1. Khi đặt chân đến Seoul (Hàn Quốc), cảm giác của chúng tôi là đường phố Seoul không quá “sang chảnh”, nhưng gọn gàng, sạch sẽ và đặc biệt nhiều những tuyến đường cao tốc, cầu vượt. Những cây cầu đồ sộ và nhiều làn đường, đi trên cầu này có thể nhìn thấy 3 - 4 cây cầu khác xung quanh. Đặc biệt cây xanh, cây cổ thụ rất nhiều, đoạn đường nào, điểm đến nào cũng mướt cây xanh. Rất hiếm thấy xe máy chạy trên đường, vì hầu hết người dân đều đi lại bằng ô-tô, taxi, bus và phương tiện được người dân xứ Kim Chi lựa chọn nhiều nhất là tàu điện ngầm.
Một trạm thuê xe công cộng ở Seoul, Hàn Quốc. |
Được “chui” xuống những ga tàu điện ngầm mới thấy cuộc sống ở đây sôi nổi chẳng kém gì “trên mặt đất”. Với chúng tôi, việc đi tàu điện ngầm ở Hàn Quốc là một thử thách. Thậm chí, nếu như tôi có thể ở lại đó 6 tháng, 1 năm, tôi cảm giác vẫn chưa chắc đã có thể tự mình đi đến đúng nơi cần đến bằng tàu điện ngầm. Tàu điện ngầm chỉ mất khoảng 1 phút cho 1km, vì vậy tốc độ cũng là một thử thách với những người chưa đi quen phương tiện này. Xuống tàu một lúc lâu, chúng tôi mới có thể trút bỏ được cảm giác lắc lư lắc lư như khi đang ngồi trên tàu.
Bên cạnh tàu điện ngầm, xe đạp là phương tiện giao thông được nhiều người dân và du khách ở Seoul lựa chọn. Không như ở Việt Nam, ở đây, người ta đi xe đạp nhiều hơn xe máy. Phần lòng, lề đường luôn có khu dành riêng cho người đi xe đạp và có những điểm giữ xe đạp tự động. Tìm hiểu mới biết, từ năm 2015, chính quyền Seoul đã ra mắt một dịch vụ chia sẻ xe đạp công cộng có tên là Seoul Bike, tiếng Hàn gọi là “Ddareungi” với mục đích tạo nên một dịch vụ cho thuê xe phổ biến với đông đảo người dân và du khách. Ước tính chỉ tại thủ đô xứ này có hơn 150 trạm Ddareungi như vậy, với hơn 2.000 chiếc xe đạp, tập trung ở 5 khu vực là Yeouido, Sangam, Sinchon, khu vực Tứ đại môn và Seongsu. Đạp xe trải nghiệm Seoul được chính quyền thành phố này nhấn mạnh như một thông điệp vừa thân thiện môi trường, vừa giảm thiểu chi phí đi lại. “Sử dụng xe đạp là cách để chúng tôi khám phá những ngóc ngách, những con phố nhỏ trong lòng Seoul thay vì ô-tô và xe máy”, anh Kim Nam Dong, một người bán hàng ở gần trạm Sangnam chia sẻ.
Từ mô hình Ddareungi ở Seoul, tôi lại nghĩ về thành phố nơi mình đang ở - Đà Nẵng thân thương. Cuối tháng 6-2019, Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho biết sẽ thí điểm phát triển dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố, với khoảng 30-40 điểm đặt xe tại các quận Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Ở đó, người dùng sau khi tải ứng dụng thuê xe về điện thoại sẽ quét mã QR Code để mở khóa xe đạp. Cước phí thanh toán tương ứng với thời gian sử dụng. Hình thức này cũng sử dụng công nghệ thông minh để kết nối người dùng và phương tiện như ở Hàn Quốc. Tôi mong, dịch vụ thí điểm này sẽ sớm trở thành hình ảnh quen thuộc người ta nghĩ về Đà Nẵng, như tôi đang nhìn Seoul bây giờ. Thế thì thật tuyệt!
2. Ở Hàn Quốc, Nanta Show là một chương trình nghệ thuật mà hướng dẫn viên du lịch lẫn người bản xứ đều khuyến khích khách du lịch nên xem, thành khẩu hiệu: “Đến Hàn Quốc, phải xem Nanta Show”. Nanta Show này gồm hài kịch không lời kết hợp với bộ gõ Samul Nori truyền thống Hàn Quốc. Thời lượng của chương trình gói gọn trong 90 phút và ở đó, các diễn viên hóa thân thành những người đầu bếp, biến hóa các vật dụng xoong, nồi, chảo, đĩa, dao, thớt, chai nước, chổi... thành đạo cụ của bộ gõ, tạo ra các âm thanh vui nhộn. Nội dung chương trình diễn khá đơn giản, ở đó, ba người đầu bếp đang chật vật để hoàn thành bữa tiệc cưới thì người quản lý lại đưa vào cháu trai không biết nấu ăn để gây rối bữa tiệc.
