Dòng đời nơi góc phố…

.

Có những con người cả cuộc đời bám víu vào cái nghề tưởng chừng không còn ai để ý đến nữa. Họ ngồi đó, nơi góc phố mấy chục năm qua, hít thở mùi của phố xá, nhìn dòng người ngược xuôi như một phần không thể thiếu của cuộc sống…

Lọt thỏm giữa tiệm mắt kính sang trọng ngay góc đường Hùng Vương và Ngô Gia Tự, ông Chiến (bên phải) và bà Lành hành nghề sửa giày, dép; bọc giấy tờ đã mấy chục năm qua.
Lọt thỏm giữa tiệm mắt kính sang trọng ngay góc đường Hùng Vương và Ngô Gia Tự, ông Chiến (bên phải) và bà Lành hành nghề sửa giày, dép; bọc giấy tờ đã mấy chục năm qua.

1. Lọt thỏm giữa tiệm mắt kính sang trọng ngay góc đường Hùng Vương - Ngô Gia Tự, ông Nguyễn Văn Chiến ngồi trên chiếc ghế thấp cùng bộ đồ nghề cũ kỹ, bên cạnh là một kệ sắt bày mấy đôi giày cũ người ta vứt đi, chỉ có cái biển hiệu trông tinh tươm vì ông vừa làm mới.

Thùng đồ nghề bằng gỗ của ông khá đơn giản gồm: dùi, kìm, dao, kéo, kim khâu, lọ keo, xi giày... Một ngày làm việc của ông Chiến bắt đầu từ 7 giờ sáng đến khi mặt trời tắt. Hết vá, may, lót đế đến đánh xi, đối tượng khách hàng của ông đa dạng từ những người làm công nhân, viên chức đến bác xe ôm, em học sinh…

“Ở Đà Nẵng, muốn sửa giày dép người ta nghĩ ngay đến con đường Hùng Vương này. Họ đến với tôi lần đầu rồi cứ thế thành quen. Có người bây giờ đã về thiên cổ rồi mà tôi vẫn còn ngồi đây đấy”, ông Chiến nói. Câu chuyện bị ngắt quãng bởi một vị khách nữ trung niên tạt qua đưa cho ông đôi giày mới toanh. Ông bảo, cô là khách ruột, chân nhỏ lắm, mang giày cỡ nhỏ nhất vẫn không vừa.

Cách duy nhất để khắc phục là đệm thêm một lớp mút bằng cao su dày 5mm dưới miếng lót giày. Rồi ông giải thích thêm, ngược lại, người có đôi chân mập bề ngang, thợ sửa giày sẽ linh động thoa nước vào phía trong bề mặt da để tăng độ đàn hồi, sau đó dùng chân giả bằng nhựa có kích cỡ lớn hơn giày một chút để “nống” cho da giãn ra.

Thời gian “nống” giày kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ để da chết. Sực nhớ vị khách khác nhờ lót thêm dưới đế một lớp cao su để đi êm hơn, ông vội lấy một miếng su, áp vào đế giày, nhấc chiếc dao nhỏ cắt men theo phần đế.

Chẳng mấy chốc tấm mút vừa khít phần đế theo tiếng dao xoẹt xoẹt, rồi ông chăm chút quét keo dán và dùng máy bào cho láng mịn. Đôi bàn tay của người đàn ông luống tuổi tiếp xúc với keo, dùi lâu năm trở nên thô ráp, sần sùi nhưng thao tác lại cực kỳ nhanh nhẹn, khéo léo. Trong khi chờ keo khô, tay ông thoăn thoắt sửa những đôi giày hở mũi, hở gót khác.

2. Tranh thủ lúc vãn khách, ông kể, mình sinh ra trong gia đình đông anh em tại quận Thanh Khê. Năm 4 tuổi, cơn sốt kéo dài khiến chân ông bị bại liệt. Học hết lớp 12, ông tính chuyện đi làm nhưng kiếm một nghề phù hợp không hề dễ với người không lành lặn. Ban đầu, ông học làm thợ sửa đồng hồ vốn khá thịnh hành thời đó, nhưng học xong lại không đủ kinh phí mở tiệm nên ông chuyển sang học nghề sửa giày và theo cho đến nay.

Ngót nghét đã hơn 40 năm gắn bó với nghề sửa giày và cũng chừng ấy năm ông ngồi ngay tại góc phố này, chứng kiến những thăng trầm của cuộc sống. Ông nhớ lại, khi ấy khu phố Hùng Vương còn khá vắng vẻ, sau lưng ông là hàng dừa tỏa bóng mát bên những khu nhà y tế, y dược…

Rồi khoảng chừng những năm 1990, con phố Hùng Vương bắt đầu sầm uất, là phố chính của Đà Nẵng về buôn bán đồng hồ, băng đĩa. Dù bây giờ nhiều con phố khác hoành tráng mọc lên nhưng với ông đây vẫn là con đường đẹp nhất, bởi cũng trên con đường này, anh chàng sửa giày nghèo khó đã gặp được vợ mình bây giờ, vốn cũng bám phố Hùng Vương mưu sinh bằng nghề bán thuốc dạo.

Họ đến với nhau ban đầu bởi sự đồng cảm về số phận rồi có được 2 mặt con. Bòn mót từng đồng từ cái nghề sửa giày nơi góc phố, vợ chồng ông nuôi hai đứa con lớn khôn. Giờ đã yên ổn công việc, chúng bảo nghỉ ngơi dưỡng già, nhưng ông Chiến vẫn bám hè phố này để mưu sinh.

