Người họa sĩ đam mê tranh khắc gỗ

.

ĐNO - Rất ít họa sĩ theo dòng tranh khắc gỗ bởi để hoàn thành một bức tranh khá vất vả và cũng ít ai sống được bằng nghề. Nhưng với họa sĩ Đỗ Thanh, tranh khắc gỗ đã là niềm đam mê ngấm vào máu thịt.

Với họa sĩ Đỗ Thanh, tranh khắc gỗ đã là niềm đam mê ngấm vào máu thịt. Ảnh: MỸ VÂN
Với họa sĩ Đỗ Thanh, tranh khắc gỗ đã là niềm đam mê. Ảnh: MỸ VÂN

Họa sĩ Đỗ Thanh (Hội viên Hội Mỹ thuật Đà Nẵng) tốt nghiệp chuyên ngành đồ họa tạo hình Trường Đại học Nghệ thuật Huế năm 2004. Sau khi tốt nghiệp, anh về Đà Nẵng và nghề tranh khắc gỗ gắn bó với anh như một duyên nợ.

Tranh khắc gỗ vốn có truyền thống lâu đời với các dòng tranh dân gian nổi tiếng như Đông Hồ, Hàng Trống… từ hàng trăm năm nay. Đầu thế kỷ XX, khi một số trường mỹ thuật được thành lập thì tranh khắc gỗ lập tức trở thành thế mạnh của các họa sĩ người Việt bởi sự cần mẫn, chăm chỉ.

Anh Thanh cho biết quy trình hoàn thành một bức tranh khắc gỗ gồm nhiều công đoạn từ khắc trên bản gỗ cho đến lúc đi in. Khó khăn nhất khi thực hiện kĩ thuật khắc gỗ là đòi hỏi người thợ phải thật tỉ mỉ, cẩn thận sao cho các đường nét không bị hỏng. Người thợ khéo tay sẽ tạo ra những đường nét thanh mảnh, duyên dáng, các chi tiết phức tạp, thể hiện được hồn cốt của tác phẩm.

Theo họa sĩ Đỗ Thanh, với tranh khắc gỗ thì không thể dễ dàng thay đổi từng nét vẽ như tranh sơn dầu. Có khi khắc gần xong một bức chân dung nhưng đến công đoạn cuối cùng, người họa sĩ khắc đôi mắt bị lệch là coi như phải bỏ luôn cả tác phẩm, không thể khắc phục được. Mặc dù công việc khắc và in vất vả, khó khăn nhưng đã tạo cho anh nhiều hứng thú vì thớ gỗ chất màu tạo nên những hiệu quả bất ngờ

Họa sĩ Đỗ Thanh dường như luôn muốn khắc họa lại những khoảnh khắc cuộc sống như các tác phẩm: “Một cõi đi về”, “Bình minh trên sông Hàn”, “Chiều về”, “Giao mùa”, “Biển động”... Khoảnh khắc đó có thể là phút giao mùa - một khoảnh khắc rất mong manh, khó nắm bắt. Đó còn là hình ảnh ngư dân ngóng chờ tin vui ngoài biển cả, chờ một vụ cá bội thu mang lại no ấm. Hay hình ảnh rất đỗi bình thường của người mẹ Cơtu với chiếc gùi nặng trĩu trên lưng, bên cạnh là đứa con bé nhỏ đang ngồi chờ mẹ với niềm vui bé thơ...

Bởi giản dị, trong sáng nên tranh của anh rất dễ hiểu, dễ rung động lòng người cũng bởi từ những điều giản đơn như thế. Vẻ đẹp mộc mạc, trữ tình của quê hương và người lao động được thể hiện rõ nét trong tranh của anh. Tranh của anh khi nào cũng thấm đẫm hồn dân tộc.

Để hoàn thành một bức tranh khắc gỗ, họa sĩ Đỗ Thanh phải thực hiện trong khoảng 2-3 tháng. Giá của một bức tranh từ 5-10 triệu đồng hoặc có thể nhiều hơn, tùy thuộc vào sự yêu thích của người mua. Theo nghề tranh khắc gỗ rất vất vả nhưng tranh khắc gỗ hiện lại khó bán trên thị trường. Họa sĩ Đỗ Thanh cho biết anh chưa bao giờ nghĩ vẽ tranh để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Với anh, những công việc tay trái đã giúp anh nuôi cả gia đình, nuôi dưỡng niềm đam mê với hội họa.

Dẫu bận rộn, họa sĩ Đỗ Thanh vẫn thường xuyên có các tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật ở Đà Nẵng và khu vực miền Trung Tây Nguyên, Nhiều tác phẩm của anh đã đạt giải như: “Niềm tin của biển” (đạt giải Ba của Hội Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2018), Tây Giang vào hạ (đạt giải Nhất của Hội Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2019), “Ký ức tuổi thơ” (đạt giải Nhì của Hội Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2021)...

Họa sĩ Đỗ Thanh cho biết, mỗi họa sĩ có cách thể hiện khác nhau trong từng nhát đục. Với anh, anh đục không nhiều để lấy mảng đen làm nổi bật những nét khắc khiến ý tưởng của anh hiện rõ hơn. Anh mong muốn ngày càng có nhiều hơn nữa những bạn trẻ đam mê với môn nghệ thuật này để góp phần phát triển những nét đẹp văn hóa dân tộc.

MỸ VÂN

;
;
.
.
.
.
.