Có mẹ là giáo viên nên từ nhỏ, cô Lê Thị Bích Thuận - giáo viên Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh, đã yêu nghề giáo. Rồi đến khi đi học được nghe thầy, cô giảng bài, cô tự nhiên đâm ra mê cái cách được thả hồn vào những áng văn chương và từng bước cảm nhận ở đó những điều kỳ thú mà tác giả gửi gắm...
Cô giáo Lê Thị Bích Thuận trong một giờ lên lớp. (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19). Ảnh: V.T.L |
1. Cả lớp học chừng như chùng xuống, sau khi nghe cô giáo Lê Thị Bích Thuận giảng bài “Chuyện người con gái Nam Xương” dựa theo truyện cổ tích “Vợ chàng Trương” trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Đó là một bi kịch xuất phát từ sự ghen tuông nông nổi của người chồng khiến cho người vợ đoan chính (tên là Vũ Nương) phải tìm đến cái chết và chịu tiếng oan khuất.
Một cánh tay giơ lên, phá tan vẻ yên ắng của lớp học bằng một câu hỏi rất hay: “Thưa cô, tại sao phụ nữ thời đó chấp nhận cái chết như Vũ Nương mà không tìm cách minh oan cho mình?”.
Cô giáo dừng một lát, rồi thong thả trả lời: “Chế độ trọng nam khinh nữ đã đặt vào tay người chồng Trương Sinh một thế lực quá lớn. Dù bà con hàng xóm lên tiếng bênh vực Vũ Nương nhưng chàng không nghe. Và chính sự hồ đồ độc đoán, ghen tuông mù quáng của chàng khiến Vũ Nương chỉ còn chọn bước đường cùng đau đớn, thất vọng như thế”.
Lần khác, trước thân phận Thúy Kiều trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, có em hỏi: “Vì sao một phụ nữ thông minh, tài sắc vẹn toàn như Kiều lại không nhận ra âm mưu của người đời mà phải cam chịu 15 năm luân lạc?”. Một em khác “bồi” thêm: “Thúy Kiều khi xa nhà, nhớ người yêu trước, nhớ cha mẹ sau, như thế có phải là đặt chữ tình lên trên chữ hiếu không?”...
Đó là những câu hỏi khiến cho bất cứ một giáo viên dạy Văn nào cũng cảm thấy hạnh phúc. Bởi, học trò có thực sự để tâm dõi theo từng chi tiết của tuyến nội dung bài giảng mới có thể bật ra những câu hỏi “làm khó” thầy mình đến thế. Bích Thuận cũng vậy, hài lòng vì học trò mình, sau một hồi để các em sôi nổi bàn luận, cô mới lên tiếng: “Kiều đã bán mình chuộc cha, nên yên tâm phần nào với chữ hiếu. Còn với người yêu (Kim Trọng), nàng và chàng đã cùng nhau thề non hẹn biển nên phải giữ vẹn lời thề”.
Học trò vẫn chưa chịu “buông tha”: “Em thấy như thế là không được. Dù gì cũng phải lấy chữ hiếu làm đầu”. Đên đây, cô Thuận dứt khoát: “Nếu vì chữ hiếu mà phụ bạc chữ tình thì càng ray rứt vì tình. Trong trường hợp nàng Kiều lúc đó, nỗi nhớ cái nào trước cái nào sau cũng chỉ là nỗi nhớ, ta đừng vin vào đó mà đánh đồng với sự bất hiếu của nàng”.
Lời cô giáo khiến học trò “tâm phục khẩu phục”. Trò càng thấy thích thú học môn Ngữ văn và đội của cô ngày một đông hơn.
2. Bích Thuận, quê làng Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Năm 2001 cô đỗ vào Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. Tháng 9-2004, sau khi tốt nghiệp cô về làm giáo viên bộ môn Ngữ văn Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh, xã Hòa Khương. 4 năm sau cô làm Tổ trưởng tổ Văn, 4 năm sau nữa phụ trách bồi dưỡng học sinh giỏi khối lớp 9.
Ngữ văn là môn học “rất khó nhằn” đối với không ít học sinh, nhất là khi học sinh phần lớn ở miền trung du, cuộc sống còn nhiều khó khăn như Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh, muốn tạo hứng thú môn Ngữ văn cho các em đâu phải chuyện ngày một ngày hai. Từ thực tế đứa học trò là cô khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông, Bích Thuận luôn suy nghĩ, sáng tạo ra nhiều hình thức để níu kéo học sinh đến với môn Ngữ văn.
Sau 8 năm phụ trách dạy Ngữ văn khối lớp 9, cô xác định, một trong những “cú hích” để học sinh cảm thấy thích thú với môn học mình đang phụ trách là thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, trong đó ưu tiên sử dụng công nghệ thông tin qua ứng dụng PowerPoint nhằm tạo tương tác tích cực giữa cô và trò bằng các hình ảnh trực quan sinh động. Với cô, công nghệ thông tin như là chiếc cầu nối, là con thuyền để đưa học sinh đến miền đất văn chương, khám phá những hoa thơm cỏ lạ nơi này để rồi đem lòng yêu mến nó. Những giờ học Văn sôi nổi, hứng thú nói trên là hiệu quả tích cực cho tìm tòi, sáng tạo của cô giáo 8X đầu đời này.
