.

Phía khác của mặt trời

.

Dáng người dong dỏng, da ngăm đen, tóc buộc lọn sau gáy, mang tông Lào, quần xắn ngang bắp chân, bàn chân với những ngón tõe ra như chân của một con gà trống... Là Nguyễn Văn Hè đó. Hè của đồng ruộng Phong Điền.

Một tác phẩm tranh sơn dầu trên toan của Nguyễn Văn Hè. Ảnh: N.H
Một tác phẩm tranh sơn dầu trên toan của Nguyễn Văn Hè. Ảnh: N.H

1. Số lần tôi thực sự nói chuyện với Hè chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi vốn không phải dân mê tranh, cũng chưa có bất kỳ sự tập trung nào về hội họa Thừa Thiên Huế đương đại. Nói cách khác, tôi hoàn toàn không hiểu biết gì về Hè cho đến một ngày tình cờ đi ngang con đường Lê Ngô Cát, ngôi nhà số 27 Café Hè - Make love, not war. Thế rồi tôi biết Hè sinh ra tại một vùng đất đã trải qua chiến tranh. Đó là Phong Điền, một hương thôn xa ngái với cố đô mà Hè đang nương nhờ ở lại. Hè nói về chiến tranh bằng góc nhìn của một hậu duệ tha thiết được sáng tạo dựa trên chất liệu về những ngày bom đạn đó. Bởi vậy, lần nào nói chuyện với Hè, tôi cũng có cảm giác chiến tranh và những tác phẩm lấy chất liệu từ chiến tranh phủ kín anh.

Hè thích chui nằm trong xó xỉnh của mình. Ở đó, anh có thể lụi hụi, loay hoay, nhìn ngắm, vuốt ve, xếp đặt đống phế liệu chiến tranh. Có những lúc vô tình chạy xe ngang con đường Phạm Ngũ Lão, tôi chỉ thấy Hè trong một chớp nhoáng, đúng lúc anh đang đăm chiêu nhìn những chiếc bình toong đựng nước được treo trên tiền sảnh của quán. Tư tưởng người nghệ sĩ mách bảo Hè rằng, nguồn nước được treo ở vị trí này cũng là một cách bài trí an hòa cho sự hanh thông thuận lợi của quán. Một lúc khác, khi thành phố đã lên đèn, tôi thấy Hè vẫn cặm cụi bên mấy thùng đạn hoen rỉ, két đặc bụi bám. Hè lau chùi chúng cẩn trọng, tỉ mỉ, và nói để dành cho khách ngồi. Với nhiều người, đó có thể chỉ là một đống hợp kim vô hồn. Nhưng với Hè, đó là cả một quá trình sưu tầm, chứng kiến và nếm trải những tàn dư mà nó để lại. Nó cho anh một câu chuyện, một cuộc đời, và một thân phận.

Thân phận ấy, thuộc về hội họa.

2. Hè không thuộc dạng “con nhà” hay có bất kỳ một dấu ấn gene di truyền nào về nghệ thuật. Hè là một đột biến. Anh vất vả từ nhỏ để mưu sinh và cũng bởi Hè thích được như vậy. 9 tuổi mới vào học lớp một, vì trường làng ít học sinh quá, giáo viên phải gom mấy năm mới đủ người học để mở lớp. Bài học vỡ lòng muộn, con đường đến với giảng đường đại học cũng muộn, Hè đã từng có những băn khoăn về đường đi của mình. Nhưng mà, chính sự đứt đoạn trong học hành và dấu tích bom đạn là chất xúc tác để Hè lưu nạp những ý nghĩ và tư tưởng về hội họa sau này.

Một vệt dài trong mỹ thuật của Hè lấy cảm hứng từ chiến tranh, với các chất liệu từ sơn mài, sơn dầu, acrylic đến nghệ thuật sắp đặt. Triển lãm nhóm Gió Lào năm 2017 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hè cho ra mắt bộ 3 tác phẩm sơn dầu Đất, Nước, Trở dạ - thể hiện những khía cạnh khuất lấp, diễn biến sau cuộc chiến nhưng lại bắt nguồn từ cuộc chiến.

Một loạt sắp đặt và trình diễn của Hè như Trò chơi, Vòng xoắn, Thảm trắng, Khoảng trắng, Thế trận... tái hiện những chấn thương nhức nhối, một hiện thực với bao cảnh hoang vu qua nhiều mảng tối và những chấm đỏ. Những vật thể phế liệu rỉ sét, đường vân kim loại nhòe vào nhau, nét này thâm nhập nét kia gây nhiều ảo ảnh, một sự thẩm thấu giữa hiện tại và quá khứ… Việc sắp đặt như một lối “đọc sâu” (close reading) về chiến tranh của Hè minh chứng nghệ thuật sắp đặt hoàn toàn không phải là một sự hư cấu. Nó là một hiện thực khác.

Bản năng của Nguyễn Văn Hè chính là sự trở về những thửa đất đã tạo nên huyền thoại chiến trường quê hương. Vục mặt xuống dòng sông, uống một ngụm nước ngầm, hít một hơi thật sâu từ sớm mai đồi núi, hiểu ra mình như một người ở phố nhớ rừng. Hè là thế! Là Hè với dáng người dong dỏng, da ngăm đen, tóc buộc lọn sau gáy, mang tông Lào, quần xắn ngang bắp chân, bàn chân với những ngón tõe ra như chân của một con gà trống...

Hè Army res (14 Phạm Ngũ Lão, thành phố Huế), giống như một bảo tàng chiến tranh thu nhỏ, có khả năng động đậy mọi giác quan của người xem. Để có được những vật dụng trưng bày tại đây, Hè đã mất hơn 20 năm sưu tầm và góp nhặt. Đã từng có nhiều người hỏi mua những phế liệu chiến tranh này với giá rất cao nhưng Hè chưa từng muốn bán. Đạn dược, súng pháo, đèn manchon, quân nhu... hiện lên như những đường nét chân thực của mỹ thuật chiến tranh phương Đông, trên khu phố đông đúc và ồn ào nhất Huế.

NGUYÊN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.
.
  • Dấn thân & trách nhiệm
    Mới hồi nào chập chững vào nghề mà giờ đã gần hai mươi năm. Trong suốt thời gian gắn bó với nghề báo, tôi rong ruổi khắp các nẻo đường. Mỗi chuyến đi là mỗi kỷ niệm đong đầy, vui, buồn, thậm chí cả vất vả, nguy hiểm. Mỗi một nhân vật là một số phận hiện diện trên từng bài viết. Họ là người lao động nghèo chờ đợi hàng chục năm để được phép xây nhà trên chính mảnh đất của mình hay những bệnh nhân cần được bảo đảm điều kiện khám chữa bệnh...
    .
  • Chiều bên sông
  • Hạnh ngộ mùa xuân
.

Đọc nhiều

.
.