NGÀY KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM 18-5

Xây dựng thương hiệu gắn với hoạt động nghiên cứu, sáng tạo

.

Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC) là thương hiệu không còn xa lạ trên thị trường. Đây là đơn vị được hình thành và phát triển từ Trung tâm Máy tính- Công ty Điện lực 3, thành lập từ năm 1994. Với bề dày kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực sản xuất công-tơ điện tử và các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực tự động hóa hệ thống đo đếm điện năng, CPCEMEC luôn tự hào có một đội ngũ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên tận tâm với công việc, nhiệt huyết với công tác nghiên cứu khoa học, sáng tạo và đổi mới với khát khao trở thành một thương hiệu Việt hàng đầu trên thị trường.

Sản phẩm và giải pháp của CPCEMEC trong hệ sinh thái lưới điện thông minh (Smart Grid).
Sản phẩm và giải pháp của CPCEMEC trong hệ sinh thái lưới điện thông minh (Smart Grid).

Đón đầu xu thế phát triển công nghệ ngành điện

Trải qua quá trình xây dựng, CPCEMEC không ngừng đổi mới trong phương thức hoạt động đến tiếp cận thị trường và lấy sự hài lòng, lợi ích của khách hàng làm thước đo cho sự phát triển của doanh nghiệp. Mục tiêu hướng đến một nền tảng sản xuất bền vững, xây dựng thương hiệu bằng công nghệ Việt từ bàn tay, khối óc của nguồn nhân lực chất lượng cao, CPCEMEC đã đi từ khâu nghiên cứu phát triển đến chế tạo thử nghiệm và sản xuất đại trà các sản phẩm, tự tay kiến tạo nên hàng loạt các sản phẩm và giải pháp cho lưới điện thông minh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện.

Trong đó, phải kể đến các nghiên cứu và ứng dụng thành công như: hệ thống thu thập và quản lý số liệu đo đếm MDMS tại trạm biến áp 110 kV; hệ thống giám sát chất lượng lưới điện hạ thế; hệ thống điều khiển tủ tụ bù hạ thế; hệ thống giám sát và điều khiển phụ tải từ xa phục vụ quản lý nhu cầu điện (DRMS),... Những công trình nghiên cứu này được áp dụng hiệu quả trên địa bàn Đà Nẵng, phục vụ triển khai lưới điện thông minh theo chỉ đạo của Chính phủ, được UBND thành phố Đà Nẵng ghi nhận và đánh giá cao về hoạt động nghiên cứu khoa học nói riêng và những đóng góp vào sự phát triển của thành phố nói chung.

Trong những năm qua, trên tinh thần chỉ đạo và khuyến khích của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, CPCEMEC luôn tạo những điều kiện tốt thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy phong trào sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất sâu rộng đến từng cán bộ công nhân viên và công nhân trực tiếp sản xuất. Đây được xem là nhiệm vụ then chốt của đơn vị nói riêng và ngành điện lực nói chung khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với tinh thần chú trọng các đề tài, sáng kiến có hàm lượng chất xám công nghệ cao, gắn liền với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của đơn vị và ngành điện, CPCEMEC đã tập trung nghiên cứu các đề tài theo yêu cầu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và nhu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh tại đơn vị. Trong đó, có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được Tổng Công ty Điện lực miền Trung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá rất cao, phục vụ đắc lực cho ngành điện như: nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung thế; nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt trạm sạc nhanh ô-tô điện nhằm khuyến khích việc sử dụng  xe ô-tô điện tại Việt Nam; giải pháp giám sát và điều khiển phụ tải từ xa phục vụ cho chương trình quản lý nhu cầu sử dụng điện (DSM); nghiên cứu, chế tạo thiết bị giám sát và điều khiển dao cách ly, dao cắt có tải từ xa thông qua hệ thống SCADA...

Bên cạnh đó, CPCEMEC luôn chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng hiện đại theo ISO 9001:2015, thực hành tốt 5S, áp dụng tiêu chuẩn phòng thử nghiệm theo ISO/IEC 17025:2005, ứng dụng công nghệ thông tin và các tiến bộ của thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động.

Đến nay, CPCEMEC là đơn vị dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực sản xuất công-tơ điện tử phục vụ đo đếm điện năng; cung cấp các giải pháp thu thập, quản lý hệ thống đo đếm điện năng; phát triển và tích hợp giải pháp quản lý các nguồn năng lượng sạch và tái tạo, góp phần vào công cuộc xây dựng hệ thống lưới điện thông minh của ngành điện.

Thành công từ khát vọng và đam mê

Câu chuyện thành công của CPCEMEC được viết nên bởi niềm đam mê, lòng nhiệt huyết và tràn đầy sức sáng tạo của ban lãnh đạo và đội ngũ kỹ sư luôn tận tâm với công tác nghiên cứu khoa học, với khao khát xây dựng thương hiệu Việt đủ sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trong nước và quốc tế, với phương châm phải hoàn toàn làm chủ công nghệ.

