Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước và thế giới với nhiều biến chủng mới nguy hiểm. Việc huy động mọi nguồn lực để sớm tiêm vắc-xin cho toàn dân nhằm đạt ngưỡng miễn nhiễm cộng đồng đang được xem là giải pháp mang tính chiến lược. Trước tình hình đó, ngày 26-5-2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 (sau đây gọi tắt là Quỹ vắc-xin); đồng thời kêu gọi toàn dân chung tay đóng góp.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng (thứ 2, phải sang) tiếp nhận kinh phí ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 từ doanh nghiệp. |
Tại Đà Nẵng, những ngày qua đã có hàng trăm lượt đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ vắc-xin, từng bước hiện thực hóa mục tiêu tiêm vắc-xin miễn phí cho cộng đồng.
1. Một buổi chiều giữa tháng 6-2021, có mặt tại buổi phát động ủng hộ phòng, chống Covid-19 do Mặt trận phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) tổ chức, tôi ngạc nhiên trước danh sách hàng chục tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ. Sau khi ban tổ chức đọc tên, lần lượt đại diện của 20 khu dân cư; lực lượng Công an, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Tù yêu nước phường; các trường học; cán bộ, công chức, dân quân; các công ty, cơ sở kinh doanh và nhiều cá nhân lên sân khấu trao ủng hộ. Cuối buổi, Mặt trận phường tổng kết và thông báo số tiền nhận được hơn 350 triệu đồng.
Là người trực tiếp đón nhận những tấm lòng vàng, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thạc Gián phấn khởi nói: “Lần đầu tiên chỉ trong một buổi phát động ở cấp phường chúng tôi nhận được con số ủng hộ ấn tượng như thế! Đây là những con số biết nói thể hiện sự sẻ chia, nhân ái, nghĩa tình đồng bào và sự đồng thuận của nhân dân trong lúc đất nước khó khăn. Đây cũng là minh chứng rõ nhất cho câu nói: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Bởi theo ông Hoàng, trải qua 4 đợt dịch, không ai tránh khỏi khó khăn. Ấy vậy mà khi Mặt trận phường phát động ủng hộ, dù ít dù nhiều, tất cả mọi người đều chung tay, góp sức. “Tôi tin rằng với sự đồng lòng của cả xã hội, Quỹ vắc-xin sẽ ngày càng lớn mạnh, sớm có đủ nguồn lực để tiêm vắc-xin cho toàn dân”, ông Hoàng bộc bạch.
Tại phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu), sau khi thư kêu gọi của Mặt trận phường được phát đi, tại buổi đọc báo đầu tuần, phường tổ chức ủng hộ Quỹ vắc-xin. Một chiếc thùng nhỏ với dòng chữ “Ủng hộ Quỹ vắc-xin” được đặt giữa hội trường. Lần lượt từng thành viên của Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, các hội, đoàn thể và cán bộ, công chức phường đến bỏ bì thư vào thùng quyên góp. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, công chức phường còn gửi tin nhắn ủng hộ về Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia qua Tổng đài 1408 với mong muốn góp thêm một phần kinh phí vào mục tiêu chung.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Dương Đình Liễu cho biết, sau lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về ủng hộ phòng, chống Covid-19, như một lời hiệu triệu, Mặt trận các cấp từ thành phố đến khu dân cư đã đồng loạt phát động ủng hộ Quỹ vắc-xin và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng. Thực tế thời gian qua cho thấy, công tác kêu gọi, đóng góp phòng, chống Covid-19 nói chung, đóng góp Quỹ vắc-xin Covid-19 nói riêng dường như trở thành phong trào rộng khắp trong toàn dân. Từ những cán bộ hưu trí đến các em nhỏ; từ người dân từ thành thị đến nông thôn; từ công nhân, lao động đến cán bộ, công chức, viên chức, tất cả đều đồng lòng, chung sức cho Quỹ vắc-xin. Của ít lòng nhiều, ai ai cũng muốn đóng góp một phần vào mục tiêu chung của đất nước.
Các thành viên CLB Môi trường Nhí (giữa) ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 cho đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thuận Phước Ảnh: LAM PHƯƠNG |
2. Tôi có hẹn với ông Nguyễn Văn Chước (trú tổ 25, phường Thạch Thang, quận Hải Châu) - một cán bộ hưu trí tiên phong ủng hộ Quỹ vắc-xin - sau cuộc điện thoại dài thuyết phục. Mở cổng đón tôi là cụ ông ngoài 90 tuổi, mái tóc bạc, bước đi chậm rãi. Ông Chước kể, mình từng là người lính Bộ đội Cụ Hồ, tham gia chiến đấu khắp chiến trường miền Bắc, miền Trung và Campuchia. Sau hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, ông trở về với thương tích 36%, là thương binh hạng 4/4.
