ĐNO - Sinh ra và lớn lên tại thôn Gò Hà, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, hiểu được những thiệt thòi của trẻ em vùng nông thôn trong việc tiếp cận với tiếng Anh, Nguyễn Thanh Long (SN 1997) hiện đang theo học khoa Khoa học và Công nghệ tiên tiến, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) đã sáng lập dự án "Tiếng Anh 1 đô (đô-la - PV) - Mang tiếng Anh về làng" nhằm tổ chức những lớp tiếng Anh miễn phí dành cho trẻ em nông thôn trong độ tuổi từ 6-11.
Lớp tiếng Anh 1 đô tại thôn Gò Hà, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. |
Ghé lại thôn Gò Hà, xã Hòa Khương những ngày nay, hỏi bất kỳ một người dân nào đó đang đi trên đường về lớp "Tiếng Anh 1 đô" thì dường như ai cũng biết và sẵn sàng chỉ cách di chuyển đến nhà của Long, nơi tổ chức lớp học đặc biệt này.
Căn phòng nơi các em học chỉ rộng khoảng chừng 30m2 nhưng được trang bị đầy đủ những trang thiết bị cần thiết, hỗ trợ cho việc học như bảng trắng, tivi, ghế gấp liền bàn... Long chia sẻ: "Tụi nhỏ ở quê vui lắm, đi học về rồi đi đá bóng, chơi đồ hàng, nhảy dây... - điều hiếm khi trẻ em ở thành phố có được. Tuy nhiên các em lại rất thiếu môi trường học tiếng Anh đúng nghĩa. Khi đi học đại học mình mới hiểu hết những thiệt thòi khi không biết tiếng Anh. Thế hệ mình đã như thế, cho nên bằng mọi cách, chúng mình sẽ giúp đỡ các em học tiếng Anh".
Được thành lập từ ngày 1-6, đến nay, dự án tổ chức được 2 lớp, một lớp tại thôn Gò Hà, xã Hòa Khương với 10 học viên và một lớp tại thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn cũng với 10 học viên. Tham gia dự án của Long còn có 7 thành viên, đa phần là các bạn sinh viên năm 3, năm 4 hiện đang theo học các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, một số thành viên là người đã đi làm cũng năng nổ tham gia. Bên cạnh đó, Long liên tục mời các bạn tình nguyện viện, giáo viên nước ngoài đến để hỗ trợ giảng dạy, tổ chức các hoạt động cho các em.
Chị Trần Thị Sơn, phụ huynh của hai em Trần Văn Lập (SN 2013) và Trần Thị Yến Nhi (SN 2011), hiện đang theo học lớp "Tiếng Anh 1 đô" tại xã Hòa Khương bộc bạch: "Tôi biết, tiếng Anh rất quan trọng với tương lai của con nhưng do hoàn cảnh nên vợ chồng tôi tính từ từ rồi mới cho mấy các con học thêm sau. Hay tin Long nó mở lớp tiếng Anh miễn phí, vợ chồng tôi phấn khởi lắm".
Yến Nhi cũng chia sẻ: "Con thích học tiếng Anh ở đây lắm. Thầy Long dạy rất dễ hiểu nữa. Sau khi được dạy từ mới, tụi con được chơi trò chơi để ôn tập lại rất vui".
Mỗi buổi học tại lớp "Tiếng Anh 1 đô" khoảng 2 giờ đồng hồ luôn được song hành cùng các bài hát tiếng Anh, các trò chơi tập thể với mục đích giúp các em nhỏ ôn tập lại từ vựng vừa học, giúp các em lên tinh thần, tạo cảm giác vui vẻ, thoải mái để có thể tiếp thu một cách hiệu quả nhất.
Một bạn tình nguyện viên đang hướng dẫn các em tại lớp tiếng Anh 1 đô ở Hòa Khương làm bài tập. |
Mỗi em sẽ được tham gia tối thiểu 1 khóa học trong 3 tháng với lịch học vào mỗi sáng thứ 7, chủ nhật hằng tuần từ 7 giờ 30 đến 9 giờ 30. Lớp học đặt mục tiêu, sau mỗi khóa học sẽ trang bị cho học viên một số kiến thức nền tảng và rèn luyện các kỹ năng tiếng Anh cơ bản, đủ để các em quen với phương pháp học tiếng Anh hiệu quả, hình thành thói quen tích cực, tự tin hơn trong giao tiếp; góp phần tác động và thay đổi tư duy của phụ huynh trẻ em nông thôn về tầm quan trọng của tiếng Anh đối với tương lai của con em mình.
Nói về cái tên của dự án "Tiếng Anh 1 đô", Long chia sẻ: "Tiếng Anh 1 đô" là một cái tên hướng về cộng đồng. Nếu chỉ với 1 đô-la, chúng ta không có nhiều lựa chọn. Nhưng chỉ với 1 đô-la/tháng ủng hộ từ các cá nhân, tổ chức, chúng tôi đã có thể mở các lớp tiếng Anh miễn phí tại từng địa phương nơi các em sinh sống".
Để có kinh phí thực hiện dự án, Long cùng các thành viên tham gia dự án vận động kinh phí chủ yếu qua các kênh cá nhân, tận dụng các mối quan hệ của mỗi cá nhân là chính rồi từ đó nhờ những người quen này tiếp tục chia sẻ, giới thiệu bằng cách tương tác, chia sẻ các bài viết trên trang mạng xã hội của dự án "Tiếng Anh 1 Đô - $1 English".
Long chia sẻ: "Hiện tại "Tiếng Anh 1 đô" rất mong muốn lan tỏa tinh thần và giá trị của dự án đến nhiều địa phương hơn nữa. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chúng tôi mong muốn nhận được sự ủng hộ, đồng hành về mặt vật chất và tinh thần từ cộng đồng.
Với nhiệt huyết và năng lượng tuổi trẻ, chúng tôi không hứa sẽ mang đến cho các em nhỏ những điều kiện tốt nhất nhưng nhất định sẽ cho đi những gì tốt nhất chúng tôi có".
Bài và ảnh: KHÁNH QUYÊN