Vượt qua những thử thách như nhân sự chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa tiếp cận được nhiều nguồn vốn…, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng vẫn nỗ lực thực hiện công tác ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, xem đây là bản lề cho sự phát triển bền vững của Khu Công nghệ cao nói riêng và thành phố nói chung.
Đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng giới thiệu các chính sách hỗ trợ của thành phố cho startup. (Ảnh: Ban Quản lý cung cấp) |
Giữa năm 2019, Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu Công nghệ cao thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (gọi tắt là Ban quản lý) được UBND thành phố giao bổ sung nhiệm vụ ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn phát triển nhân lực công nghệ cao với mục tiêu thúc đẩy phát triển khoa học - kỹ thuật, tạo động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững cho thành phố và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, dù công tác ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao còn khá mới và gặp nhiều thách thức nhưng thời gian qua, Ban quản lý và Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu Công nghệ cao đã rất nỗ lực, đầu tư nghiêm túc cho việc nghiên cứu, thăm quan học tập kinh nghiệm các đơn vị ươm tạo doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội; làm việc và ký kết hợp tác với các trường đại học trên địa bàn thành phố (Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm, Đại học Duy Tân, Đại học Sư phạm Kỹ thuật…) và ký kết liên minh hợp tác với các tổ chức ươm tạo khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Ban quản lý đã mở rộng mạng lưới quan hệ với các chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm của công nghiệp 4.0, xem đây là kênh tương tác quan trọng để thu hút nguồn nhân lực, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp - sáng tạo.
Trong năm 2020, Ban quản lý đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các trường đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước như Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học quốc gia Hanbat (Hàn Quốc), Trường Đại học Nice Sophia Antipolis (Pháp), Công ty Ai20X Silicon Valley (Mỹ)… Khu Công nghệ cao đã tham gia Hiệp hội Công viên khoa học châu Á (ASPA) nhằm giao lưu, trao đổi, hợp tác về đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Theo các chuyên gia, đối với các startup, hạ tầng đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài hạ tầng mềm (hỗ trợ đào tạo, pháp lý, kết nối với các nguồn lực như quỹ đầu tư, chuyên gia…); hạ tầng còn đặc biệt cần thiết đối với các dự án liên quan đến sản xuất. Ông Trần Văn Tỵ, Phó ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho hay, đến nay Khu Công nghệ cao đã đầu tư hoàn thiện khu ươm tạo doanh nghiệp gồm 2 tầng với tổng diện tích sàn hơn 2.000m2. Cùng với đó là khu nhà xưởng 2.000m2 được hoàn thiện với cơ sở vật chất đầy đủ phục vụ hoạt động ươm tạo. Hiện nơi đây đã thu hút được 3 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gồm: “Thiết bị khám xe thông minh Micas”, “Phát triển mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và tạo sản phẩm giá trị gia tăng từ sinh khối tảo xoắn Spirulina tại Đà Nẵng” và “Nông nghiệp thông minh”; đồng thời đang tuyển thêm các dự án mới.
Ông Lê Quang Việt, Trưởng phòng Ươm tạo, đào tạo và môi trường, Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu Công nghệ cao cho rằng, một trong những khó khăn của việc ươm tạo khởi nghiệp là chưa có nhiều kinh nghiệm, do đó, việc tiếp cận, học tập và trao đổi từ các đơn vị có chức năng tương tự trong và ngoài nước là rất cần thiết.
Bước đầu trong công việc ươm tạo tại Khu Công nghệ cao chủ yếu hỗ trợ không gian làm việc, thủ tục đăng ký doanh nghiệp khoa học công nghệ, thủ tục tiếp cận nguồn kinh phí ươm tạo khởi nghiệp của Sở Khoa học và Công nghệ, tiếp cận các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp. Ngoài ra, việc tiếp cận các nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước và từ các quỹ đầu tư còn mất khá nhiều thời gian, gặp nhiều khó khăn.
Để có những bước đi vững chắc trong tương lai, Khu Công nghệ cao sẽ hoàn thiện quy trình ươm tạo, khung chương trình ươm tạo của từng năm nhằm chuẩn hóa và hiệu quả, phù hợp với nguồn lực hiện có. Bên cạnh đó, tăng cường kết nối, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, tổ chức đại diện doanh nghiệp, trường đại học và các chuyên gia để được hỗ trợ pháp lý, kiến thức chuyên môn, cơ sở vật chất, hạ tầng.
Ban quản lý cũng sẽ tiếp tục chú trọng công tác đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý ươm tạo dự án, doanh nghiệp. Đồng thời, tìm kiếm, đa dạng hóa kênh huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp các doanh nghiệp huy động vốn trực tiếp từ xã hội, tháo gỡ khó khăn về vốn phát triển sản xuất kinh doanh; chú trọng thu hút các nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao ở giai đoạn đầu phát triển ở Việt Nam.
PHONG LAN