Kể từ khi thành phố có chủ trương hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 100 - 200ha bên cạnh hàng chục héc-ta rau thủy canh, rau hữu cơ đang được một số cá nhân, doanh nghiệp (DN) gầy dựng thì giấc mơ về một vùng rau sạch đã gần hơn với nông thôn mới Hòa Vang.
Nông sản sạch Hòa Vang được quảng bá rộng rãi tại các phiên chợ nông sản tổ chức tại công viên đầu cầu Trần Thị Lý. |
Nhiều lần tác nghiệp tại Hòa Vang, tình cờ chúng tôi biết Phan Phúc Tuấn, người luôn say sưa với đề tài rau sạch. Học chuyên ngành kỹ thuật nhưng Tuấn tìm đọc tất cả tài liệu về nông nghiệp và các phương pháp trồng rau sạch theo mô hình thủy canh và phương pháp hữu cơ. Mấy năm trước, có lần, dong xe máy về Hòa Vang, đứng ngắm cánh đồng Phú Sơn Nam, anh chép miệng: “Đất đai trù phú thế này mà người dân chỉ trồng lúa và ít hoa màu trái vụ thì uổng quá”.
Bẵng đi thời gian không gặp. Hôm rồi, anh gọi điện rủ về Hòa Khương. Lời mời xem chừng hấp dẫn: “Về nhanh, dưa lưới đã vàng ươm rồi. Trái nào ra trái nấy. Mỗi ký bán ra thị trường 80.000 đồng, thích quá phải không?”.
Đón tôi tại Cơ sở sản xuất rau an toàn Tâm An Farm nằm trên địa bàn thôn Phú Sơn Nam, anh khoe ngay: “Tất cả chỉ mới bắt đầu, vẫn còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi quyết tâm xây dựng vùng rau hữu cơ phục vụ người dân và khách du lịch Đà Nẵng”.
Theo chân anh trên con đường bê-tông sạch, từng luống rau, quả hiện ra tốt tươi và cuối cùng, mọi người dừng chân bên những hàng dưa lưới. Mỗi cây dưa lưới anh chỉ để lại một quả to và đẹp nhất, đó là cách để cây tập trung nuôi dưỡng quả to, thơm, ngọt và mọng nước.
Có điều, trồng rau theo phương pháp hữu cơ thì rau khó đẹp, cành lá sần sùi, xét về hình thức thì thua mấy loại rau bán đại trà ở chợ. Chưa kể, giá cả khá cao nên mọi người vừa trồng, vừa khảo sát nhu cầu thị trường.
Tâm An Farm có diện tích rộng hơn 5ha, trong đó có khoảng 1.200m2 dưa lưới, khu vực còn lại trồng các loại rau quả truyền thống như bầu, bí, dưa leo, khổ qua, cà tím, rau muống, cải, dền… Đứng bên luống rau xanh tốt, chị Trần Thị Bảo Ngà, kỹ sư nông nghiệp của Tâm An Farm khẳng định, quy trình trồng trọt tại đây được đội ngũ kỹ thuật kiểm tra nghiêm ngặt từ lúc gieo hạt đến thu hoạch, bằng phương pháp nông nghiệp hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay giống biến đổi gen.
Ngay từ những ngày đầu sản xuất năm 2016, công ty đã mạnh dạn trồng thử nghiệm giống dưa lưới có nguồn gốc từ Thái Lan, năng suất cao, cho thu nhập 350 – 400 triệu đồng/ha/lứa. Theo tính toán của kỹ sư Ngà, khổ qua cho thu hoạch 30 tấn/ha/vụ, dưa leo 40 tấn/ha/vụ, mỗi năm thu về 500-600 triệu đồng, trừ chi phí sẽ thu lãi ròng khoảng 250-300 triệu đồng.
