.

Bạn chọn thế giới đơn sắc hay cuộc sống hoàn hảo?(*)

.

Cuộc sống gian truân khiến tôi vẫn hay mơ đến một thế giới hoàn hảo, nơi đó sẽ không tồn tại nỗi đau, sự nghèo đói, những cuộc chiến tranh, sự phân biệt giữa con người với con người, hay thậm chí không cần phải bận tâm đến những lo toan cơm áo. Một thế giới an toàn, hoàn hảo như thế thật đáng để ước mơ. Nhưng có lẽ muốn đạt đến cảnh giới đó thì con người phải đánh đổi bản chất cá thể của mình mà sống cuộc sống không màu sắc, không mùi vị, không tình yêu thương như cộng đồng mà nhà văn Lois Lowry đã vẽ ra trong tác phẩm “Người truyền ký ức” của mình.

 

Người truyền ký ức là hành trình mở ra một thế giới hoàn toàn mới lạ và bí ẩn, không được xác định rõ về thời gian cũng như không gian. Ở nơi đó cả xã hội đã bước sang thời kỳ “đồng nhất”, nghĩa là những con người nơi đây hoàn toàn không có chút khác biệt nào, mọi thứ được vận hành trong kiểm soát như không thể hoàn thiện hơn nữa nhờ vô vàn điều luật về gia đình, nghề nghiệp, bạn đời và cả con cái…

Tất cả những đứa trẻ đều là con nuôi, quá trình lớn lên của mỗi người đều được Hội đồng Bô lão theo dõi sát sao từ tấm bé cho đến tuổi 12 sẽ nhận nhiệm vụ nghề nghiệp của mình. Không một ai phải lựa chọn hay phải đưa ra quyết định cho cuộc đời mình, mọi lựa chọn sai lầm đều được loại bỏ và sẽ bị “phóng thích” nếu đi chệch quỹ đạo. Khi sống trong thế giới “đồng nhất” đó, con người được bảo đảm trọn vẹn về an ninh, lương thực cũng như nhu cầu giải trí.

Nhà văn người Mỹ - Lois Lowry đã mang đến cho bạn đọc một thế giới như thế trong tác phẩm Người truyền ký ức. Người đọc dễ dàng nhận ra một cuộc sống quá yên ổn, không có bóng dáng của sự mâu thuẫn, không nỗi đau, không niềm âu lo… tất cả đều bằng lặng trôi theo một nguyên tắc bất biến. Ở thế giới đó, những cư dân đều hài lòng, đều hạnh phúc trong sự bảo bọc mà không hề biết đến sự tồn tại một vấn đề to lớn rằng họ đã đánh mất cảm xúc, đánh mất tình cảm con người chỉ vì một lý tưởng: sự công bằng và yên ổn!

Nhân vật chính của Người truyền ký ức là Jonas - một cậu bé tuổi 12 có đôi mắt màu xám đặc biệt. Cũng như mọi đứa trẻ trong cộng đồng mà cậu đang sống, là con nuôi, được giáo dục nghiêm khắc và tuân thủ trọn vẹn “luật chống khiếm nhã”: không nói dối, sử dụng chính xác ngôn từ… Tại lễ Mười hai của cậu, Jonas được lựa chọn làm “Người tiếp nhận” ký ức - một vị trí mà cả cộng đồng phải kính nể và tôn trọng bởi tính trách nhiệm của nó. Jonas được một Bô lão gọi là “Người truyền thụ” truyền cả kho tàng ký ức mà cộng đồng đã chối bỏ để đạt sự “đồng nhất” hiện tại.

Trong ký ức mà cậu tiếp nhận, lần đầu tiên cậu biết về màu sắc và ánh nắng, về chiếc xe trượt đang lao đi trong tuyết, về gió biển cùng cánh buồm phấp phới, về sự ấm áp của gia đình - nơi có ông bà, bố mẹ cùng con cái sum vầy. Đó cũng là lần đầu tiên Jonas biết đến tình yêu thương, tất cả những ký ức đó khiến cậu hân hoan hơn bao giờ hết, nhưng cũng đầy sự tiếc nuối khi chỉ có mình cậu và “Người truyền thụ” cảm nhận được và sẻ chia cùng nhau.

Ký ức đâu phải chỉ có điều hạnh phúc; những nỗi đau, nghèo đói, chiến tranh, tình yêu đã thức tỉnh trong Jonas cái nhìn đầy ngờ vực về những đánh đổi của cộng đồng này. Khi tận mắt chứng kiến người bố sống chung mái nhà của mình tự tay làm lễ “phóng thích” một đứa trẻ sơ sinh như một hành động giết người được huấn luyện thuần thục, Jonas đã vỡ òa cảm xúc, vừa căm phẫn, vừa cảm thấy bất lực trước lựa chọn của cộng đồng. Từ đây, bằng tất cả sức mạnh từ ký ức mình có được, cậu bắt đầu công cuộc đấu tranh giành lại điều thiêng liêng và kỳ diệu mà chính con người đã từ bỏ.

Xuyên suốt tác phẩm, nhà văn Lois Lowry luôn giữ giọng văn đều đều, bình dị. Bà dẫn dắt người đọc theo một mạch truyện thẳng tắp, hiếm thấy những lúc cao trào cũng như không tồn tại sự bức xúc hay kìm nén. Mọi thứ đều ở lưng chừng, đơn giản, rõ ràng và dễ đoán. Vậy nhưng ở trong cái vỏ bọc đơn sơ đó là một lý lẽ lay động về cuộc sống, rằng con người phải ý thức hơn về những gì mình đang có, về không gian mình đang sống và về cả ước mơ được nhen nhóm.

Với cái kết mở, hình ảnh cậu bé Jonas dù tiều tụy, đói rét vẫn nắm vững dây cương của chiếc xe trượt mà lao đi trong tuyết trắng với khát khao tìm đến nơi mà người ta ca tụng tình yêu thương, Lois Lowry khiến người đọc không khỏi trăn trở về định nghĩa “hoàn hảo” của cuộc sống. Thế giới bao giờ vẫn vậy, luôn đầy rẫy những cạm bẫy và khó khăn, nhưng ai bảo nó không hoàn hảo? Thực ra nó hoàn hảo ở ngay cả những góc cạnh còn khuyết thiếu. Sự khiếm khuyết sẽ khiến con người ta càng nỗ lực, chung tay để bù đắp lỗ hổng, yêu thương nhau hơn và trân quý hơn ý nghĩa của cuộc sống!

Nguyễn Hiền

(*) Đọc Người truyền ký ức – tác giả Lois Lowry – người dịch Nguyễn Quỳnh Trang, Nhà xuất bản Hội nhà văn và Nhã Nam phát hành.

;
;
.
.
.
.
.