Mỹ-Trung 'đấu' 5G, công ty Thụy Điển 'ngư ông đắc lợi'

.

Trong lúc Mỹ gây căng thẳng với công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, Huawei – vốn là người chơi chính trên thị trường 5G, một công ty Thụy Điển đang lặng lẽ chớp thời cơ.

Ericsson đang tận dụng cơ hội mở rộng thị trường cung cấp thiết bị 5G trên khắp thế giới. Ảnh: Ericsson.com
Ericsson đang tận dụng cơ hội mở rộng thị trường cung cấp thiết bị 5G trên khắp thế giới. Ảnh: Ericsson.com

Công ty Ericsson, có trụ sở tại Stockholm (Thụy Điển), đang xúc tiến các hợp đồng 5G trên khắp thế giới trong khi tránh xa sự chú ý khỏi cuộc tranh cãi căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc.

Cơ hội vàng khi Huawei bị Mỹ làm khó

Theo tạp chí Newsweek, giới chuyên gia cho rằng Ericsson mới là người hưởng lợi từ quan điểm cứng rắn của chính phủ Mỹ đối với Huawei – cái tên đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại, và bị giới chính trị gia ở Washington coi là một nguy cơ với an ninh quốc gia.

"Ericsson đã cẩn thận đặt mình vào một vị trí thuận lợi trong bối cảnh các môi trường chính trị rộng lớn khác biệt", Xiaomeng Lu, Giám đốc Chính sách cao cấp tại công ty tư vấn Access Partnership nói. "Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Thụy Điển đã nổi lên như một người chiến thắng rõ ràng trong cuộc đụng độ địa chính trị này."

"Những nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn Huawei khỏi một trong những thị trường viễn thông lớn nhất thế giới đã thúc đẩy hiệu quả các cơ hội cho Ericsson. Họ được coi là một nhà cung cấp đáng tin cậy cho những lựa chọn thay thế có chất lượng”, ông Xiaomeng Lu nói thêm.

Công nghệ 5G, thế hệ tiếp theo của mạng 4G, sẽ cho phép tốc độ mạng nhanh hơn nhiều, giảm độ trễ, và hứa hẹn cho phép tải xuống một bộ phim HD chỉ trong vài giây cũng như mở ra nhiều ứng dụng trong công nghệ xe tự lái, robot... 5G hiện được thử nghiệm ở nhiều thành phố trên thế giới, tuy nhiên cơ sở hạ tầng vẫn đang được xây dựng và cơ bản còn trong giai đoạn trứng nước.

Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ sử dụng các công nghệ nước ngoài gây đe dọa tới an ninh quốc gia, trong đó có sản phẩm của Huawei. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ sử dụng các công nghệ nước ngoài gây đe dọa tới an ninh quốc gia, trong đó có sản phẩm của Huawei. Ảnh: AP

Trong khi đó, sự phát triển 5G đã nở rộ ở Trung Quốc và giới chức nước này gần đây tuyên bố Trung Quốc đang thực hiện mục tiêu xây dựng 500.000 trạm 5G mới cho đến cuối năm nay bất chấp giai đoạn gián đoạn do đại dịch COVID-19.

Huawei là một trong những công ty Trung Quốc dẫn đầu về triển khai mạng 5G. Gây đây họ đã giới thiệu một bộ chipset (nhóm mạch tích hợp) mới, có tên Kirin 900, sẽ cung cấp năng lượng cho bộ thiết bị hỗ trợ 5G. Những công nghệ như vậy sẽ phải trở nên phổ biến trước khi các mạng 5G trở thành hiện thực trên toàn thế giới. Tuy nhiên hoạt động kinh doanh của Huawei đã bị ảnh hưởng lớn sau khi Mỹ áp đặt các hạn chế nhằm ngăn cản các nhà sản xuất nước ngoài cung cấp chip cho Huawei.

Tại Mỹ, giới chức nước này cảnh báo việc để Huawei vận hành mạng 5G có thể gây nguy hiểm cho cơ sở hạ tầng truyền thông. Bộ trưởng Tư pháp William Barr cho biết sự thống trị 5G của Trung Quốc sẽ khiến tương lai kinh tế Mỹ "lâm nguy" – tờ New York Times đưa tin. Ông Barr lưu ý hai công ty Trung Quốc gồm Huawei và ZTE chiếm tới 40% thị trường cơ sở hạ tầng 5G.