Anh Phan Phúc Tuấn (trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng rau sạch cho khách đến tham quan vườn rau. |
“Đây thực sự là quả ngọt”, Phan Phúc Tuấn nói trong lúc bổ quả dưa vàng ươm mời khách. Phúc hy vọng sẽ giúp người dân địa phương dần thay đổi thói quen canh tác để tạo ra những sản phẩm bảo đảm sức khỏe, cải tạo môi trường và hệ sinh thái bền vững…
Để có được “quả ngọt” đó, không chỉ Tuấn mà chính quyền, người dân và doanh nghiệp cùng vào cuộc với quyết tâm và cách làm mới. Gần 2 năm nay, người nông dân huyện Hòa Vang đã quen với chuyện cho DN thuê đất trồng rau sạch.
Chị Văn Thị Loan (thôn Hương Lam, xã Hòa Khương), công nhân lao động tại Cơ sở sản xuất rau an toàn Tâm An Farm chỉ tay về mấy sào rau sạch đang chờ thu hoạch, nói: “Khu vực đó trước đây là 2 sào đất hoa màu của gia đình tôi, mỗi năm chỉ trồng cây đậu, cây bắp hoặc mè đen để ép lấy dầu, làm thức ăn cho heo thôi. Từ khi xã có chủ trương khuyến khích người nông dân cho DN thuê đất, tôi rất ủng hộ và xin được làm công nhân như hiện nay.
Cũng làm những công việc quen thuộc như nhổ cỏ, cắt rau, làm đất nhưng mỗi ngày tôi được chủ cơ sở trả công từ 110.000 - 130.000 đồng. So với nguồn thu khi trồi khi sụt từ mấy sào hoa màu, mức lương này là niềm mơ ước của tôi bao lâu nay”.
Công việc tại đồng rau sạch không quá vất vả. Các khâu xử lý đất, xuống giống đã có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cặn kẽ, người nông dân chỉ việc làm theo, hết giờ làm thì về nhà cơm nước, nghỉ ngơi. Chị Ánh, người cho Tâm An Farm thuê 3 sào đất cười, bảo đó là việc nhẹ, lương cao: Đi làm có lương, không phải lo đến nẫu cả gan ruột mỗi khi mưa to, gió lớn. Mấy sào đất màu nếu không giỏi trồng trọt, vun vén thì mỗi năm thu nhập chẳng là bao; cho thuê đất vừa đỡ lo, lại có công việc ổn định, có đồng ra đồng vào.
Trên cánh đồng Phú Sơn Nam còn có 2ha rau sạch của vợ chồng anh Lê Khắc Dũng (quê Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Để có được khu đất này, anh đã hợp đồng thuê đất ruộng của 18 hộ dân và cải tạo trồng rau.
Theo anh Dũng, chuyện anh xuống Hòa Vang thuê đất trồng rau chẳng phải ai cũng nhiệt tình ủng hộ. Bởi nhiều năm nay, ngay cả vùng đất Đại Lộc trù phú, việc trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap cũng thất bại thê thảm. Chưa kể một số vùng chuyên canh rau an toàn tại Hòa Vang như: Túy Loan, La Hường… cũng chưa tìm được đầu ra ổn định. Nhiều hộ dân chán nản, quay về sản xuất, chăm bón rau theo kiểu truyền thống lại gặp ngay cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Những khó khăn đó không phải anh Dũng không biết; có điều, như anh nói, anh là người đam mê trồng rau sạch, khi gặp cánh đồng tươi tốt, màu mỡ phù sa cùng hệ thống nước tưới đầy đủ như Phú Sơn Nam, anh không thể không cho mình một cơ hội đổi đời.
Theo ông Nguyễn Chí Trí, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, với tổng diện tích hơn 15ha trồng rau hữu cơ, rau an toàn tại Phú Sơn Nam như hiện nay, xã đã vận động khoảng 200 hộ dân cho DN thuê lại đất nông nghiệp nhằm tạo nên vùng chuyên canh rộng lớn.
Với người nông dân bao năm bám ruộng, bám đồng, đây thực sự là câu chuyện lớn. Hàng chục cuộc họp được tổ chức. Có người ủng hộ, có người phản đối, nhưng cuối cùng, vì sự trù phú của đồng quê, tất cả đều làm theo chủ trương mới này.