Ngoài âm nhạc, các diễn viên còn thể hiện cả kỹ năng nhào lộn, ảo thuật, hài kịch lẫn kịch câm. Buổi biểu diễn hầu như không sử dụng tiếng nói, thỉnh thoảng chỉ xuất hiện một vài từ tiếng Anh cơ bản, cần thiết. Các diễn viên của Nanta Show chinh phục người xem bằng tài năng, bằng câu chuyện họ kể, bằng sự sáng tạo và đặc biệt là ngôn ngữ hình thể, khả năng tương tác với khán giả và khuấy động sân khấu. Mặc dù đã được “cảnh báo” là khi xem chương trình này sẽ cười “té ghế”, nhưng thực sự là tôi và đồng nghiệp không thể nhịn cười bởi sự hài hước mà nghệ sĩ nước bạn mang lại.
Không hiểu sao, xem Nanta Show ở Hàn, tôi lại nhớ về chương trình nghệ thuật “Hồn Việt” đang diễn ra hằng đêm ở Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Chương trình còn rất mới. Mỗi đêm diễn trọn vẹn 60 phút dễ xem, dễ cảm nhận qua những trích đoạn tuồng kinh điển, những điệu múa đặc trưng mang đậm sắc màu dân tộc. Nét chung của show diễn xứ Hàn và chương trình nghệ thuật tuồng truyền thống tại thành phố bên sông Hàn có lẽ là sự cháy hết mình của các nghệ sĩ. Khá mê nghệ thuật truyền thống, ngày còn ở Đà Nẵng, tôi vẫn thu xếp đi xem “Hồn Việt” và nhận thấy lượng khách tuy chưa quá đông, nhưng có thể nhận thấy những tín hiệu khả quan trong khâu tổ chức lẫn cảm xúc của khán giả. Những vị khách Tây, khách Hàn Quốc hào hứng quay phim, chụp ảnh chương trình, những tràng vỗ tay vẫn rôm rả sau mỗi màn diễn.
Chúng tôi có cảm giác, “Hồn Việt” đã và đang đi đúng hướng, dù chưa thể đạt tới quy mô và sức ảnh hưởng rộng như chương trình nghệ thuật nổi tiếng xứ Hàn. Nhưng với một di sản văn hóa phi vật thể như tuồng, cùng sự nhiệt tâm, chăm chút xây dựng chương trình, cháy hết mình trong biểu diễn đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, tôi rất tin vào những điều tốt đẹp trong tương lai không xa của tuồng, nghệ thuật truyền thống Đà Nẵng, xứ Quảng nói chung.
Hình ảnh phục dựng làm kim chi truyền thống tại Bảo tàng Kim chi tại Seoul, Hàn Quốc. |
3. Một trong những điều tôi ấn tượng đặc biệt ở Seoul là Bảo tàng rong biển và kim chi. Nơi này đã mở cửa đón du khách trong 30 năm qua, với mục đích gìn giữ và phát huy văn hóa ẩm thực truyền thống của Hàn Quốc, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về kim chi nói riêng và những món ăn đặc trưng của Hàn Quốc nói chung. Ở đó, có khu trưng bày, giới thiệu lịch sử quá trình làm nên món kim chi nổi tiếng thế giới của đất nước này.
Tháng 8-2019, khi chúng tôi tần ngần trong ký ức Seoul, nhớ bảo tàng rong biển và kim chi, thì cũng là lúc đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” được đề cập như một phương án phát triển làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô. Đề án có nhắc đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, hình thành khu trưng bày làng nghề cũng như tuyên truyền, tập huấn phục vụ du lịch cho người dân ở Nam Ô. Ngày 27-8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện ký Quyết định số 2974/QĐ-BVHTTDL công bố nghề làm nước mắm Nam Ô nằm trong danh mục các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Những tín hiệu vui đó khiến không chỉ người Nam Ô - như tôi mà những người Đà Nẵng nói chung thêm một lần tự hào. Biết đâu sẽ có một bảo tàng nước mắm Nam Ô trong tương lai gần, như cách mà người Hàn tạo nên bảo tàng rong biển và kim chi, như cách người Nhật có bảo tàng “mì ăn liền” hay ở ngay nước ta đây thôi, cũng có một bảo tàng về nước mắm tên Làng Chài Xưa ở thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).
Bài và ảnh: HẠ MÂY