Bà Lê Thị Phước (80 tuổi, vợ ông Chước) cũng mang nhiều vết thương do chiến tranh, sức khỏe giảm sút. Thế nhưng, khi nghe tin Chính phủ kêu gọi ủng hộ Quỹ vắc-xin, vợ chồng ông Chước không ngần ngại mở chiếc rương cũ, mang tiền tích lũy 10 triệu đồng ra ủng hộ. Hướng đôi mắt nhìn về phía con đường Nguyễn Thị Minh Khai, ông Chước hồi tưởng về những ngày chưa có dịch bệnh, con đường rất nấp nập, sầm suất. Ấy vậy mà gần 2 năm nay, Covid-19 xuất hiện khiến cuộc sống của hầu hết nhân dân đều khó khăn.
“Từng là người lính, tôi luôn thường trực suy nghĩ khi đất nước cần, mình nên góp sức. Bây giờ là lúc đất nước cần, tôi tuổi cao, sức yếu không làm được việc lớn, chỉ có thể góp một phần bé mọn của mình để cùng đất nước chống dịch”, ông Chước bộc bạch.
Không chỉ những cán bộ hưu trí, phong trào chung tay cho Quỹ vắc-xin cũng được nhiều em nhỏ đang là học sinh, sinh viên hăng hái tham gia. Các em nhỏ trong CLB Môi trường Nhí (thuộc khu dân cư Bình Phước 1, phường Thuận Phước, quận Hải Châu) là một ví dụ. Vừa qua, các em đã ủng hộ Quỹ vắc-xin 2 triệu đồng. Điều đáng nói, số tiền 2 triệu đồng này được trích từ quỹ do chính các em tạo ra thông qua việc thu gom, phân loại rác thải tài nguyên.
Ông Phạm Công Lương, Bí thư Chi bộ Bình Phước 1 cho biết, CLB Môi trường Nhí được thành lập từ năm 2013 gồm các cháu 6-15 tuổi. Hằng tuần sau giờ học, các cháu cùng nhau đẩy xe đi thu gom rác tài nguyên quanh khu phố; nhặt chai, lọ vương vãi tập kết về một điểm và bán gây quỹ. Ông Lương kể rằng, ngay khi khu dân cư phát động nhân dân đóng góp Quỹ vắc-xin, các cháu trong CLB Môi trường Nhí cũng đồng loạt hưởng ứng và bàn nhau trích quỹ 2 triệu đồng để ủng hộ vì mục tiêu chung. Là người trực tiếp trao kinh phí ủng hộ đến Mặt trận phường, em Hồ Lê Khôi (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, phường Thuận Phước) từ tốn nói: “Thực hiện lời dạy tuổi nhỏ làm việc nhỏ của Bác, CLB chúng em xin được góp một việc nhỏ để chung tay cùng đất nước xây dựng Quỹ vắc-xin thêm lớn mạnh”.
3. Bên cạnh vận động đóng góp Quỹ vắc-xin toàn dân, phong trào chung tay xây dựng quỹ vắc-xin cho công nhân nghèo được tổ chức Công đoàn và nhiều đơn vị, doanh nghiệp chú trọng. Bởi theo ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố, công nhân lao động là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong duy trì hoạt động ổn định, bền vững của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế, công nhân lao động là một trong những đối tượng cần được bảo vệ an toàn. Với ý nghĩa đó, LĐLĐ thành phố và 11 Công đoàn cấp trên trực tiếp đã trích kinh phí để ủng hộ gần 2,64 tỷ đồng cho chương trình “Triệu liều vắc-xin cho công nhân nghèo”. Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố cũng vận động tất cả đoàn viên, người lao động, Công đoàn cơ sở các cấp và cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay đóng góp Quỹ vắc-xin của Chính phủ với tổng số tiền hơn 740 triệu đồng.
Theo đại diện Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng, Báo Lao Động tại miền Trung - Tây Nguyên - đơn vị tiếp nhận hỗ trợ, chương trình “Triệu liều vắc-xin cho công nhân nghèo” được Tổng LĐLĐ Việt Nam và Báo Lao Động phát động từ cuối tháng 5-2021 với mong muốn toàn bộ người dân Việt Nam, đặc biệt là những người lao động nghèo được tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19. Toàn bộ kinh phí ủng hộ chương trình sẽ được chuyển về Bộ Y tế để mua vắc-xin tiêm cho công nhân, người lao động nghèo trên cả nước, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu tiêm vắc-xin cho toàn dân.
Có thể thấy rằng, suốt 2 năm qua, cả thành phố đã trải qua liên tiếp các đợt bùng phát Covid-19. Mỗi đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đều hơn một lần lao đao vì dịch bệnh. Thế nhưng, khi cần, tất cả đều đồng lòng, tình nguyện chung tay xây dựng Quỹ vắc-xin. Điều này đã một lần nữa khẳng định tinh thần tương thân, tương ái và trách nhiệm xã hội của mỗi người. Với tinh thần đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng mục tiêu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong toàn dân không còn xa.
LAM PHƯƠNG