Trước khi chủ trương hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao diện tích 100-200ha được thành phố phê duyệt, tập trung chủ yếu tại các xã Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phong, trên địa bàn huyện Hòa Vang đã có một số dự án sản xuất nông sản sạch hình thành, bắt đầu hoạt động khá ổn định như dự án trồng đinh lăng, nghệ vàng 10ha của Công ty CP Dược Danapha tại thôn Đồng Lăng (xã Hòa Phú); dự án trồng bưởi da xanh của Công ty Bách Phương tại xã Hòa Ninh; dự án sản xuất rau an toàn 7,5ha tại thôn Nam Thành (xã Hòa Phong) của Công ty CP Hapras…
Để “gom” đủ diện tích cho vùng rau sạch, Hòa Vang đã và đang thực hiện “cuộc cách mạng” chuyển giao ruộng đất, vận động hàng ngàn hộ dân cho DN thuê đất sản xuất với giá trung bình mỗi sào 800.000 đồng/năm. Đổi lại, DN sẽ sử dụng nguồn lao động tại chỗ, tạo việc làm ổn định cho người nông dân.
Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Thương cho biết, trước đó, huyện đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU của Huyện ủy và Nghị quyết số 25/NQ-HĐND của HĐND huyện Hòa Vang về triển khai chủ đề Năm Nông nghiệp 2017.
Từ đó, huyện tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn, quyết tâm đưa nông nghiệp Hòa Vang từng bước phát triển, tăng giá trị, năng suất, tạo nên những sản phẩm chất lượng cho thị trường. Theo từng bước, nông dân dần bỏ tập quán “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học, công nghệ, tăng cường cơ giới hóa và trang thiết bị tưới tiêu hiện đại để tăng năng suất cây trồng, con vật nuôi.
Mặt khác, để khuyến khích DN đầu tư vào nông sản sạch, Hòa Vang đã xây dựng 2 mô hình thí điểm chuyển giao nhà kính, công nghệ tưới tiết kiệm nước, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại các thôn Trung Nghĩa (xã Hòa Ninh), thôn Đông Lâm (xã Hòa Phú) và hỗ trợ giàn che, hệ thống tưới tiết kiệm tại các vùng Ninh An (xã Hòa Nhơn), Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương), Túy Loan (xã Hòa Phong).
Để tạo sự phát triển đồng bộ trên khắp các làng quê Hòa Vang, UBND huyện đồng thời phê duyệt các đề án triển khai vùng sản xuất 40ha lúa giống, 50ha lúa hữu cơ tại các xã Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong, hình thành vùng trồng cây ăn quả rộng lớn tại Hòa Phú, Hòa Ninh và Hòa Bắc.
Khuyến khích các DN đầu tư cho nông sản sạch tại Hòa Vang được xem là hướng đi phù hợp để nâng cao chất lượng sống cho bà con nông dân. Anh Nguyễn Hữu Quyết, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Gia Khang Phát cho biết, Hòa Vang là mảnh đất tiềm năng để đầu tư sản xuất rau củ quả công nghệ cao, cung ứng lương thực, thực phẩm sạch, vật tư và nhà màng nông nghiệp…
“Với dân số hơn 1 triệu người, Đà Nẵng là thị trường tiêu thụ nông sản, thủy sản tươi sống khá lớn. Ngoài cung cấp vật tư nông nghiệp, công ty cũng đầu tư vài ha để trồng cà chua, dưa lưới và các loại rau củ khác cung ứng cho thị trường Đà Nẵng”, anh Quyết chia sẻ.
Sau gần một năm triển khai Năm Nông nghiệp 2017, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, vùng quê Hòa Vang ngày một thay áo mới. Ông Đặng Thương kỳ vọng, theo đà này, giấc mơ về vùng nông sản sạch sẽ sớm thành hiện thực. Điều cần thiết nhất lúc này là thành phố tạo mọi điều kiện để địa phương xây dựng quỹ đất.
Hòa Vang cũng sẽ tạo mọi điều kiện để người nông dân tự sản xuất trên đất của mình, chỉ cần đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về nông sản sạch, sớm hình thành chuỗi cung ứng chuyên nghiệp thì chuyện tìm đầu ra cho sản phẩm sẽ không quá khó như hiện nay.
Bài và ảnh: TIỂU YẾN