Người xưa nói: người đẹp nhờ lụa. Vì lẽ đó, thợ may - người làm ra những bộ quần áo đẹp cho người, cho đời rất được coi trọng. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, có thời điểm tưởng như nghề may thủ công lui về dĩ vãng nhường chỗ cho hàng may sẵn, nhưng rồi người ta vẫn quay về với những thứ được làm bằng tay, chỉ riêng mình mới có.
Ở tuổi xưa nay hiếm, ông Trần Hữu Tích (tiệm may Quang) vẫn nhiệt tình phục vụ khách hàng đã yêu mến những bộ vest do ông làm ra. |
Cha truyền con nối
Xế trưa, trời vẫn đổ những cơn mưa nặng hạt khiến đường xá vắng tanh. Trong căn nhà khá khang trang trên đường Lê Hồng Phong (quận Hải Châu), một người thợ may già 81 tuổi vẫn cặm cụi bên đường phấn, thước kẻ. Nghe tiếng chân khách từ ngoài cổng, ông ngẩng lên, chỉnh cái kính lão cho ngay ngắn, hấp háy đôi mắt đã đục màu thời gian và hỏi: “Cô cậu đến may đồ vest?”.
Ngồi trò chuyện mới hay, tiệm của ông chỉ là khoảng sân nhỏ được thuê lại từ ngôi nhà khang trang kia. Ông tên thật là Trần Hữu Tích, nhưng đã từ rất lâu rồi chẳng ai gọi “ông Tích” nữa. Từ ngày mở tiệm may ở Đà Nẵng, ông lấy tên “Quang” và gắn bó với cái tên ấy đến tận bây giờ.
Còn nhớ, những năm 60 của thế kỷ 20, cùng với nhà may Hưng, Hoàng Lộc, Song Châu, nhà may Quang là một trong những nhà may âu phục tân thời nổi tiếng nhất Đà thành. Và Quang, chàng thợ may trẻ khi ấy nổi như cồn với tài nghệ cắt một bộ âu phục sắc nét chỉ trong 27 phút.
Nghe có người nhắc lại “thời vàng son”, người thợ may già xúc động: “Thời gian trôi nhanh như cái chớp mắt. Hồi đó, tôi, chàng thanh niên mới 20 tuổi đã tự mình chọn nghề may và khăn gói ra Huế học nghề. Học đâu đó vài ba năm thì phải, già rồi, chẳng nhớ kỹ được, tôi về Đà Nẵng làm thợ chính cho tiệm may Adam nức tiếng thời ấy. Đi làm cho người ta 2 năm là tôi nghỉ, tự mở tiệm…”.
Không nỡ cắt ngang dòng hồi tưởng của người thợ may già, chúng tôi đưa mắt nhìn những bộ vest được may cẩn thận treo trên giá, thầm nghĩ: “Gần sáu chục năm trong nghề, đôi mắt ông quá tinh tường để đo ni từng vóc dáng, biết phần nào trên cơ thể khách cần tôn thêm cho đẹp hơn, phần nào nên gia giảm để che cái chưa đẹp. Chẳng phải vậy mà ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn gắn bó với cái nghề cần đôi mắt sáng và đôi tay tỉ mỉ này”.
Chỉ bộ vest màu thiên thanh trên giá, ông kể: Bộ vest đó là của một cậu ngoài 30 tuổi, lứa tuổi trẻ nhất còn đến nhà tôi may đồ. Hôm đó đến may, cậu ta bảo, “ông nội con, bố con đều may đồ nhà ông, nay con sắp cưới vợ, con cũng đến may. Hy vọng, cuộc hôn nhân của con cũng sẽ bình an, hạnh phúc như ông bà, bố mẹ con”.
Tôi cười khà khà, không ngờ, cái nghề của mình mà người ta cũng duy tâm như vậy. Nghe cậu ấy nói vậy, tôi dồn cả tâm huyết vào bộ đồ. Giờ già rồi, cắt nửa ngày - có khi hơn, mới xong bộ đồ. Nhưng nói gì thì nói, còn làm nghề là còn chỉn chu, không được để người ta coi thường. Hỏi ông sẽ còn may đến bao giờ, ông trầm ngâm:
“Chắc ráng được đến hết năm nay thôi, nghe sức lực cũng kiệt rồi. Khách may đồ dạo này cũng vắng. Những người cùng thời với tôi, đến may tôi, nay cũng “đi” gần hết. Họa hoằn lắm mới có người đứng tuổi đến may. Giờ mỗi tuần, tôi chỉ nhận 1 bộ, có khi không có. Từ nhà tôi xuống tiệm cũng xa, nên…”.
Ông Quang có 6 người con, trong số ấy có một người thừa hưởng đôi bàn tay khéo léo của bố. Đó là anh Trần Hữu Hoàng - sinh năm 1969. Anh Hoàng hiện mở tiệm may âu phục trên đường Lê Lợi, cũng “thừa kế” tên Quang. Từ khi 9, 10 tuổi đầu, anh đã biết phụ bố đơm nút, cài khuy, nhờ đó cũng được chứng kiến sự thăng trầm của nghề này.
Anh kể, ngày còn nhỏ, anh đã thấy bố mẹ mỗi ngày cặm cụi bên bàn may. Hồi ấy nhà nhà khó khăn, người người khó khăn, để có được tấm vải may đồ mới không dễ. Người ta trân trọng nghề may lắm. Bố anh từng được những chính khách, người nổi tiếng đến nhờ may đồ. Nhờ cái nghề này mà 6 anh em được sống tuổi thơ đủ đầy.
