Vị ngọt yêu thương

.

Ngày Viễn và Yến về chung một mái nhà, chỉ có hai trái tim ấm nóng và nghị lực là “tài sản” đáng giá nhất. Lương thợ làm bánh của Viễn mỗi tháng chỉ được tầm 3-4 triệu đồng, không đủ trả tiền thuê nhà và nuôi con nhỏ.

Vậy mà sau 5 năm mở ra làm bánh ngọt, thương hiệu bánh Song Khiêm của hai vợ chồng chiếm thị phần đáng kể ở Hội An, có trên bàn ăn ở hầu khắp các khách sạn dưới 4 sao và năm 2018 sẽ có một chi nhánh ở Đà Nẵng.

Viễn và Yến bên tiệm bánh ngọt của mình ở số 112 Phan Châu Trinh, Hội An. 				               Ảnh: H.N
Viễn và Yến bên tiệm bánh ngọt của mình ở số 112 Phan Châu Trinh, Hội An. Ảnh: H.N

Tình yêu lên men

Khi nói về công việc, về sự phát triển của nghề làm bánh và về nhau, lúc nào Yến và Viễn cũng dành cho nhau những lời thật đẹp, chan đầy tình yêu thương. “Em không thích đi làm thuê, em thích làm chủ hơn. 10 năm làm ở khách sạn Hội An em không nhảy việc. Em chờ cơ hội. Tay nghề của em phát triển lên là nhờ Yến”, Viễn bày tỏ chân thành.

Cưới nhau năm 2009, khi đó hai đứa nghèo “rớt mồng tơi”, Viễn vẫn là thợ làm bánh, Yến làm nghề dẫn chương trình và tổ chức sự kiện cho một công ty ở Đà Nẵng. Đứa con đầu lòng ra đời. Hạnh phúc khi ấy không chỉ có mùi vị bánh ngọt mà còn bao khó khăn chồng chất trên đôi vai gầy của Viễn.

“Em với Viễn bàn nhau hay là làm bánh khi mình có nghề trong tay, ban đầu bán cho người quen cũng được. Lúc đó khách sạn Hội An nơi Viễn làm việc thanh lý lò, máy đánh bột và những dụng cụ đơn giản nhất để làm ra bánh, hai đứa mua lại”, Yến kể về những ngày bắt đầu mở ra làm bánh.

Ngay từ đầu Viễn và Yến xác định phải làm những chiếc bánh có chất lượng ngon, giá thành hợp lý. Một số khách sạn nhỏ vốn biết tay nghề của Viễn, bắt đầu nhận bánh, từ 2 rồi lên 5 khách sạn. Viễn vẫn là thợ chính. Bột và các nguyên liệu được ủ từ đầu giờ tối, 1 giờ đêm bắt đầu nổi lò, 5 giờ sáng lúc những chiếc bánh nóng hổi ra lò, đến các khách sạn phục vụ điểm tâm sáng cho khách là lúc Viễn bắt đầu vào ca làm việc ở khách sạn.

“Nhiều lúc trong ngày khách đặt bánh, em ở nhà sẽ tự làm, anh Viễn có đôi lúc dạy nghề cho em qua điện thoại. Em đam mê nghề bếp, nấu ăn ngon, thấy bánh không hợp khẩu vị em sẽ tìm một công thức khác, dung hòa khẩu vị của người địa phương mà khách Tây ăn vẫn thấy ngon”, Hoàng Yến tiếp tục.

Nhưng máy móc cũ, ít, vốn mỏng, cân não giữa chuyện bột, đường, bơ, đôi khi làm kìm chân người thợ. Lúc đó, bà Luisa Kock, người Thụy Sĩ (đại diện tổ chức Xin chào - tổ chức tài trợ mọi chi phí hoạt động của gia đình số 3, Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng), về Hội An thăm vợ chồng Viễn, vào tháng 6-2014.

Bà Luisa bảo Viễn là Xin chào sắp rút khỏi Việt Nam, bà muốn dành một món quà cho Yến-Viễn, khi thấy công việc của Viễn có tiềm năng và bà tin Yến có thể phát triển được nó. Hoàng Yến chỉ có một tuần để suy nghĩ và viết kế hoạch dự án.