Chính cái nghèo khó mấy chục năm qua đã giúp ông biết trân quý từng đồng tiền kiếm được. Vẫn thói quen tiết kiệm, buổi trưa, trên đôi nạng gỗ, ông tập tễnh đi về phía những điểm bán cơm từ thiện…

Theo ông Chiến, dù thu nhập không cao nhưng ông biết ơn cái nghề đã nuôi gia đình mình. Mỗi ngày, bên đống giày dép mới có, cũ có, vẫn công đoạn tháo, dán, vá… tưởng chừng nhàm chán nhưng lại mang đến cho ông niềm vui suốt mấy chục năm qua.

“Tôi bắt đầu khâu giày từ năm 19 tuổi, bao nhiêu đôi đã qua tay không đếm xuể. Làm cái nghề này phải có con mắt tinh và đôi tay khéo léo. Khi sửa giày, tôi luôn tận tâm, có những đôi không sửa được thì nói thẳng với khách hàng. Nghề nào cũng vậy, quan trọng nhất là phải làm tử tế, có vậy khách mới quý mến mình. Tôi yêu thích công việc làm mới cho những đôi giày cũ”, ông Chiến nói.

Trên con đường Hùng Vương này, ngày xưa có đến mấy chục người làm nghề sửa giày, dép, nhưng hiện nay chỉ còn tầm 4-5 tiệm.

Ngồi cạnh “tiệm” của ông Chiến là chỗ làm nghề bọc giấy tờ bằng thủ công (bọc nilon hơ trên lửa) của bà Lê Thị Xuân Lành (48 tuổi). Bà Lành còn nhớ khi nhỏ theo cha ra đây đã thấy ông Chiến ngồi đó và qua bao thăng trầm của nghề sửa giày, bao nhiêu người bỏ nghề kiếm việc khác mưu sinh để còn lại mỗi ông Chiến nơi góc phố này.

“Tôi và ông Chiến coi nhau như người nhà, vì bên cạnh nhau mấy chục năm rồi. Nếu mai nay ông Chiến và tôi già yếu chắc cái nghề của chúng tôi bị thất truyền luôn”, bà Lành thở dài.

3. Ngoài con đường Hùng Vương có một vài tiệm sửa giày “thâm niên”, đâu đó trên những con đường lớn của Đà Nẵng vẫn bắt gặp các quầy sửa giày, dép như một nét văn hóa thân thuộc của đô thị cũ. Và trong số đó, vẫn có những phụ nữ theo nghề này như trường hợp cô Lê Thị Thanh (sinh năm 1950, quận Thanh Khê).

Trái hẳn với dáng người thanh mảnh, cao ráo và gương mặt thanh thoát, đôi bàn tay của người phụ nữ này thô ráp, sần sùi qua gần 30 năm hành nghề sửa giày. Vốn là con nhà trí thức, bố làm trong ngành đường sắt, Thanh từng học kế toán và làm việc tại một công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh trước năm 1975.

Đôi bàn tay của người đàn ông luống tuổi, tiếp xúc với keo, dùi lâu năm trở nên thô ráp, sần sùi nhưng thao tác lại cực kỳ nhanh nhảu, khéo léo.
Đôi bàn tay của người đàn ông luống tuổi, tiếp xúc với keo, dùi lâu năm trở nên thô ráp, sần sùi nhưng thao tác lại cực kỳ nhanh nhảu, khéo léo.

Sau giải phóng, vì nhiều lý do, cô chuyển về Đà Nẵng sinh sống cùng gia đình và làm những công việc phổ thông khác. Biến cố xảy ra khi người anh trai của cô chết đuối vì cứu bạn, cha cô suy sụp, ông nghỉ việc đường sắt khi ngoài 50 tuổi và sau một thời gian, ông chọn nghề sửa giày để kiếm sống.

Mỗi lần nhớ con trai, ông ngồi thất thần nơi góc phố ngắm dòng người qua lại hoặc lao vào công việc. Mãi đến những năm 1990, cha già yếu, Thanh chính thức tiếp quản “gia sản hè phố” này. Mỗi ngày trên chiếc xe đạp cọc cạch, cô chở giá giày, những đôi giày cũ và hộp đồ nghề đến đúng vị trí cha từng ngồi mấy chục năm qua, đó là góc đường Ông Ích Khiêm-Lê Duẩn.

“Nghề sửa giày nói khó thì không khó nhưng nói dễ cũng không hẳn. Đôi khi phải dùng lực để đường may chính xác và đẹp. Có ngày kiếm được vài trăm, có khi chẳng được đồng nào, nhưng với tôi nó chứa nhiều kỷ niệm về người cha đáng kính. Tôi ngồi đây, nhìn dòng người xuôi ngược và nhìn thấy bóng dáng cha tôi rất đỗi gần gũi. Cuộc sống mỗi người một số phận và tôi chọn cái nghề này như một phần cuộc sống. Đôi khi thầm nghĩ giày dép cũng có số cơ mà! Thế là cuộc đời bỗng chốc nhẹ tênh”, cô Thanh tâm sự.

Chưa ai thống kê trên thành phố này có bao nhiêu người sửa giày dép, nhưng có thể khẳng định họ là những người theo nghề lâu năm, muốn dứt cũng khó đành. Và họ ngồi đó, lặng lẽ tạo nên mảnh ghép chân thực giữa bức tranh muôn màu của cuộc sống, là một phần hồn của văn hóa Đà Nẵng trong bức tranh xưa và nay…

Bài và ảnh: NGỌC HÀ
 

;
.
.
.
.
.
.