Năm nay 91 tuổi, ông Huỳnh Phương Bá (tổ 17 phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) có một hành trình học tập thật đáng khâm phục. Sự học của ông bắt đầu từ truyền thống hiếu học của gia đình “cho con cái chữ thì không mất đi đâu”.
Ông Huỳnh Phương Bá bên tủ sách của mình. Ảnh: TRỌNG HUY |
Căn nhà sách
Căn nhà ông Bá nằm cuối một con hẻm trong kiệt đường Trưng Nữ Vương. Một không gian yên bình, tĩnh lặng hiếm có giữa phố xá ồn ào. Trước sân nhà có một khoảng trống để trồng cỏ xanh ngắt; cây nguyệt quế tỏa bóng, nở hoa che bộ bàn ghế làm tăng lên sự tao nhã.
Trong căn nhà cấp 4 ấy, ngoài các phòng ngủ, khu sinh hoạt chung là các “thư viện” đầy sách. Sách chính trị trong phòng ngủ của ông, sách văn học ở phòng khách và sách Hán - Nôm, Pháp văn ở một căn phòng riêng. Có hơn 2.000 đầu sách các loại trong các “thư viện” ấy.
Tôi cũng là người yêu, quý sách. Lạc vào “thư viện” sách ấy làm tôi choáng ngợp và kính phục chủ nhân của nó. Kính phục bởi sự đam mê, sự hiểu biết đến tận tường gốc rễ vấn đề và sự minh mẫn đến diệu kỳ của cụ ông đã qua tuổi 91.
“Thê Húc” nghĩa là “giọt ánh sáng đậu lại” hay “Ngưng tụ hào quang”. Cầu Thê Húc là ánh hào quang ngưng tụ trên cầu. Hay thế, ý nghĩa thế mà dễ gì mấy ai hiểu được. Tuyệt vời! Hay “Tử Cấm Thành” là thành cấm màu tía. “Tử” ở đây là “tía”, “màu tía”, chứ không phải là “con”, là “chết”…”, ông Bá giải nghĩa cho người viết cái hay của một số từ Hán.
Trong không gian ngập tràn sách của ông Bá, có bộ sách “Văn kiện đại hội Đảng” qua các thời kỳ hầu như không thiếu kỳ đại hội nào. Bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập”, “Lê-nin toàn tập” được ông Bá sưu tầm đầy đủ. Chưa kể, sách về các vị tướng, các danh nhân văn hóa cũng được chủ nhân căn nhà tìm về hoặc được biếu, tặng đặt lên giá sách. Trong kho sách Hán - Nôm, có bộ “Đại Việt Sử ký toàn thư”, 17 cuốn “Từ điển Hán - Nôm”, hàng trăm cuốn Pháp văn… Và dĩ nhiên, không thể thiếu được tủ sách văn học, gồm những bộ tiểu thuyết kinh điển, sách dành cho thiếu nhi, sách dành cho giới nghiên cứu…
Một trang bản thảo báo người Pháp viết về quần đảo Hoàng Sa từ những năm 20 của thế kỷ XX được ông Bá sưu tầm, dịch lại. Ảnh: TRỌNG HUY |
Nguồn tri thức vô tận
Ông Bá kể, hồi nhỏ, tuy gia đình đông con, nhưng cha mẹ ông vẫn quan tâm đến sự học của các con. Tất cả anh, chị em ông Bá đều được theo học, từ Pháp ngữ đến Quốc ngữ.
“Mẹ tôi bảo, cho con cái chữ cất trong bụng thì không sợ mất đi. Cho ăn bữa no rồi cũng sớm tiêu hết. Vì thế, anh, chị, em chúng tôi đều được đến trường dù gia đình chẳng khá giả gì. Phần vì trường ở gần nhà (quê ông ở xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, chỉ cách thị trấn Vĩnh Điện, nơi có trường học chưa tới 3km - PV), sau lớn hơn chút thì xuống Hội An học trường tư thục. Hồi đó là trước 1945 chủ yếu học Pháp ngữ. Cho đến năm 1950 thì tôi đi bộ đội, sự học mới bị gián đoạn cho đến lúc về hưu”, ông Bá tâm sự.
Sau 40 năm lăn lộn trong quân ngũ, năm 1990 ông Bá nghỉ hưu với hàm Đại tá. Thời điểm về hưu, điều kiện kinh tế khó khăn, con cái chưa trưởng thành, dù bắt đầu ôn tập lại kiến thức Pháp ngữ, ông Bá cũng không có nhiều thời gian cho việc học.
Năm 1995, sau nhiều lần về quê, bắt gặp nhiều câu tiếng Hán ở nhà thờ, ở lăng mộ, các tài liệu còn được lưu giữ mà không ai đọc, hiểu được. Ông nảy sinh ý định đi học chữ Hán để giải nghĩa những bí ẩn đằng sau lớp chữ tượng hình đó. Suốt 10 năm liên tục, ông tự học, tự mày mò kiến thức cơ bản đến chuyên sâu, đến khi cảm thấy cơ bản nắm vững kiến thức về Hán - Nôm, đọc, hiểu, giải được nghĩa của từ. Ông bắt đầu tuyên truyền, rủ rê nhiều người học cùng mình.
Năm 2006, sau khi được Hội Khuyến học phường Hòa Thuận Tây khuyến khích, ông Bá thành lập CLB Hán - Nôm phường Hòa Thuận Tây. Sự phát triển của CLB Hán - Nôm này được Hội Khuyến học quận Hải Châu quan tâm. Năm 2009, CLB Hán - Nôm quận Hải Châu được ông Bá thành lập. Năm 2012, ông được Hội Khuyến học thành phố mời tư vấn và thành lập Trung tâm Hán - Nôm thành phố trực thuộc Thành hội.