“Lúc đó bọn em vẫn đang ở nhà thuê, nên phải tính toán kỹ nếu vay thì sẽ làm gì với số tiền 150 triệu đồng, doanh thu sẽ bảo đảm được bao nhiêu, sẽ trả gốc được bao nhiêu. Em viết dự án và được duyệt. Vậy là chỉ trong vòng 2 năm em trả được vốn ban đầu và phát triển Công ty TNHH Bánh ngọt Song Khiêm lên một bước mới”, Yến nói. Bà Luisa đặt niềm tin vào cô gái bé nhỏ, trao cho Yến cơ hội cùng câu nói giúp Yến có thêm nghị lực “tôi tin mình không nhìn lầm người”. 

Bây giờ Viễn và Yến sản xuất cả nghìn chiếc bánh mỗi ngày, với gần 100 chủng loại khác nhau. Ngoài những khách sạn trên 4 sao có bếp bánh riêng, phần lớn các khách sạn ở Hội An đều đặt bánh từ Song Khiêm. Hoặc khi có sự kiện lớn, các khách sạn 4, 5 sao vẫn liên kết với Song Khiêm để có nguồn bánh tiệc dồi dào, chất lượng.

Nhưng điều làm cho những chiếc bánh của Viễn-Yến nổi tiếng không phải là những vị khách phương Tây, mà chính nhờ những người dân địa phương, khi hai bạn làm ra những chiếc bánh chuẩn vị châu Âu và có giá thành thấp, chỉ từ 3.000-15.000 đồng/cái.

Tất cả các sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ trong ngày, không có chất bảo quản, không dùng phẩm màu, chỉ thêm nguyên liệu là dừa và thơm tươi cho vị bánh đa dạng. Hai bạn làm bánh và bán theo phương châm “bán nhiều lời ít”.

“Với những chiếc bánh chất lượng cao, giá thành rẻ, những người làm trong lò bánh còn nghĩ không ra, nhưng em vẫn thực hiện theo phương châm của mình, nếu mình bán được số lượng lớn thì vẫn có lãi. Và những chiếc bánh rẻ đã quyết định doanh số. Em là người cầu toàn, với em, những chiếc bánh phải đẹp, ngon, sạch, chất lượng, đó là sự hoàn chỉnh. Nhờ thế mà hiện nay bánh Song Khiêm chiếm thị phần đáng kể ở Hội An”.

Cách đây hơn một năm, cửa hàng đầu tiên của tiệm bánh ở số 112 Phan Châu Trinh, Hội An trở thành điểm bán lẻ đầu tiên, nay được nâng lên thành nhà hàng chuyên đồ Âu, có thêm pizza, mì Ý và các loại nước giải khát. Yến và Viễn có thêm một cửa hàng trên đường Thái Phiên và dự kiến có thêm 2 cửa hàng ở Hội An trong thời gian tới, cũng như có một chi nhánh ở Đà Nẵng vào năm 2018.

Tháng 8-2015, Viễn nghỉ việc ở khách sạn để đầu tư cho bếp bánh của mình, buổi tối vẫn trần mình cùng thợ nhào bột làm bánh, thường xuyên nghĩ ra những loại bánh mới, như điều bắt buộc sáng tạo của nghề. Những chiếc bánh sau khi lên men, vào lò nướng trở ra thành món ăn hấp dẫn; cũng như tình yêu của Viễn và Yến, lên men theo ngày tháng, chẳng ồn ào mà bền chặt, như tính cách con người phố Hội.

Còn Hoàng Yến, trong vai trò quản lý và phát triển tiệm bánh, ngoài việc từng đến các tiệm bánh ở Hội An, Đà Nẵng, Sài Gòn ăn thử và xem người ta bán lẻ thế nào, vì phải hiểu mới phát triển được việc bán lẻ, khi rảnh, Yến lại xắn tay áo phụ làm cùng chồng. “Em đã vượt được cậu ruột, cậu vốn từng làm bánh, nhưng nay cậu về làm cho em. Cả mấy anh em của anh Viễn, cậu mợ và các cháu của em giờ cùng em phát triển Song Khiêm”, Yến tự hào.

Những chiếc bánh ngọt của Song Khiêm. 				(Ảnh nhân vật cung cấp)
Những chiếc bánh ngọt của Song Khiêm. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Bước qua con đường chông gai

Lê Thị Hoàng Yến sống với ông bà ngoại cùng các cậu, dì từ bé. Không có điều kiện học lên cao dù Yến từng đoạt giải nhất một cuộc thi hát ở Hội An. Yến vào đời sớm khi mới học xong phổ thông. Còn Cao Văn Viễn vốn là thành viên của gia đình số 3, Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng. Quê Viễn ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, là con thứ 6 trong một gia đình 8 anh em. Mẹ Viễn mất sớm, ba là thương binh. Với Viễn, ra được Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố là một hành trình khó.

