Cầm trên tay tập truyện ngắn “Nữ sinh” của nhà văn Dazai Osamu, có thể hình dung đến hình ảnh người phụ nữ Nhật trong bộ áo kimono nhẹ nhàng toát lên khí chất nhu hòa, điềm đạm từ tính cách cho đến nét mặt và cử chỉ bên ngoài. Nhưng đi qua hết 9 câu chuyện, chợt nhận ra đằng sau sự dịu dàng ấy luôn ẩn chứa một góc khuất với những nỗi niềm riêng tư rất phụ nữ và rất đời.
Từng trang viết trong tập truyện “Nữ sinh” không chỉ là những câu chữ chắt chiu, gạn lọc của ngôn từ, cũng không hẳn là câu chuyện đời về một nhân vật nào đó. Mà mỗi câu chuyện là một lát cắt có chiều sâu, như cái cách người làm điện ảnh trong khoảnh khắc vài giây với hình ảnh đặc tả đắt giá để làm nổi bật lên góc khuất của chiều sâu tâm hồn. Bởi vậy, đọc “Nữ sinh” phải thật chậm để ngấm và hiểu.
Tập truyện gồm 9 truyện ngắn, hầu hết là những câu chuyện rất đời thường, xoáy sâu vào diễn biến tâm lý người phụ nữ xứ sở hoa Anh Đào. Mỗi câu chuyện là mỗi nhân vật nữ khác nhau, đó là một cô nữ sinh 14 tuổi, hay một cô gái nuôi mộng văn chương, là hình ảnh người phụ nữ đã có chồng… Tất cả họ “lấp ló” trong thân phận người phụ nữ luôn ẩn chứa những nỗi buồn lẩn khuất.
Dazai đã dẫn dắt người đọc theo chân một cô nữ sinh 14 tuổi cùng trải qua một ngày từ lúc mở mắt thức dậy cho đến khi lên giường đi ngủ. Dù chỉ là một ngày rất đỗi bằng lặng với không gian bên ngoài nhưng có thể nhận thấy sự lẻ loi, cô độc của cô, bởi không còn cha bầu bạn, chị gái đi lấy chồng, còn người mẹ thì bận rộn với muôn vàn âu lo cuộc sống. Việc không ngừng tự gặm nhấm cái lẻ loi, cô độc đó đôi khi hóa thành cảm giác bị bỏ rơi: “Nỗi khổ đau của chúng tôi chẳng một ai hay biết cả”. Nỗi đơn độc dồn nén cứ lặng lẽ len vào, nới sâu rộng thêm khoảng cách còn lại giữa cô bé và người mẹ. Chỉ một ngày mà Dazai đã lột tả trọn vẹn những giằng xé nội tâm suốt cả chặng đường rất dài của tuổi thành niên của nhân vật chính. Nút thắt chỉ được mở khi mẹ cô bé ấy dành những giây phút rảnh rỗi hiếm hoi để cởi bỏ nỗi lòng cùng con. Hai mẹ con - hai người phụ nữ với hai nỗi niềm sâu thẳm đã tìm thấy được sự đồng cảm khi họ sẵn sàng sẻ chia cùng nhau.
Không nhốt mình trong không gian chật hẹp như nhân vật không tên tuổi 14 ấy, ở “Nữ sinh” người đọc bắt gặp hình ảnh của một cô gái nuôi mộng văn chương, cô viết chỉ đơn giản vì niềm yêu thích của riêng mình. Khi bất ngờ nhận được danh tiếng cho tác phẩm mà theo cô không có gì nổi trội, cô nỗ lực chối bỏ thì cả gia đình lẫn thầy giáo - mỗi người vì một lý do cá nhân, một lợi ích riêng đã ép cô phải viết tiếp. Văn chương trong sự thúc giục, ép buộc đã làm lụi tàn tài năng vừa chớm của một người đam mê thực thụ...
“Nữ sinh” không chỉ là sự giãi bày những u buồn của người thiếu nữ, mà Dazai Osamu còn kể lại số phận phụ nữ đã có gia đình. Nếu như các cô gái tuổi mới lớn đắm chìm trong suy nghĩ miên man vô tận thì những phụ nữ trưởng thành ngoài việc phải gánh trên vai gánh nặng áo cơm còn phải đơn độc chịu đựng nỗi buồn từ sự vô tâm của người bạn đời. Màu phản bội hay sự ngụy biện yếu hèn đều để lại trong lòng người phụ nữ nỗi buồn thăm thẳm, khó bật lên thành lời.
Cuộc sống, bên cạnh gánh nặng mưu sinh còn có một góc khác mà nếu thiếu nó thì chỉ còn là sự sống cơ học. Đó là trái tim, là tâm hồn, là tình yêu và sự rung động. Mỗi nhân vật trong “Nữ sinh” đều có những chọn lựa cuộc sống của riêng mình, đương nhiên sẽ có những chọn lựa đớn đau, u buồn, hoặc vui vẻ và hạnh phúc… tựu chung lại, những chọn lựa ấy đều thể hiện sự phản kháng lại số phận một cách âm thầm nhưng vô cùng mạnh mẽ. Dù mỗi câu chuyện trong “Nữ sinh” đều ẩn chứa một nỗi u sầu sâu thẳm, một sự dằng xé nội tâm, nhưng trước khi kết thúc, người đọc vẫn có thể cảm nhận được hơi ấm của tình người cùng những tia hy vọng đang thành hình.
Ai đã từng “mắc kẹt” trong ý nghĩ của riêng mình, trong cảm nhận tưởng chừng khó tìm thấy sự sẻ chia của người khác sẽ tìm thấy ở “Nữ sinh” sự đồng cảm? Đắm mình trong từng trang viết, người đọc sẽ thấy thấp thoáng bóng hình của mình ở đâu đó trong mỗi ý nghĩ trở trăn của nhân vật. Đọc, lắng lòng và thấy nỗi lòng của mình được xoa dịu, cảm thông và chia sẻ. Cũng từ đó, thấy trân quý hơn cuộc sống để đủ sức mạnh vượt qua những cảm xúc tiêu cực, hướng đến ngày mai. Hãy tin như cô bé 14 tuổi ấy từng tin: “Nếu bạn tin là nó sẽ đến, ngày mai hạnh phúc sẽ đến thì bạn sẽ ngủ ngon”.
Nguyễn Hiền
(*) Đọc Nữ sinh, Dazai Osamu, người dịch Hoàng Long. Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Phương Nam phát hành năm 2018.