.

Chuyện xóm cũ  

.

Mẹ tôi trở về nhà cũ mấy ngày trước Tết. Bà về dọn dẹp nhà cửa, lau cái tủ lạnh bỏ không, kêu người cho đôi ba cái lặt vặt. Mẹ kể có 13 người tới thăm, từ cô chuyên bỏ sữa đậu nành buổi sáng, đến bà đại tá quân đội về hưu… Mẹ tôi vui, như một cuộc đi xa trở về. Bà nhớ đủ thứ, cô bán sữa đậu nành sáng sáng gửi bình sữa nóng. Bà đại tá già 9 giờ đi ngang nhà hỏi vọng gửi mua gì không khi bà đi chợ. Rồi bà bán cam sành, bà bán hành tỏi, khoai sắn dặm qua. Rồi con gà trống nhà trước ngõ trưa nào cũng gáy, cần mẫn, cô độc giữa phố.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mẹ bảo xóm già đi trông thấy, có lẽ bởi những buồn vui theo mẹ đi rồi. Tôi nhớ con ngõ nhỏ rộng hơn một mét và dài mấy trăm mét từ nhà tôi đến đầu chợ Đống Đa. Đó là nơi tôi đã lớn lên. Ở đó có quá nhiều dấu vết tuổi thơ tôi và bạn cùng trang lứa. Có món ăn chúng tôi đã ăn qua trong những ngày tuổi thơ đói khổ mà giá có tả, có kể tận tường đến mấy thì không thể dành cho người ngoài cuộc. Chỉ chúng tôi, bọn trẻ con xóm nhỏ mà sáng sớm 4, 5 giờ đã quần đùi áo lá tùm hụp mũ nón rủ nhau đi bến cá “đổ nước” và được trả công bằng những mớ cá tươi mới thấu hiểu.

Những bữa ăn hằng ngày của gia đình chúng tôi gần như không được tính bằng tiền mà được tính bằng một buổi lao động của trẻ con. Ngày đó chúng tôi được phân công làm đủ thứ. Có thể bán những mớ rau cắt từ vườn, bán mía khi đến mùa thu hoạch và cả bán khoai lang do mẹ tôi cày cuốc trên những mảnh đất bỏ không trong xóm.

Mẹ tôi đã về ở hẳn nơi mới, vậy mà hằng ngày vẫn ngóng trông tin tức xóm cũ. Tấm bìa carton được dán thêm một đoạn ghi chi chít số điện thoại, trong đó có số của những nhà hàng xóm cũ.

Bữa, mẹ gọi điện cho tôi bảo con về đi đám bác Hỷ nghe, má nghe mới mất hôm qua; rồi nghe điện thoại mợ Ba trượt té con nhớ về thăm... Nghĩa là mọi tin tức mẹ luôn nắm trước để điều hành: Ngày giỗ quẩy, đám chạp, đám hiếu, đám hỷ chòm xóm mẹ đều nắm.

Hôm bữa tôi tình cờ gặp người quen xóm cũ. Chị ở cùng xóm tôi, ngõ dưới. Chị bảo nhà chị bán rồi, mỗi lần về ngang ngõ cay cay mắt lắm em à.  

Ông anh ruột của mẹ đã hơn tám mươi, rờ đầu khi gặp mặt mẹ, bảo em tôi đó. Mẹ kể mà nghe giọng rưng rưng. Nghe hàng xóm kể, có bữa cậu qua ngõ, nắm cánh cổng giật miết, hỏi lầm thầm, rồi về. Cái ngõ đã đi qua cả đời ông. Cái ngõ có hai nhà, hai anh em, họ đã có hai đại gia đình. Con cháu như vạn cánh hoa tung khắp nẻo. Ông đâu còn nhớ hết. Tâm thức nhớ chỉ còn lay lắt, ra khỏi nhà mấy bước là nhà cô em, nó đi đâu miết, lay cửa hoài không thấy...

Hôm giỗ ngoại tôi về gặp cậu. Ông thấy tôi gương mặt bừng sáng như gặp người quen lâu lắm, tiềm thức nhớ như trỗi dậy, ông cười tươi rồi nói lẩn thẩn không đầu cuối.

LƯU BÌNH
 

;
;
.
.
.
.
.