Các chính sách hỗ trợ, đồng hành, nhất là việc tổ chức cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ hằng năm do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đã góp phần thúc đẩy phong trào đổi mới công nghệ, phát huy hiệu quả sản xuất, giúp doanh nghiệp khẳng định và nâng cao vị thế phát triển của mình.
Đại diện nhóm tác giả Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng nhận giải Ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2019, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tháng 10-2020. Ảnh: HOÀI NAM |
Điểm sáng ứng dụng khoa học và công nghệ
Trong những năm gần đây, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (Tổng Công ty Điện lực miền Trung) được biết đến là đơn vị dẫn đầu về số lượng và chất lượng các công trình đạt giải Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam. Không chỉ trên nghiên cứu, các công trình đạt giải còn được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, giai đoạn 2011-2020, có 18 đề tài nghiên cứu khoa học và gần 350 sáng kiến được công nhận cấp công ty, 13 sáng kiến cấp Tổng Công ty Điện lực miền Trung và 2 sáng kiến cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam với tổng giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng.
Nét nổi bật của việc nghiên cứu, sáng tạo tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng là những đề tài được các kỹ sư đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực cho đơn vị. Trong đó, thành quả dễ thấy nhất là từ các đề tài nghiên cứu đã góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, bảo đảm nguồn điện an toàn, liên tục, hiệu quả, phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Tham gia Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam từ năm 2015, đến nay Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng có 9 công trình đạt giải với 1 giải Nhì, 6 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Trong đó, điển hình là từ các công trình nghiên cứu “Ứng dụng lý thuyết thống kê và hệ thống đo xa trong xây dựng biểu đồ phụ tải tại Công ty Điện lực Đà Nẵng”, “Công cụ hỗ trợ quản lý kỹ thuật và độ tin cậy cung cấp điện từ hệ thống đo xa”, “Phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa”...
Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đã mạnh dạn triển khai, thử nghiệm thành công công nghệ tự động hóa lưới điện phân phối DAS trên lưới điện Đà Nẵng và nhân rộng tại 39 xuất tuyến vào cuối năm 2020, tiến đến mục tiêu hoàn thành tự động hóa lưới phân phối trong năm 2021.
Với việc triển khai này, khi có sự cố xảy ra trên lưới điện thành phố, hệ thống tự động hóa sẽ được kích hoạt và hoạt động tự động mà không cần sự can thiệp của nhân viên vận hành. Các khách hàng khu vực ảnh hưởng bởi sự cố sẽ chỉ bị mất điện trong thời gian hệ thống tự động hóa hoạt động (11-22 giây), giảm rất nhiều so với khi chưa triển khai hệ thống (30-45 phút).
Với thành công này, Điện lực Đà Nẵng đánh dấu bước tiến quan trọng trong ứng dụng công nghệ mới vào lưới điện, phát triển lưới điện thông minh thành phố. Công trình được triển khai áp dụng thành công, đưa Điện lực Đà Nẵng trở thành đơn vị đầu tiên của cả nước sử dụng hệ thống này vào hoạt động ở chế độ hoàn toàn tự động.
Ông Lê Hồng Cương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho biết: “Để có được nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, công ty tạo môi trường thuận lợi để các tập thể, cá nhân phát huy năng lực, sở trường, sức sáng tạo, các ý tưởng mới. Từ đó, nhiều sáng kiến, nghiên cứu nổi bật ra đời góp phần đưa phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật tại đơn vị phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào công tác sản xuất - kinh doanh, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao”.
Ông Cương cũng cho rằng, những nghiên cứu, ứng dụng KH&CN do các lãnh đạo, nhân viên công ty thực hiện luôn bám sát chủ trương của thành phố và không nằm ngoài mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ điện với nhiều tiện ích đáp ứng đa dạng yêu cầu khách hàng. Việc gầy dựng, duy trì và không ngừng nhân rộng phong trào nghiên cứu khoa học trong đội ngũ kỹ sư, công nhân lao động đã tạo động lực để các tập thể, cá nhân mạnh dạn đề xuất và thực hiện nhiều ý tưởng sáng tạo, trong đó chủ đạo là đội ngũ kỹ sư trẻ và công nhân trực tiếp lao động sản xuất.
Lan tỏa giá trị Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Xem nghiên cứu khoa học là động lực quan trọng trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, cùng với thành phố, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (gọi tắt là Liên hiệp hội) thành phố Đà Nẵng đã quan tâm đầu tư cho hoạt động này trên nhiều lĩnh vực.
Là đơn vị được UBND thành phố Đà Nẵng giao chủ trì, phối hợp Sở KH&CN tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam trên địa bàn thành phố, từ năm 2003 đến nay, Liên hiệp hội đã triển khai tuyên truyền và phổ biến thể lệ Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam đến các đơn vị, doanh nghiệp và đã có 41 công trình đạt giải, gồm 5 giải nhất, 5 giải nhì, 20 giải ba và 11 giải khuyến khích.
Liên hiệp hội được Ban Tổ chức Trung ương tuyên dương, đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng các công trình tham gia và đạt giải.
Theo Liên hiệp hội, để đạt được các kết quả trên, đơn vị đã chủ động đề nghị UBND thành phố ban hành kế hoạch khảo sát các đơn vị có khả năng tham gia giải thưởng, phối hợp với Sở KH&CN khảo sát tại các đơn vị nhằm tư vấn, lựa chọn và đề xuất lãnh đạo các đơn vị quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện về kinh phí và thời gian cho các tác giả xây dựng hồ sơ dự thi.
Đồng thời, phân công thành viên Ban tổ chức hướng dẫn và hỗ trợ các tác giả trong việc xây dựng hồ sơ, mời các nhà khoa học chuyên ngành góp ý, đánh giá, lựa chọn và đề xuất các công trình đủ tiêu chuẩn gửi đi dự thi. Nhờ vậy, những năm qua, Đà Nẵng luôn là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong hành trình đổi mới, sáng tạo, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá về tính hiệu quả của Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam, ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố nhìn nhận: “Qua gần 20 năm tham gia Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam, Liên hiệp hội đã tạo được sự lan tỏa trong phong trào nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống, không chỉ đối với các doanh nghiệp Nhà nước mà còn cả với doanh nghiệp tư nhân. Minh chứng là số lượng công trình dự thi, đạt giải và đạt giải cao tăng qua các năm.
Điều đó cho thấy Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam rất cần thiết và có ý nghĩa đối với doanh nghiệp”. Cũng theo ông Phúc, các công trình của các doanh nghiệp, đơn vị tại Đà Nẵng dự giải đều bảo đảm các tiêu chí về tính mới, sáng tạo, khả năng áp dụng và tính hiệu quả. Ngoài Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, nhiều đơn vị khác như Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (Tổng Công ty Điện lực miền Trung), Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng); Công ty CP Tư vấn và Phát triển kỹ thuật Tài nguyên nước... cũng tích cực tham gia và đoạt giải cao tại các kỳ Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam hằng năm.
HOÀI NAM