.

Thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành

.

Nguyễn Phúc Lộc Thành

Sinh năm 1964 tại Hà Nội

Hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội

“Sứ mệnh của thơ là hướng đến cái đẹp, những giá trị chân - thiện - mỹ ở thơ như thứ phù sa âm thầm bồi đắp thiên lương, góp phần cải hóa xã hội”. Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành nghĩ về thơ như vậy. 108 bài thơ trong tập “Giấc mơ sông Thương” của anh miên man theo dòng chảy của con sông thi ca, miên man với dòng chảy của thơ lục bát.

Ai cũng có thể làm thơ lục bát, nhưng để có câu lục bát đúng là “thơ” và hay là rất khó. Nguyễn Phúc Lộc Thành đã mang đến cho thơ lục bát nhiều mới lạ. Tác giả có nhiều chiêu thức làm mới ngôn ngữ thi ca, sáng tạo về nhịp thơ và thanh điệu, làm cho câu thơ giàu tính nhạc. Hai bài thơ dưới đây chúng tôi xin giới thiệu giọng thơ lục bát lạ hóa, cách tân của Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Giấc mơ sông Thương 26

Mẹ già
nằm giữa cội cây
Mắt chiều đã rủ
xuống đầy nhân gian

Con buồm
no những điêu tàn
Chở theo nước mắt
non ngàn tiêu diêu

Mẹ về,
ràng rạc trời chiều
Hoang đàng dâu bể
bóng Kiều
lời ru...

Mẹ về
Sông khóc tầm vu
Hai dòng trong đục
chảy mù mù tôi

Mẹ tôi
gieo hạt bời bời
xuống đồng nước mắt
Tôi ngời ngời thơm

Khăn chiều
liệm phủ Lạng Thương
Lúa ngô quỳ lạy
trăm đường mẹ qua

Mẹ về
Dúm đất là nhà
Cổ khâu
làm áo tha ma ngút ngàn

Dòng Thương
nước mắt chan chan
Xức thơm ngà ngọc
mẹ quàn non xanh

Lá vàng
ngủ giấc cội cành
Trăm năm một kiếp
cầm canh xuống đời

Mẹ ơi
Giăng gió chết rồi
Hoàng hôn
           khóc đứng
                  khóc ngồi
                            triền sông...

Giấc mơ sông thương 33

Sông thương
khóc giấc phù trầm
Chiều chần chật
cựa trong mầm cỏ cây

Hoàng hôn
sóng sánh mi mày
Ngực đê
đập giấc vơi đầy của sông

Run run
đếm mảnh vỡ lòng
Đêm chờ em
Mắt chong chong chân về

Vạt trời
tay ngọc vân vê
Da non
ngủ giữa bốn bề nắng non

Em giam ngực tối khát mòn
Tôi cầm chum chúm
vòng ôm chật trời

Áo nhau
rách mất cả rồi
Tôi về
xin gối giấc đồi giai nhân

Mắt thơ
em khép nửa vần
Nửa vần
tôi với da trần
em đang
khỏa thân trên sóng địa đàng
Bờ Thương
                mà mượt
                   đôi hàng
                          lách lau...                                      

                                       N.P.L.T



 

;
;
.
.
.
.
.