Hôm gặp chúng tôi ở Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh, cô còn “bật mí” thêm những phương pháp đổi mới của mình trong việc kiểm tra, đánh giá kiến thức mà học sinh tiếp nhận được. Cô cho các em tham gia các dự án theo chủ đề như: “Sưu tầm tranh ảnh, ca dao, thơ ca về chân dung các nhà văn xứ Quảng”; “Vẽ tranh minh họa về các nhân vật trong tác phẩm văn học” (Truyện Kiều , Đồng chí (Chính Hữu), Bếp lửa (Bằng Việt)... Các dự án này tạo ra một thư khố làm phong phú thêm giáo cụ trực quan, nhất là tạo nên một “làn sóng” kích hoạt nhiều hứng thú cho học sinh đến với Ngữ văn và tham gia vào đội bồi dưỡng môn học này.
3. Năm học 2014 - 2015 có một “sự kiện” để lại dấu ấn khó quên trong quãng đời làm nhà giáo của Bích Thuận. Lúc đó ở trường có em Đinh Ngọc Thúy Duyên là học sinh giỏi xuất sắc toàn diện, giáo viên phụ trách các môn học đều “ngắm nghé” muốn em về với đội mình.
Một bữa, Duyên tìm gặp Bích Thuận rồi nhỏ nhẻ thưa: “Em về đội của cô”. Một câu nói suýt làm cô giáo... choáng váng! Từ lâu cô rất mong em về với đội của cô, nhưng ngại ngần không muốn... ngỏ lời. Môn học nào em cũng giỏi, hà cớ gì em lại chọn về với Ngữ văn? Tuy nghĩ vậy, nhưng cô cảm thấy hãnh diện và cho đây là một áp lực rất lớn đối với mình. Cô dành hết thời gian rảnh rỗi bồi dưỡng cho Duyên và cả đội.
Thời gian trôi qua, mọi cố gắng, nỗ lực của cô và trò đã được đền đáp xứng đáng: Duyên đoạt giải Nhất môn Ngữ văn kỳ thi học sinh giỏi toàn thành phố. Ít ai ngờ một học sinh THCS xa tít tắp tận xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, lại được ghi tên vào “bảng vàng” đầy vinh dự. Thành công ngoài mong đợi này đã tạo tiền đề cho các năm học sau ở Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh. Lớp bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn các năm qua có nhiều học sinh giỏi cấp thành phố đoạt các giải Nhất, Nhì, Ba.
Cô Thuận chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng từ năm 2011. Thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, cô nhiều năm liền tổ chức cho học sinh toàn trường tham gia cuộc thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”. Thật ngẫu nhiên, Duyên từng dự thi và đoạt giải Nhất với câu chuyện về chiếc đồng hồ. Em kể, một lần, khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng, Bác rút trong túi áo ra một chiếc đồng hồ quả quýt và phân tích về mối liên hệ giữa kim giờ, kim phút, kim giây khiến cho ai ai cũng hiểu được giá trị của nó. Câu chuyện tuy ngắn nhưng để lại một bài học vô giá về tinh thần đoàn kết, đánh tan những suy nghĩ ích kỷ, cá nhân.
Duyên giờ là sinh viên năm thứ ba Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm như cô giáo mình ngày trước. Năm rồi em về thăm trường xưa, tỉ tê cùng cô giáo những kỷ niệm buồn vui một thuở. Cô giáo chừng như nhìn thấy một quãng đời của mình qua dáng hình của học trò cũ. Cô có mẹ là giáo viên nên từ nhỏ đã mến yêu nghề giáo. Rồi đến khi đi học được nghe thầy, cô giáo giảng bài, tự nhiên cô đâm ra mê cái cách được thả hồn vào những áng văn chương và từng bước cảm nhận ở đó những điều kỳ thú mà tác giả gửi gắm.
“Nghề Văn” đã giúp cô đoạt giải Nhất cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (1925 - 2015)” do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức năm 2017. Để có kết quả này, cô đến thư viện kiếm tìm tư liệu, chọn lọc trong rừng kiến thức đó những gì tinh túy nhất. Ngoài bài tự luận, còn có 40 câu hỏi, cô nói, toàn những câu hỏi hay và rõ ràng nên cô vượt qua dễ dàng. Cuộc thi đi qua, vẫn còn ở lại trong cô những hình ảnh, những trang văn khiến cô cảm thấy càng yêu quê hương mình hơn. Tháng 4 vừa qua, cô Bích Thuận cũng là một trong những cá nhân được nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hòa Vang vì đã có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Quê hương, với cô, còn có thế hệ những mái đầu xanh được cô “nhóm lửa” để thắp lên đam mê bên những áng văn chương kim cổ. Hôm đó, nhìn bóng dáng cô sinh viên năm ba từng “về đội của cô” khuất sau cổng trường, lòng cô dấy lên một niềm hạnh phúc...
VĂN THÀNH LÊ