gió hay vì nuốt rác? Mẹ ơi.

Nguyễn Văn Học

;
;
.
.
.
.
.
.
.

Đọc nhiều

.
.