Sản phẩm khoa học và công nghệ phòng, chống Covid-19

.

Hiện nay, nhiều cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tích cực nghiên cứu và ứng dụng nhiều sản phẩm khoa học để góp phần phòng, chống Covid-19.

Robot “BK-AntiCovid” do nhóm giảng viên khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) chế tạo. (Ảnh chụp đầu tháng 7-2020) 			   Ảnh: XUÂN BÌNH
Robot “BK-AntiCovid” do nhóm giảng viên khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) chế tạo. (Ảnh chụp đầu tháng 7-2020) Ảnh: XUÂN BÌNH

Với mục tiêu phòng dịch cho cá nhân cũng chính là phòng dịch cho cộng đồng, các giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng tiếp tục chế tạo và hoàn thiện những sản phẩm khoa học đã nghiên cứu thành công trong đợt Covid-19 đầu năm, thầy Lê Tấn Thống, giảng viên khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cùng các sinh viên đã sản xuất máy rửa tay sát khuẩn tự động và thiết bị đo thân nhiệt từ xa sử dụng thuận tiện cách xa đến 4m. Sản phẩm này áp dụng tính năng sát khuẩn của tia UV (tia tử ngoại), chủ yếu dùng để tiêu diệt vi khuẩn trong thức ăn được nấu chín và nước sạch.

Thầy Thống cho biết, sau khi nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị này, đã có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đặt hàng để sử dụng sát khuẩn tại công ty. Tuy nhiên, mục đích cao nhất của thầy trò nhà trường qua việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm là mong muốn được chung tay cùng thành phố đẩy lùi Covid-19.

Cuối tháng 4, robot “BK-AntiCovid” do nhóm giảng viên khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) được chế tạo, chuyển giao và đưa vào thử nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Hiện nay, robot “BK-AntiCovid” đã có mặt tại Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng và Bệnh viện Đà Nẵng. Trong thời gian các bệnh viện bị phong tỏa và thiếu nhân viên y tế do tình hình dịch diễn biến phức tạp, robot “BK-AntiCovid” đã hỗ trợ rất hiệu quả trong quá trình vận chuyển nhu yếu phẩm cho các bệnh nhân bị nhiễm.

Robot này có nhiệm vụ vận chuyển thức ăn, nhu yếu phẩm; đồng thời có thể theo dõi, quan sát tình trạng đối tượng được cách ly từ xa, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh, nhờ đó bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm chéo SARS-CoV-2. Robot được điều khiển bằng tay với một nút điều chỉnh đa hướng, tốc độ di chuyển theo yêu cầu nên tương đối dễ dàng khi sử dụng, được thiết kế, chế tạo bằng thép không rỉ, cấu trúc tinh giản, hạn chế góc cạnh, dễ dàng phun thuốc khử trùng nhưng không thấm nước, có thể mang tải trọng 100kg. Robot còn được gắn thêm camera và loa để bác sĩ có thể quan sát tình trạng bệnh nhân.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp tập trung đầu tư tạo ra nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ mới phục vụ công tác phòng, chống dịch như: Công ty TNHH Châu Đà đầu tư nghiên cứu sản xuất dây chuyền khẩu trang; Công ty CP Vật tư y tế Danameco kết hợp với Trung tâm chiếu xạ Đà Nẵng (Vinagamma) hợp tác để nghiên cứu, chế tạo khẩu trang phòng nhiễm khuẩn chứa nano bạc; Công ty CP xét nghiệm gen và di truyền Thiện Nhân Đà Nẵng nghiên cứu cung cấp giải pháp xét nghiệm Covid-19 nhanh bằng phương pháp RT Lamp đặc hiệu kết hợp RT PCR cổ điển...

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, từ khi Covid-19 bùng phát tại nước ta, sở đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách đặt ra đối với đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ hiện nay là đầu tư nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm công nghệ mới, các trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, sở đã tích cực thúc đẩy, hỗ trợ và khuyến khích sự vào cuộc của các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp, các trường đại học trên địa bàn thành phố đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sáng tạo, tiếp thu các tiến bộ khoa học và công nghệ để cho ra đời nhiều sản phẩm có giá trị ứng dụng cao phục vụ thực tiễn chống Covid-19 trong tình hình mới hiện nay.

XUÂN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.