Nhìn lại thành tựu của ngày hôm nay, khi có gần 5 triệu chiếc công-tơ điện tử cùng với vô số thiết bị giám sát đang được vận hành trên lưới điện miền Trung gắn liền với các giải pháp thu thập và quản lý số liệu từ xa, phục vụ điện tử hóa thiết bị đo đếm, rồi công cuộc số hóa dữ liệu phục vụ ngành điện, dịch vụ chăm sóc khách hàng, không ai nghĩ rằng đó là những ý tưởng mà đội ngũ kỹ sư của CPCEMEC đã nhen nhóm với tầm nhìn chiến lược cách đây hơn 20 năm.

Thời điểm đó, ý tưởng về hình thành lưới điện thông minh hay các thiết bị công nghệ mới phục vụ ngành điện dường như khá xa vời ở nhiều đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Trung nhưng với đam mê và nhiệt huyết, đội ngũ kỹ sư của CPCEMEC đã mày mò bắt tay nghiên cứu và chế tạo thành công những sản phẩm công-tơ đầu tiên từ những năm 2000, đánh dấu cột mốc quan trọng cho cuộc cách mạng về đo đếm, làm nền tảng cho hàng loạt giải pháp liên quan ra đời, tạo nên một hệ sinh thái của lưới điện thông minh, kể cả những giải pháp tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo cũng như đón đầu khai thác vai trò của xe điện và trạm sạc sau này của đơn vị.

Đó là kết quả học tập, lao động và sáng tạo không ngừng nghỉ của người lãnh đạo, của những cán bộ công nhân viên đầy nhiệt huyết và hoài bão, với lý tưởng sống và làm việc dấn thân đến cùng, không ngại khó khăn, gian khổ.

Phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực xây dựng, phát triển của CPCEMEC được ghi nhận bằng các giải thưởng danh giá của các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, vinh dự và tự hào như: Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam hằng năm; Danh hiệu “Sản phẩm tự hào trí tuệ lao động Việt Nam”; Doanh nghiệp Thương hiệu Việt tiêu biểu,...

Nổi bật nhất là Giải Vàng Chất lượng quốc gia năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ và Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2019 của Tổ chức Năng suất chất lượng châu Á - Thái Bình Dương (APQO)... đã được UBND thành phố Đà Nẵng tặng nhiều Bằng khen cho những thành tích đạt được tại Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam, Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và thành phố Đà Nẵng; đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sáng tạo khoa học - kỹ thuật thành phố giai đoạn 2015-2020...

Qua nhiều năm xây dựng và trưởng thành, thương hiệu CPCEMEC luôn được nhắc đến như cái nôi của sáng kiến và nghiên cứu khoa học mỗi khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng cần tìm chọn những giải pháp, công trình nghiên cứu tiêu biểu của thành phố tham dự các cuộc thi. Mới đây nhất, CPCEMEC được vinh danh cao nhất tại lễ trao giải VIFOTEC - Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam với đề tài: “Nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt trạm sạc nhanh xe ô-tô điện nhằm khuyến khích việc sử dụng xe ô-tô điện tại Việt Nam”.

Đây là một trong những nghiên cứu hướng tương lai vì môi trường xanh được Tập đoàn điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Trung đặt nhiều kỳ vọng nhằm đặt nền móng cho việc triển khai hoàn thiện và sản xuất lắp đặt trên diện rộng sản phẩm này. Hiện, đề tài đã được CPCEMEC triển khai ứng dụng và đã lắp đặt 3 trạm sạc theo tiêu chuẩn hoàn toàn công nghệ Việt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đánh giá về những đóng góp của CPCEMEC, lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng cho rằng, Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp quan trọng trong hoạt động của Hội Điện lực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và của Liên hiệp hội thành phố nói chung.

Những nghiên cứu hướng ứng dụng của đơn vị không chỉ góp phần quan trọng cải tiến công nghệ của ngành điện lực, đem lại nhiều giải thưởng danh giá cho đơn vị và Liên hiệp hội mà lớn nhất vẫn là đem lại nguồn lợi thiết thực cho thành phố, cả nước và phục vụ lợi ích thiết thực cho cộng đồng dân cư.

Với đề tài: “Nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt trạm sạc nhanh xe ô-tô điện nhằm khuyến khích việc sử dụng  xe ô-tô điện tại Việt Nam” sẽ đón đầu xu thế tại Việt Nam, khi thị trường ô-tô điện phát triển mạnh trong tương lai, thì chúng ta đã có sẵn các trạm sạc hoàn toàn công nghệ Việt phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Có thể nói, bằng năng lực và sức mạnh nội tại từ nguồn lực chất lượng cao của Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung, trên cơ sở nắm chắc phương châm “Năng suất, chất lượng và hiệu quả”, cùng hành trang hơn 20 năm xây dựng và phát triển, sẽ giúp CPCEMEC tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, nỗ lực nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào công cuộc chuyển đổi số, thắp sáng niềm tin của ngành điện miền Trung, để xứng đáng là một trong những đơn vị cung cấp các sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ chất lượng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vươn tầm hội nhập, góp phần đưa thương hiệu và công nghệ Việt vươn xa trên trường quốc tế.

H.N

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích