Người trẻ 'đổi giấy lấy cây, đổi nhựa lấy quà'

.

ĐNO - “Bản thân mình cũng như các thành viên tham gia “Đổi giấy lấy cây, đổi nhựa lấy quà” đều mong muốn chương trình sẽ hoạt động bền bỉ, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các bạn trẻ nói riêng và cộng đồng nói chung”.

Nguyễn Tiến Danh (trái) cùng một số thành viên dự án
Nguyễn Tiến Danh (trái) cùng 2 thành viên dự án "Đổi giấy lấy cây, đổi nhựa lấy quà".

Đó là chia sẻ của Nguyễn Tiến Danh, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ DUTI English, cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) về dự án “Đổi giấy lấy cây, đổi nhựa lấy quà” mà anh đang phụ trách. Bên cạnh công việc hiện tại, Danh cũng đang là giảng viên thỉnh giảng về kỹ năng mềm, tư duy thiết kế và khởi nghiệp tại Trường Đại học Bách khoa.

“Đổi giấy lấy cây, đổi nhựa lấy quà” do DUTI English phối hợp với Câu lạc bộ Môi trường thuộc Liên chi đoàn khoa Môi trường (CLB) thuộc Trường Đại học Bách khoa thực hiện. Trong đó, trung tâm của Danh hỗ trợ 100% chi phí thực hiện dự án cũng như giúp đỡ các thành viên trong CLB truyền thông về các hoạt động bảo vệ môi trường.

Chia sẻ về quá trình ra đời dự án, Danh cho hay: “Môi trường đang "kêu cứu" từng ngày. Số lượng rác thải ngày một nhiều trong khi ý thức bảo vệ môi trường của người dân, trong đó có các bạn trẻ, chưa cao. Chính vì thế, mình nghĩ nên làm điều gì đó để thay đổi tư duy của mọi người về môi trường, bắt đầu từ việc làm đơn giản nhất là thu gom, không vứt bỏ rác thải nhựa và giấy vụn bừa bãi. Đó là lý do để "Đổi giấy lấy cây, đổi nhựa lấy quà" ra đời".

Lọ hoa, đồ chơi... làm từ đồ nhựa như ống hút, vỏ chai nhựa bỏ đi, theo hướng
Lọ hoa, đồ chơi... làm từ đồ nhựa như ống hút, vỏ chai nhựa bỏ đi, theo hướng "tiết giảm - tái sử dụng - tái chế".

Từ khi dự án được Danh và một số bạn bè triển khai vào thời gian đầu năm 2019, văn phòng của DUTI English trên đường Kinh Dương Vương (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) trở thành địa chỉ thân quen của nhiều bạn trẻ trong việc tập kết, thu gom pin cũ. Số pin này được tập hợp và gửi đến tổ chức Việt Nam Tái chế (Vietnam Recycles) để xử lý theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho môi trường.

Cũng tại đây, mọi người ấn tượng trước những chậu cây đủ màu sắc và hình thù ngộ nghĩnh được tái chế bằng chai nước bỏ đi, những lọ hoa hay món đồ chơi được tạo hình bằng ống hút nhựa… Đó đều là sản phẩm được tạo nên từ nguồn giấy và nhựa do mọi người mang đến. 

Những món đồ này cũng sẽ là quà tặng cho mỗi lượng giấy, lượng nhựa được quy đổi. Cứ thế, quy trình "xoay vòng" này được thực hiện trên phương châm "Một tờ giấy không vứt đi - Một cánh rừng được giữ lại". Ngoài ra, một phần giấy và nhựa sẽ được bán gây quỹ phục vụ cho các hoạt động xã hội, trong đó có việc mua cây xanh trồng vào cái lọ tái chế và duy trì kinh phí cho các đợt thu đổi sau này.

"Đổi giấy lấy cây, đổi nhựa lấy quà" nhận được sự ủng hộ của đông đảo các bạn sinh viên.

Đó cũng là hoạt động chính mà dự án đem lại. Theo đó, mỗi năm dự án sẽ có 3 đợt “Đổi giấy lấy cây, đổi nhựa lấy quà”, tiến hành vào những thời điểm phù hợp cho việc thu đổi. Trong đó, đợt 1 sẽ tiến hành vào thời gian sau Tết Nguyên đán bởi đây là thời điểm phát sinh một lượng lớn vỏ bánh kẹo, vỏ chai, vỏ lon... sau kỳ nghỉ. 

Đợt 2 là tháng 6, đây là thời điểm sinh viên nghỉ hè và dọn dẹp phòng trọ, cũng là tháng hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6. Đợt 3 sẽ là tháng 8 - lúc sinh viên nhập học.

Ngày 14 và 15-8 vừa qua, đợt thu đổi diễn ra tại khuôn viên Trường Đại học Bách khoa trong dịp đón các tân sinh viên khóa 2019 nhập học. Tính đến hiện tại, chương trình đã có 2 đợt thu đổi, "thu hoạch" được hơn 700kg giấy và gần 50kg nhựa - những con số hết sức "ấn tượng" của một dự án mà nòng cốt là sinh viên.

Trực tiếp tham gia dự án, bạn Trịnh Thị Phương Anh, Chủ nhiệm CLB Môi trường cho biết: "Dự án đã có sự tác động đến sinh viên như chúng em. Bản thân em và các bạn ở CLB Môi trường sẽ cố gắng lan tỏa ý nghĩa của dự án tới mọi người, trước hết là các bạn sinh viên nhà trường bởi đây là nhóm đối tượng dễ tiếp cận nhất, sau đó là người dân toàn xã hội".

Danh cho biết, nguyện vọng của anh là dự án được hoạt động lâu dài, trở thành một phong trào được nhân rộng, phổ biến với cộng đồng. "Khi con người có nhận thức tốt hơn từ những dự án như bọn mình đang làm, khi họ đã biết sử dụng giấy tiết kiệm, biết tái chế và hạn chế dùng đồ nhựa và túi ni-lông thì môi trường sẽ sạch đẹp lên nhiều", Danh chia sẻ.

Bài và ảnh: XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
.