Tuy vậy, nghề may cũng có một giai đoạn lao đao khá dài. Đó là những năm 1985-1995, thời điểm kinh tế rất khó khăn. Các nước Đông Âu gửi hàng cứu trợ là những kiện đồ bành về. Thương lái giặt, hấp rồi đem bán. Kinh tế nhà anh cũng vì thế khốn đốn. Nghề may mặc chỉ thực sự phục hồi khi kinh tế mở cửa, đời sống người dân đi lên, người ta bắt đầu quay lại chuộng những bộ quần áo được may đo cẩn thận, kỹ lưỡng, hợp với từng dáng người.
Kế thừa kỹ thuật may từ bố, anh Hoàng cũng lĩnh hội cả bí quyết đo. Anh bảo, khi cầm thước đo, người thợ phải suy nghĩ về vóc dáng của khách để bảo đảm khi cắt vải phải khéo léo. Vai của khách ngang hay xuôi, lưng cong hoặc thẳng… đều ảnh hưởng đến việc cắt vải.
Dù với “khách ruột” hay khách vãng lai, anh đều chú tâm công đoạn đo ni, tuyệt đối không làm qua loa, sơ sài. Anh tiết lộ, cậu con trai vừa tốt nghiệp THPT của anh cũng khá hứng thú với nghề may. Những lúc có thời gian, cậu đều qua tiệm học nghề. Giờ cậu đã biết phụ bố cắt và ráp một cái sơ-mi hoàn chỉnh. “Cháu nó nhất định sẽ theo nghề gia truyền của gia đình”, anh Hoàng khẳng định.
Gia đình có truyền thống hai đời may áo dài nhưng chị Thủy đang lo về người kế nghiệp… Ảnh: Q.Trang |
Vì vẻ đẹp Việt
Tại thành phố Đà Nẵng, từ sau ngày miền Nam giải phóng, nhất là thời kỳ những năm 90, các trường học bắt đầu quan tâm đến vấn đề đồng phục học sinh. Nữ sinh trung học mặc áo dài trắng đến trường trở thành hình ảnh quen thuộc của thành phố. Vì thế, các tiệm may áo dài ở Đà Nẵng hồi sinh và nở rộ.
Một trong những tiệm may áo dài nức tiếng thời ấy là tiệm áo dài Nam Việt trên đường Lê Duẩn đoạn cầu Vồng.
Nằm ở trục đường đắc địa, mỗi ngày, hàng trăm lượt học sinh, giáo viên đi qua, tiệm áo dài Nam Việt với lối may áo dài tay raplan (tay áo kéo dài tới cổ) mới mẻ đã nhanh chóng thu hút sự chú ý. Chủ tiệm là ông Nguyễn Thanh Long và bà Nguyễn Thị Hữu Hoa.
Ông Long quê gốc Quảng Ngãi. Ngoài 20 tuổi, ông vào Nam học nghề may áo dài và gặp cô thợ may tên Hoa. Hai ông bà bén duyên và chọn mảnh đất Đà Nẵng làm nơi lập nghiệp. Bảng hiệu Nam Việt được ghép từ tên của hai người cháu, con của cậu ruột ông, được ông giải thích là: Ông bà đều người ngoại tỉnh, đến Đà Nẵng mưu sinh, nhờ có người cậu dang tay giúp đỡ ông mới bám trụ lại thành phố này. Ông lấy tên hai đứa cháu, một phần để ghi nhớ công ơn của cậu, phần nữa là đánh dấu kỷ niệm ngày lập thân trên đất Đà thành.
Năm nay đã 78 tuổi nhưng ông chỉ mới “lui về hậu trường” khoảng 5 năm trở lại đây. Ông rất hạnh phúc vì những tinh hoa ông truyền lại được cô con gái út Nguyễn Thị Thanh Thủy (SN 1972) lĩnh hội đủ để tiếp tục thể hiện trên từng chiếc áo.
Chị Thủy kể, chị là thế hệ nữ sinh đầu tiên được mặc đồng phục áo dài đến trường. Vì thế, chị có tình yêu đặc biệt với tà áo dài truyền thống. Phụ nữ Việt thường có chiều cao khiêm tốn, ngực nhỏ, eo thon, mông nở nên chiếc áo dài có thể giúp họ che được những khuyết điểm, tôn lên đường nét quyến rũ nhưng lại rất thanh lịch. Nữ sinh khi mặc áo dài tự nhiên sẽ đi đứng ý tứ, nói năng nhỏ nhẹ, nữ tính hơn hẳn”, chị Thủy giải thích.
Chị Thủy chia sẻ, áo dài cũng giống những trang phục khác, theo thời cuộc cũng có kiểu nọ kiểu kia. Ngày chị còn nhỏ, khoảng những năm 80, ra tiệm phụ cắt chỉ cho ba mẹ, chị thấy tà áo dài bị cắt ngắn lên thành áo bà ba, đồ kiểu. Đến năm 90, người ta lại quay về tà áo dài truyền thống. “Mình may lâu năm, quen với kiểu áo dài cũ nhưng khi đời sống thay đổi, mình cũng phải điều chỉnh theo nhưng có điều chỉnh gì vẫn quyết không để mất dáng áo dài. Có thể tà dài/ngắn, quần ống rộng/ôm nhưng tuyệt đối không may kiểu áo dài-váy đụp như các cô gái trẻ hiện nay hay mặc”, chị Thủy nói.
Giữa cơ man những chiếc áo dài đủ màu sắc, kiểu dáng, bận bịu với kéo, thước đo, phấn màu, chị Thủy không quên mở bài nhạc yêu thích nhất-Ngày xưa Hoàng Thị: “Em tan trường về/ Đường mưa nho nhỏ/ … Ôm nghiêng tập vở/ Tóc dài tà áo vờn bay…” (nhạc Phạm Duy, thơ Phạm Thiên Thư).
QUỲNH TRANG