Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố góp ý hai dự thảo luật quan trọng

.

ĐNO - Chiều 24-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng thảo luận ở tổ số 11 cùng đại biểu các tỉnh: Tuyên Quang, Tây Ninh, Sơn La.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường phát biểu thảo luận. Ảnh V.H
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường phát biểu thảo luận. Ảnh V.H

Thảo luận dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đại biểu Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố tán thành việc sửa đổi của luật. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, phải xác định khái niệm để quy định diện quản lý đối với vũ khí. Trong khái niệm vũ khí còn mang tính chất mơ hồ, dễ gây hiểu nhầm, kể cả vũ khí thô sơ.

Đặc tính của người dân Việt Nam là sản xuất nông nghiệp nên nhiều công cụ, dụng cụ phục vụ cho mục đích sản xuất, sinh hoạt hàng ngày đều gắn với những công cụ có nguy cơ gây sát thương. Điều này tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Vì vậy, quy định khái niệm “vũ khí là thiết bị phương tiện có thể sản xuất, lắp ráp, có khả năng gây sát thương nguy hại cho tính mạng, sức khỏe người...” chưa thực sự sát, đúng, đồng thời sẽ dẫn đến tùy nghi trong công tác quản lý, sử dụng và sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Nếu quy định như vậy sẽ dẫn đến vi phạm các khoản trong Điều 5 về những điều cấm, chính là vấn đề sản xuất. Nhiều lò rèn, nhiều cơ sở của người dân sản xuất công cụ sản xuất như dao, rựa, kéo... sinh hoạt hàng ngày, liệu các cơ sở này có vi phạm hay không. Cạnh đó, các tiểu thương mua bán hàng thịt trong chợ thường xuyên mang dao để cắt, chặt thì liệu có vi phạm.

Cơ quan soạn thảo nên rà soát, cân nhắc, tính toán kỹ về việc đưa khái niệm và những quy định mang tính chất công cụ của người dân sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày vào quy định trong danh mục loại hình vũ khí cần phải quản lý.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, đại biểu Trần Đình Chung, Thiếu tướng, Phó cục trưởng Cục an ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của luật hiện hành.

Về bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định của Luật Cảnh vệ (khoản 3, Điều 1), đại biểu Chung nhất trí sự cần thiết bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết để kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra, hoặc theo đề nghị của các ban, bộ,  ngành, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam...

Về bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ (khoản 12 Điều 1), theo đại biểu Chung, việc bổ sung quy định cho phép thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài là cần thiết và phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ.

Đại biểu Trần Đình Chung phát biểu thảo luận. Ảnh: V.H
Đại biểu Trần Đình Chung phát biểu thảo luận. Ảnh: V.H

Việc giao Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh quân đội quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài bảo đảm tính chủ động, kịp thời trong thực hiện công tác cảnh vệ; nhiệm vụ trên đã và đang được lực lượng Cảnh vệ phối hợp với các cơ quan chủ trì chuyến công tác triển khai trên thực tế bảo đảm phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ.

Hoạt động của lực lượng cảnh vệ mang tính chuyên môn, nghiệp vụ sâu, đặc thù cao, bảo đảm an ninh an toàn cho đối tượng cảnh vệ là mục tiêu cao nhất. Do đó, Quốc hội cần sớm thông qua dự thảo Luật  và Chính phủ quan tâm đầu tư về chế độ, chính sách, phương tiện, cơ sở vật chất, kinh phí cho lực lượng cảnh vệ.

NGỌC PHÚ - VŨ HƯNG

;
;
.
.
.
.
.
.