THÍ ĐIỂM THỰC HIỆN MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ TẠI ĐÀ NẴNG:

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền

.

Sáng 15-10, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý kiến xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng.

Công dân giao dịch thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính thành phố. (Ảnh chụp ngày 29-9)Ảnh: LAM PHƯƠNG
Công dân giao dịch thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính thành phố. (Ảnh chụp ngày 29-9). Ảnh: LAM PHƯƠNG

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, ngày 19-6-2020, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Nghị quyết 119 của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của thành phố trong giai đoạn đến. Vì vậy, để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống và có ý nghĩa thiết thực đối với thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo đóng góp ý kiến, tạo sự đồng thuận, ủng hộ thành phố Đà Nẵng và Bộ Nội vụ trong việc soạn thảo nghị định của Chính phủ về việc hướng dẫn thực hiện các nội dung, quy định tại Nghị quyết 119 của Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, dự thảo nghị định do Bộ Nội vụ soạn thảo đẩy mạnh phân cấp và ủy quyền đối với UBND quận, phường nhưng vẫn phải bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất của chính quyền thành phố Đà Nẵng. UBND quận, phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng, không còn chế độ tập thể lãnh đạo như khi tổ chức một cấp chính quyền gồm HĐND, UBND như hiện nay.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường không còn là cán bộ mà là công chức, được tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, quản lý theo quy định của pháp luật về công chức.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Bộ Nội vụ Phan Văn Hùng thông tin về những điểm cơ bản của dự thảo nghị định. Theo đó, Điều 4 quy định, UBND quận gồm 8 cơ quan chuyên môn. Chủ tịch UBND quận là công chức lãnh đạo, quản lý và là người đứng đầu quận. Số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận không quá 16 người. Dự thảo nghị định quy định biên chế công chức phường không quá 12 người. Căn cứ đặc điểm và tình hình thực tiễn cụ thể của từng quận và từng phường, UBND thành phố trình HĐND cùng cấp quyết định số lượng biên chế công chức làm việc tại từng UBND phường.

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng phát biểu tại hội thảo. 		Ảnh: T.H
Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.H

Băn khoăn về quy định “cứng” số phòng chuyên môn và cấp phó

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cơ bản đồng tình, thống nhất với bố cục, nội dung dự thảo, tuy nhiên một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi, phù hợp với thực tiễn quản lý, cũng như khó khăn, vướng mắc khi triển khai áp dụng trên thực tế.

Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Võ Ngọc Đồng cho biết, hiện 45 phường trên địa bàn có 127 chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường. Nếu thực hiện xét chuyển thành công chức quận thì căn cứ theo tiêu chuẩn công chức hành chính ngạch chuyên viên và bổ nhiệm công chức lãnh đạo phường thì có ít nhất 47 người cần phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên, 19 người phải bổ sung chứng chỉ trình độ ngoại ngữ... và những yêu cầu khác để tuyển dụng thành công chức hành chính.

Do đó, Bộ Nội vụ nghiên cứu cần có lộ trình để giải quyết vấn đề này. “Việc chuyển cán bộ, công chức phường thành biên chế công chức quận sẽ tạo ra nhiều khó khăn khi sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức về sau”, ông Đồng nói.

Đại diện phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu), phường Chính Gián (quận Thanh Khê), phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) cho rằng, quy định của dự thảo nghị định về số lượng công chức làm việc tại mỗi UBND phường có không quá 12 người là chưa phù hợp, sẽ tạo khó khăn cho các phường khi thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, UBND các phường đều kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu điều chỉnh dự thảo nghị định về số lượng công chức làm việc tại mỗi UBND phường tối đa 15 người (đối với phường loại 1) và tối đa 13 người (đối với phường loại 2), bao gồm cả công chức được điều động, luân chuyển.

Về vấn đề này, ông Võ Ngọc Đồng cho biết, dự thảo không nhận được sự đồng thuận của 45 phường thực hiện thí điểm. Ông Đồng đề nghị Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương giao biên chế cho thành phố bằng số lượng cán bộ, công chức của 45 phường hiện nay, tương ứng 315 biên chế cán bộ cấp phường và 659 biên chế công chức cấp phường; đồng thời không quy định “cứng” 8 phòng chuyên môn thuộc UBND quận khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Theo Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Đăng Huy, nếu áp dụng từ 12 phòng, ban nhập lại còn 8 phòng, trong đó nhiều phòng, ban chức năng, nhiệm vụ khác nhau, khi gộp 3 phòng lại thành một phòng, việc điều hành sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, dự thảo quy định quận có 16 cấp phó, trung bình mỗi phòng 2 cấp phó dẫn đến khó khăn trong công tác điều hành.

Tương tự, quận Hải Châu, quận Cẩm Lệ đề nghị giữ nguyên số lượng các phòng, ban như cũ và nên giao các địa phương chủ động sắp xếp cho phù hợp. Đồng thời, số lượng cấp phó cũng không nên giảm về 16 người, bởi so với trước đây 26 người là giảm đến 8 cấp phó, rất khó cho các quận.

Kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đánh giá cao các ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm và rõ ràng của các đại biểu, giúp Bộ Nội vụ và thành phố Đà Nẵng thuận lợi trong việc hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ. Liên quan đến các kiến nghị về việc sáp nhập các phòng chuyên môn giúp việc của UBND cấp quận xuống còn 8 phòng khi thực hiện chính quyền đô thị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến, đề xuất của các địa phương của Đà Nẵng để làm sao bảo đảm được các phòng chuyên môn giúp việc cho UBND quận phù hợp với từng địa phương ở Đà Nẵng.

Đối với các kiến nghị của UBND các phường về quy định cán bộ làm việc, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết sẽ nghiên cứu trao đổi với Bộ phận Thường trực của Ban soạn thảo nghị định cho phù hợp; đồng thời đề nghị Đà Nẵng không nên bố trí cán bộ theo quy định phường loại 1 hay loại 2, mà cần phải bố trí cán bộ cho phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.