Đi đâu cũng không bằng nhà mình

Giờ thì không còn nhận ra Đà Nẵng từng cũ kỹ nữa, chỉ thấy thành phố rực rỡ và lộng lẫy. Đi du lịch hay chơi đâu xa, vợ chồng tôi đều nói: “Đi đâu cũng không bằng nhà mình, Đà Nẵng”.

Ảnh: LÊ HOÀNG NAM
Ảnh: LÊ HOÀNG NAM

1. Năm 2004, lần đầu tiên tôi đặt mục tiêu cho đời mình là tới Đà Nẵng để làm thầy giáo. Tôi thi vào ngành sư phạm và mơ ước được đứng trên bục giảng gõ đầu trẻ về lịch sử (lịch sử dân tộc và lịch sử văn minh thế giới).

Bước chân xuống ga Đà Nẵng giữa mùa tuyển sinh nhộn nhịp, ấn tượng đập vào mắt tôi là màu áo xanh của sinh viên tình nguyện. Khi tôi còn lớ ngớ đứng giữa sân ga, chưa định hình được sẽ đi hướng nào để về phòng trọ của ông anh cùng quê, một sinh viên tình nguyện lại gần bắt chuyện với tôi.

Anh sinh viên mang hành lý của tôi ra xe máy đang đậu sẵn trước sân ga. Sự sốt sắng, nhanh nhẹn của anh ấy làm tôi… sợ điếng người, nghĩ cú này chí ít cũng bị lừa tiền. Mẹ đã dặn lên thành phố đất lạ người đông phải hết sức tỉnh táo, tránh bị người ta gạt, vậy mà tôi không ngờ mình bị “lừa” nhanh đến thế. Ngồi trên xe, lòng như lửa đốt, tôi cố gắng nghĩ kế phòng thân...

Xe chạy bon bon từ đường Hải Phòng qua Lê Duẩn, vù qua cầu Sông Hàn, tôi cứ lo… bị chở đi luôn là khỏi thi với cử. Xe dừng lại trước dãy phòng trọ nóng như rang trong kiệt trên đường Phan Tứ, gần Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng). Ông anh đồng hương ra đón tôi rồi nói gì đó với anh sinh viên tình nguyện. Đối với tôi, giọng người Đà Nẵng với Quảng Nam rất khó nghe nên tôi chẳng nghe họ chuyện trò điều gì. Tôi cảm ơn anh sinh viên tình nguyện rồi bước vào phòng trọ thì mới thở phào vì mình vẫn bình an. Lại nghĩ xấu cho người tốt, tôi tự lẩm bẩm như thế.

Phòng trọ nằm gần rìa sông còn nhiều nhà chòi trên cát trắng, xung quanh là cây trứng cá. Trời nóng kinh khủng, nhà cửa ở khu vực này lụp xụp, chỉ thấy toàn cát và cát. Lúc đó, cầu Sông Hàn mới được đưa vào sử dụng mấy năm. Cả thành phố dường như chỉ mỗi dưới chân cầu Sông Hàn là sôi động. Trời nóng quá, nên cứ đến tối, người dân lại kéo nhau ra uống vài chai bia với cá đuối nướng, chíp chíp.
Thi cử chả đâu vào đâu, giấc mơ làm thầy giáo của tôi đành khép lại. Năm sau, tôi thi ở Huế, đậu vào khoa Báo chí.

Sau khi tốt nghiệp, tôi làm việc tại một số nơi để thử sức và cũng để thỏa chí tang bồng, nhưng rồi mảnh đất Đà Nẵng vẫn luôn hấp dẫn tôi đến lạ. Tôi quyết định dừng chân ở Đà Nẵng, chọn thành phố này là nơi sinh sống và lập nghiệp.

2. Sức bật của Đà Nẵng thật mạnh mẽ. Chỉ trong vài năm, thành phố đã thay da đổi thịt. Nếu hiểu về căn nguyên của sự đổi thay nhanh chóng này, sẽ hiểu chặng đường phát triển của thành phố đã được “kích hoạt” bởi tư duy của những người lãnh đạo luôn đòi hỏi cái mới và sự bứt phá. Nhưng hơn hết, tôi thấy được sự đồng thuận của người dân đối với các chủ trương, chính sách của chính quyền thành phố. Những khu nhà chồ sát bờ đông sông Hàn nay đã không còn nữa, phố mới mọc lên và ngày càng khang trang, hiện đại. 100.000 người dân đồng thuận cùng thành phố trong cuộc “đại phẫu thuật” đô thị là câu chuyện chỉ Đà Nẵng mới viết nên được. Đà Nẵng trở thành tâm điểm của Việt Nam trong rất nhiều câu chuyện về sự phát triển.

Ảnh: LÊ HOÀNG NAM
Ảnh: LÊ HOÀNG NAM

Vùng đất Đà Nẵng lạ lắm bởi thành phố quy tụ người khắp nơi tới sinh sống. Điều lạ là ai đã chọn Đà Nẵng là nhà thì dường như chẳng muốn rời xa mái nhà của mình. Với tôi cũng vậy. Tình đất - tình người đã thấm vào tôi từ lúc nào chẳng hay. Chỉ biết rằng, tôi đã nao lòng vì tình người hào sảng nơi đây. Tôi kể với bạn bè ở các nơi rằng, “người Đà Nẵng mình” chân chất rặt miền Trung. Ừ, phải thôi! Cái chân chất ấy là sự dễ mến, thân thiện; cái chân chất ấy là sự tốt bụng, hào hiệp.

Trong mấy đợt Covid-19 bùng phát, nơi này phong tỏa, nơi kia cách ly, người Đà Nẵng tựa vai nhau chống dịch, chia sớt từng hộp cơm, chai nước, chiếc khẩu trang, chai nước sát khuẩn, có tiền góp tiền, có sức góp sức… Lúc phải căng mình ứng phó với dịch bệnh, Đà Nẵng vẫn chi viện sinh phẩm xét nghiệm, tiền bạc và cử cả lực lượng y tế đến các địa phương đang gặp khó khăn hơn để cùng chống dịch. Tất cả vì nghĩa đồng bào, như lãnh đạo Đà Nẵng đã khẳng định “Trong cơn hoạn nạn, nghĩa đồng bào, tình người cao quý hơn bất cứ vật chất nào”.

3. Giờ thì không còn nhận ra Đà Nẵng từng cũ kỹ nữa, chỉ thấy thành phố rực rỡ và lộng lẫy, chỉ thấy thành phố thật ấm áp và nghĩa tình! Tôi mang ơn mảnh đất này và thật tự hào vì mình là một công dân của thành phố.

Tôi tin rằng, những người dân từ địa phương khác chọn Đà Nẵng là nhà thì con cái của họ khi lớn lên cũng định hình tính cách người Đà Nẵng từ giọng nói tới khí chất. Đà Nẵng trở thành NHÀ và để lại cảm giác nhớ khôn nguôi mỗi khi đi xa. Đi du lịch hay chơi đâu xa, vợ chồng tôi cũng nói: “Đi đâu cũng không bằng nhà mình, Đà Nẵng”.

HOÀI AN

 

;
;
.
.
.
.