Giữa những căng thẳng đó, Ericsson đang lặng lẽ và tích cực mở rộng.

Do hạn chế của Mỹ, Huawei đang gặp khó trong tiếp cận nguồn cung cấp mạch tích hợp (chip), cần thiết cho thiết bị 5G.
Do hạn chế của Mỹ, Huawei đang gặp khó trong tiếp cận nguồn cung cấp mạch tích hợp (chip), cần thiết cho thiết bị 5G.

"Ngư ông đắc lợi"

Tới nay, công ty Thụy Điển tự hào có 36 mạng 5G tại 21 quốc gia, với trên 90 hợp đồng thương mại, bao gồm cả với các nhà mạng khổng lồ như AT&T, Sprint và Verizon. Các hợp đồng được triển khai ở nhiều khu vực từ châu Âu, Trung Đông cho đến châu Phi và châu Á.

"Thủ thuật" của Ericsson là khả năng chào hàng với các công ty những cách thức để “tiến hóa” các hệ thống của họ từ 4G lên 5G bằng cách sử dụng phần mềm “chia sẻ phổ” và phần cứng vô tuyến hỗ trợ 5G, cho phép các nhà mạng khai thác các phổ tần số ngay khi sẵn sàng. Về cơ bản, Ericsson cung cấp cho khách hàng một nền tàng “tất cả trong một” để dễ dàng chuyển đổi sang 5G.

Sự tập trung vào mảng thiết bị mạng 5G dường như đã được đền đáp trên bản cân đối kế toán của hãng, với ước tính Ericsson sẽ tăng lợi nhuận trong quý 1-2020.

Công nghệ 5G đang được thử nghiệm ở nhiều lĩnh vực. Ảnh: Ericsson
Công nghệ 5G đang được thử nghiệm ở nhiều lĩnh vực. Ảnh: Ericsson

Tất nhiên Ericsson chỉ là một trong nhiều công ty hoạt động trên thị trường 5G, các đối thủ của họ còn bao gồm Cisco, Nokia và Qualcomm, mỗi công ty đều đẩy mạnh dịch vụ của mình. Nhìn rộng ra, giới chuyên gia cho biết các công ty đều hưởng lợi từ căng thẳng đang đặt lên Huawei. Chính Huawei tuần qua đã cáo buộc những hạn chế của Mỹ là hành động “bóp nghẹt” hoạt động kinh doanh của họ.

Nhưng ngay cả bên trong Trung Quốc, Huawei cũng không nắm giữ độc quyền. Và có vẻ như Ericsson cũng đã xâm nhập vào đó. Ngày 18-5, Ericsson cho biết hai tập đoàn China Telecom và China Unicom đã chọn họ làm nhà cung cấp mạng truy cập vô tuyến 5G.

"Tại Trung Quốc, Ericsson duy trì hồ sơ chính trị thấp và vẫn giành được hợp đồng 5G từ cả ba nhà khai thác viễn thông Trung Quốc, vì những người mua này không muốn bị đóng khung với các giải pháp chỉ của Huawei”, chuyên gia Lu nói với Newsweek.

Những cuộc xâm nhập công nghệ của Ericsson đang được thực hiện bất chấp mối quan hệ ngoại giao lạnh nhạt giữa Stockholm và Bắc Kinh, thậm chí đã căng thẳng trong những tháng gần đây liên quan đến vụ Quế Mẫn Hải, một chủ nhà xuất bản người Thụy Điển gốc Hoa, bị Bắc Kinh kết án 10 năm tù vì tội “cung cấp thông tin bất hợp pháp” cho nước ngoài.

Ông Kester Mann, Giám đốc tiêu dùng và kết nối  tại công ty nghiên cứu thị trường CCS Insight, nhận xét rằng các vấn đề khó khăn của Huawei đang mang đến cho Ericsson một “cơ hội rõ ràng”. “Công ty Thụy Điển từng trải qua những năm vinh quang, giờ coi 5G là cơ hội để lấy lại thị phần và thiết lập lại vị trí đi đầu trong cung cấp thiết bị mạng di động”.

Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) dự báo các kết nối 5G toàn cầu sẽ tăng từ khoảng 10 triệu vào năm 2019 lên 1,01 tỷ vào năm 2023. Họ nhấn mạnh rằng, mặc dù đã đi vào thử nghiệm, một số tính năng 5G vẫn phải mất từ 3-5 năm mới đạt được "quy mô thương mại".

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.