Hồi đó chị gái thứ 5 của Viễn, chị Cao Thị Ngọc Vạn ra Đà Nẵng làm nghề giúp việc, trông trẻ từ khi mới được 6 tuổi. Lớn hơn một chút, chị vừa đi giúp việc vừa học nghề uốn tóc, ban đêm thì đi học bổ túc văn hóa. Lúc nào chị Vạn cũng trăn trở chuyện cái ăn cho 4 đứa em ở quê. Các thầy cô chỉ cho chị địa chỉ Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố và chị tìm đến.

“Bố” Nguyễn Rân, Giám đốc Trung tâm lúc đó bảo với cô bé 14 tuổi là Trung tâm có 5 gia đình, mỗi gia đình có 30 em, con tới gia đình nào thấy còn thiếu thì “nhét” em vào. Chị về quê, đưa em Cao Văn Vỹ ra, may mắn là lúc đó gia đình số 3 thừa một chỗ trống.

Năm sau, năm 1994, chị đưa Viễn ra, lại “điền vào chỗ trống” ở gia đình số 3. Và năm sau nữa, chị đưa em Cao Văn Vĩnh ra, nhưng không có chỗ, Vĩnh làm nghề đánh giày quanh khu Vĩnh Trung, chờ đến lượt bước chân vào gia đình đã có hai anh. Mấy năm sau chị Vạn cũng đón ba từ Quảng Ngãi ra. Ông được nhìn thấy các con trưởng thành, cuộc sống ổn định trước khi từ giã cõi đời cách đây 3 năm.   

Ba anh em Vỹ, Viễn, Vĩnh có chỗ ở, được đi học đàng hoàng và cùng lớn lên ở ngôi nhà thứ hai ấy. Học xong THCS, năm 2004, Viễn khăn gói ra Hà Nội học nghề bếp ở Trường Trung cấp Kinh tế-Du lịch Hoa Sữa (Vĩnh cũng là học viên trường này).

“Em thích nấu bếp, nhưng bước vào gian bếp với cái nóng 45-50 độ chịu không nổi, thế là em được phân vào học lớp bàn-bar, nhưng em không thích nghề này nên đổi cho bạn để vào lớp bánh”, Viễn kể. Ở trường, thời gian học cũng không khác gì khi ra làm nghề, khi 1 giờ sáng bắt đầu nhóm lò làm bánh. Sau 2 năm học nghề, Viễn được “bố” Thanh (ông Hoàng Xuân Thanh, người sáng lập Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố) giới thiệu về làm việc tại khách sạn Hội An.

Ở đây, anh Phát, cậu ruột của Hoàng Yến vì mến cái tính trầm trầm, chịu thương chịu khó của Viễn, bảo Viễn về nhà mình ở. Viễn đồng ý. Hôm Viễn dọn ba lô có vài bộ đồ mang đến, đang đứng lơ ngơ trước cánh cổng khóa thì Yến cũng vừa về tới.

Yến dẫn khách vào, chỉ phòng cho Viễn, rồi quay lại với việc của mình. Suốt ba năm ở cùng nhà, Hoàng Yến vẫn coi Viễn như một người anh. Một ngày của năm 2009, Viễn ngỏ lời. Yến có hơi ngỡ ngàng, rồi nhận lời. Vài tháng sau đám cưới diễn ra.

Tình yêu của họ thiếu màn hẹn hò, giận dỗi vu vơ, mà được nối với nhau bởi mối thân tình và ngày càng được nhân lên, khi cả hai cùng nhìn về một hướng. Hướng ấy giờ có 3 thiên thần chờ ba mẹ về nhà sau giờ bánh ra lò, người còn thơm mùi đường bột.

Hướng ấy có những chiếc bánh ngọt nóng hổi được nhào nặn dưới bàn tay của người thợ yêu nghề. Và hướng ấy có cả những mảnh đời thiếu may mắn mà Viễn-Yến đang âm thầm góp sức giúp đỡ, như để trả ơn cho những người đã yêu thương và trân trọng hai mảnh đời khó nhọc, giúp hai người có cơ hội vươn lên.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.