Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền

.

ĐNO - Đó là phương châm sống của chị Nguyễn Thị Hạnh (65 tuổi), Bí thư Chi bộ khu dân cư 6B thuộc phường An Hải Đông, quận Sơn Trà. Hàng chục năm gắn bó với công tác xã hội, những lúc khó khăn chưa khi nào chị nản lòng bởi chị luôn tâm niệm không có việc gì khó nếu mình luôn cố gắng vượt qua.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (ngoài cùng, bên trái) trao quà cho người khó khăn. Ảnh: HỒNG QUANG
Chị Nguyễn Thị Hạnh (ngoài cùng, bên trái) trao quà cho người khó khăn. Ảnh: HỒNG QUANG

Với vai trò là Bí thư chi bộ, nhiều năm qua, chị luôn cùng các đồng chí bám sát địa bàn cơ sở thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành tốt các quy định của Đảng và Nhà nước. Đồng thời chú trọng đến công tác vận động quần chúng bằng cách lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến chính đáng của người dân, tìm cách giải quyết thấu tình, đạt lý đối với các vấn đề nảy sinh.

Chị đã chú trọng kiện toàn công tác tổ chức của Chi bộ và vị trí phụ trách các tổ dân phố, các chi hội đoàn thể, qua đó đẩy mạnh đồng bộ các hoạt động trong khu dân cư. Thời gian qua, hoạt động của Chi bộ ở khu dân cư đã đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng chi bộ ngày một vững mạnh toàn diện, thể hiện được vai trò trách nhiệm của mình.

Đặc biệt, năm qua, trong công tác phòng, chống Covid-19, với vai trò là tổ trưởng tổ Phòng chống dịch ở khu dân cư, chị đã vận động người dân chấp hành tốt các qui định phòng, chống dịch bệnh, giãn cách xã hội, cũng như rà soát hộ khó khăn, mất việc, tiếp nhận và phân phối tiền, gạo, nhu yếu phẩm hỗ trợ, tổng hợp nhu cầu đi chợ cho nhân dân, phân công trực chốt tại phường và khu dân cư.

286 triệu đồng là số tiền chị đã vận động được từ các đảng viên và nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ cho tuyến đầu chống dịch của phường và khu dân cư, ủng hộ các hộ nghèo, người khuyết tật… trong năm qua.

Giữa lúc khó khăn do ảnh hưởng Covid-19, nhiều người không thể đi làm, không có tiền đóng tiền trọ, chị đã đến từng nhà, vận động hàng chục chủ nhà trọ trên địa bàn giảm, thậm chí miễn tiền trọ cho người thuê với số tiền hàng chục triệu đồng.

“Thấy chị đã lớn tuổi mà còn vì việc chung như thế, tôi cũng tự nguyện miễn tiền trọ cho người thuê để giúp nhau vượt qua khó khăn do Covid-19. Sẻ chia giữa lúc hoạn nạn cũng là việc nên làm”, anh Đoàn Văn Thanh, chủ một nhà trọ trên địa bàn chia sẻ.

Trước việc nhiều học sinh phải học online do dịch nhưng các gia đình không có tiền để sắm máy tính, khi địa phương phát động, chị hưởng ứng ngay và vận động được 7,5 triệu đồng góp vào quỹ chung của địa phương để mua máy tính cho các em.

Khi được hỏi làm sao để vận động số tiền tài trợ đó giữa lúc kinh tế khó khăn do dịch bệnh, chị cười hiền, quan trọng nhất là có niềm tin, phải làm sao cho mọi người, cho nhà tài trợ tin mình bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và minh bạch, để họ thấy đồng tiền của họ bỏ ra đến đúng địa chỉ, sử dụng đúng mục đích.

Trong các dịp lễ, Tết, chị cùng tổ dân phố, Ban công tác mặt trận, chi hội phụ nữ... đi thăm và tặng quà cho các gia đình khó khăn, các đảng viêm ốm đau, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn để có biện pháp kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ. Đơn cử như hộ ông Trần Như Luật (70 tuổi) bị bệnh hiểm nghèo. Chị Hạnh đã đề xuất địa phương hỗ trợ 60 triệu đồng giúp ông sửa căn nhà đang xuống cấp nghiêm trọng.

Hay như trường hợp của em Hoàng Ngọc Long (bị khuyết tật) có ba và mẹ đều là nạn nhân chất độc màu da cam. Sau khi mẹ của Long mất, chị Hạnh đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ em tiền ăn học hàng tháng trong suốt 12 năm liền. Bây giờ, Long đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Du lịch và có việc làm.

Với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết, nhiều năm trên cương vị Bí thư Chi bộ, chị Hạnh luôn có được sự tín nhiệm của bà con nhân dân địa phương. Chị bảo, điều quan trọng nhất là phải luôn gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến chính đáng của nhân dân thì mọi việc mới đạt hiệu quả cao. 

PHƯƠNG MINH      

;
;
.
.
.
.
.