Đầu tháng 7, Công ty CP Đầu tư và Công nghệ B.A.P (quận Hải Châu) ra mắt SmartFashion - ứng dụng di động (app) đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào việc thử trang phục. Với ứng dụng này, người dùng có thể thấy được bản thân trong bộ trang phục yêu thích mà không cần phải vào phòng thử đồ, giúp việc mua sắm trở nên thuận tiện và nhanh chóng.
Đội ngũ kỹ sư dự án SmartFashion tại Công ty CP Đầu tư và Công nghệ B.A.P Đà Nẵng đang làm việc. (Ảnh chụp đầu tháng 7-2020) Ảnh: PHONG LAN |
Làm việc ở một công ty khá thoải mái về quy tắc trang phục, mỗi buổi sáng, chị Hoàng Ngọc Anh (SN 1993) thường “đau đầu” với câu hỏi: “Hôm nay mặc gì?”. Trang phục đi làm phải lịch sự và trẻ trung, cũng không nên lặp lại một bộ quá nhiều lần trong một tuần. Kể từ khi trở thành người dùng thử nghiệm của SmartFashion, chị tiết kiệm được kha khá thời gian chuẩn bị trang phục buổi sáng. “Mình chỉ cần chụp hình các món áo, quần... trong tủ rồi tải lên app, sau đó thử với chính hình ảnh của mình để xem có hợp không. App cũng đề xuất những cách phối đồ để mình tham khảo nữa”, chị Anh nói.
Ngoài các trang phục có sẵn của từng cá nhân, người dùng SmartFashion còn có thể chụp hình áo, quần, váy... ở các cửa hàng hay ở bất kỳ đâu để tải lên app. Hiện trong kho dữ liệu của ứng dụng này có khoảng 1.000 món trang phục. Trong quá trình thử đồ, SmartFashion còn hiện ra các gợi ý phối trang phục, giúp người dùng tự do kết hợp mọi món đồ trong “tủ quần áo” ảo của mình. Ứng dụng cũng giúp đánh giá một bộ trang phục là hợp mắt hay không dựa trên các quy tắc phối màu, phối chất liệu... Đặc biệt, SmartFashion còn áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, theo đó, app sẽ “học” dần các quy tắc thời trang, sở thích cá nhân của từng người dùng... để đưa ra những đề xuất ngày càng chính xác.
Anh Bùi Thế Vỹ, lập trình viên tại Công ty B.A.P, trưởng nhóm kỹ sư dự án SmartFashion cho biết, dự án được khởi động từ năm 2018 với khoảng 10 lập trình viên tại Đà Nẵng cùng đội ngũ chuyên trách marketing, bán hàng tại chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và đội ngũ phát triển web tại Huế. Anh cho biết, đây là giai đoạn B.A.P bắt đầu đẩy mạnh phát triển mảng sáng tạo phần mềm song song với mảng gia công truyền thống. “Bài toán thử đồ là một bài toán khá phổ biến ở nhiều thị trường thời trang trên toàn thế giới. Tuy vậy, ở Việt Nam chưa có đơn vị nào đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ để giải bài toán này. Chúng tôi bắt tay vào làm với kỳ vọng sẽ tạo ra được một công cụ công nghệ cao, thuần Việt và có tính toàn cầu hóa”, anh Vỹ chia sẻ.
Là người đi đầu tiên trong lĩnh vực này tại Việt Nam, thách thức lớn nhất đối với SmartFashion là phải tìm ra được hướng đi đúng. Anh Vỹ nói: “Giống như một bài toán có nhiều cách giải, chúng tôi phải chọn cách hợp nhất với mình, vừa phát triển sản phẩm, vừa phát triển đội ngũ nhân sự. Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, chắc chắn chỉ sau một thời gian sẽ có những đơn vị khác cung cấp các giải pháp tương tự. Vì vậy, chúng tôi vừa khai thác triệt để lợi thế của người đi đầu, vừa bảo vệ tối đa các sản phẩm trí tuệ của nhóm”.
Trong hơn 2 năm xây dựng ứng dụng, đội ngũ SmartFashion đã trải qua nhiều lần đi sai hướng và thất bại. Trong đó, đáng nhớ nhất là giai đoạn đầu tiên, khi nhóm chọn xây dựng app dựa trên một công nghệ khá cũ nên không được người dùng quan tâm. Sau khi chuyển qua ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, SmartFashion vẫn tiếp tục có nhiều lần đi lệch hướng. Anh Bùi Ngọc Huy Vân, lập trình viên tại Công ty B.A.P kể: “Cuối năm 2019 là thời điểm cả nhóm đang tập trung làm một thuật toán, song mình cảm giác sẽ không thành công.
Vì chỉ là cảm giác, chưa thể chứng minh ngay được, nên mình bèn trao đổi với trưởng nhóm để mình tự phát triển một thuật toán khác dự phòng. Sau đó, đúng là thuật toán mà nhóm đang làm không phù hợp, rất may lúc đó mình cũng đã làm xong thuật toán dự phòng rồi nên có thể nhanh chóng ráp vào để nhóm cùng làm tiếp”. Anh Vỹ chia sẻ: “Khi xây dựng một phần mềm mới, chắc chắn có những lúc sẽ đi lạc hướng. Song nếu biết rút kinh nghiệm thì những lần lạc hướng sau nhóm sẽ phục hồi nhanh hơn, ít thiệt hại hơn những lần đầu”.
Ngoài những thử thách về công nghệ và kỹ thuật, việc điều hành nhóm cũng là một thách thức đối với SmartFashion, bởi dự án có nhiều nhóm nhỏ rải rác ở Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Huế. Theo anh Vỹ, để giúp các nhóm phối hợp nhịp nhàng, cần xây dựng mục tiêu chung cho toàn đội ngũ, từ đó có mục tiêu riêng cho từng nhóm, từng người. Mỗi cá nhân trong đội ngũ giống như một bánh xe, chỉ khi tất cả các bánh thống nhất một hướng thì xe mới có thể di chuyển. Kinh nghiệm của anh Vỹ khi điều hành nhóm là phải tạo quy trình làm việc hợp lý, xây dựng môi trường giao tiếp cởi mở để giải quyết các vấn đề nhanh chóng.
Hiện SmartFashion đã được phát hành trên các nền tảng iOS và Android. Ứng dụng có 3 ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật. Trong thời gian này, SmartFashion đang hợp tác với một số cửa hàng thời trang ở Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng các phòng thử đồ ảo của từng cửa hàng. Trong đó, khách hàng có thể ướm thử trang phục và chọn mua ngay trên app. Từ nay đến cuối năm 2020, SmartFashion cũng sẽ tiến ra thị trường Singapore và các nước khác trên thế giới.
PHONG LAN