“Có một chuyện vui khi thành lập Trung tâm Hán - Nôm thành phố. Theo quy định, việc thành lập Trung tâm phải bảo đảm các điều kiện như giám đốc Trung tâm phải có trình độ đại học, dưới 60 tuổi; có cơ sở vật chất bảo đảm; có giáo trình chuyên môn đầy đủ. Trên thực tế, Trung tâm chỉ có mấy ông già ngoài 60 tuổi; hầu như không bảo đảm các điều kiện theo quy định. Do đó, Trung tâm chỉ mang danh và trực thuộc Hội Khuyến học thành phố, dù vẫn có giám đốc, phó giám đốc”, ông Bá chia sẻ.
Điều đáng nói, lãnh đạo thành phố vẫn ghi nhận, quan tâm đến Trung tâm Hán - Nôm thành phố, vẫn hỗ trợ để duy trì hoạt động của Trung tâm. Từ việc thành lập Trung tâm Hán - Nôm thành phố, đến nay ngoài CLB Hán - Nôm Hải Châu, đã phát triển được CLB Hán - Nôm Sơn Trà, CLB Hán - Nôm Ngũ Hành Sơn… Các lớp học Hán - Nôm được mở miễn phí, không chỉ tại Đà Nẵng mà còn lan vào tận tỉnh Quảng Nam do ông Bá và các đồng môn đứng lớp.
Ngoài việc lược dịch chữ Hán, bằng vốn kiến thức sâu sắc của mình, ông Bá còn tham gia dịch tiếng Pháp cho thành phố như các công trình sách “Cuộc khởi nghĩa Duy Tân”, “Cuộc chiến đấu của Nguyễn Tri Phương”... Ông cũng dịch lại các bài báo do người Pháp viết về quần đảo Hoàng Sa từ những năm 20 của thế kỷ XX. Các tài liệu này ông đã tặng lại cho Nhà Trưng bày Hoàng Sa.
Trong căn phòng chưa đầy 10m2 làm nơi ngủ, nghỉ, đọc sách và viết, ngày ngày ông Bá vẫn miệt mài tìm kiếm, “thu lượm lặt kiến thức” - cách nói của ông, từ Pháp văn đến giải nghĩa từ Hán - Nôm. Mỗi ngày ông đều ghi lại những đoạn Pháp văn, những từ Hán - Nôm mà ông còn băn khoăn, chưa hiểu để tra cứu, giải nghĩa cặn kẽ.
“Khi giải nghĩa được chúng, tôi mới yên tâm, mới ngủ ngon giấc được. Trước đây tôi cứ mặc định từ Căng-tin (tiếng Pháp là cantine) là nơi bán đồ ăn, thức uống cho khách. Nhưng sau khi tìm hiểu, tra từ, đối chiếu, thì “cantine” còn có nghĩa là cái hòm đựng đồ. Tiếng nước ngoài, nói, đọc hiểu không thể lơ mơ được đâu. Nếu đặt sai ngữ cảnh dẫn đến dịch, giải nghĩa sai có khi rất tai hại”, ông Bá nói.
Theo nhiều người dân trong khu phố chia sẻ, có thời điểm khi văn hóa đọc được mọi người quan tâm (1990 - 2007), hằng ngày có 30-50 lượt người tìm đến tủ sách nhà ông Bá để đọc, mượn về tham khảo, nghiên cứu. Thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, nhà ông Bá như ngày hội. Sân trước, sân sau có nhiều bóng mát và cây trái, trở thành nơi các em nhỏ đến đọc sách nô đùa; người già đến uống nước, đọc sách và bàn luận về thời cuộc, tranh luận về những cuốn sách hay mà mình thích…
Theo ông Bá, sự đọc bây giờ có phần bị chi phối từ internet, mạng xã hội. Dẫu vậy, ông vẫn tin tưởng, sách là nguồn tri thức, kiến thức vô tận, vô giá của nhân loại không thể có gì thay thế được. Các bậc làm cha, làm mẹ cần có thái độ nghiêm túc, cần có phương pháp để hướng con mình có thói quen đọc sách, xây dựng văn hóa đọc ngay chính từ trong gia đình, thì văn hóa đọc sẽ được cải thiện, nâng tầm.
Và chuyện tình đi vào huyền thoại
Trong câu chuyện về sự học, về hành trình 40 năm binh nghiệp của mình, ông Bá không quên nhắc đến câu chuyện tình của vợ chồng ông.
“Câu chuyện 13 năm xa cách của chúng tôi sau ngày cưới, báo chí, truyền hình đã viết, kể nhiều rồi. Tôi nghĩ, tình yêu, nghĩa vợ chồng dù hoàn cảnh nào, thì sự quan tâm, chia sẻ, biết yêu thương lẫn nhau sẽ tạo nên bền chặt”, ông Bá kể.
Qua lời kể của ông Bá, qua tìm hiểu của người viết về chuyện tình đã đi vào huyền thoại ấy, thực sự xúc động và cảm phục vô cùng. Năm 1960, khi đang tập kết tại Nghệ An, ông Bá yêu rồi cưới bà Vương Thị Tiệng (nay đã mất) quê huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1961, ông Bá quay lại chiến trường Khu 5 và chiến đấu 13 năm liền. Đến năm 1974 ông Bá mới trở ra Bắc, vợ chồng mới gặp lại nhau và một năm sau thì có con gái đầu lòng.
Câu chuyện vợ chồng ông Bá và bà Tiệng về 13 năm xa cách được kể qua 126 bức thư đi và đến từ hai đầu nỗi nhớ (những bức thư này nay được Bảo tàng Quân khu 5 bảo quản, gìn giữ). Những bức thư như những cuốn hồi ký, như thước phim quay chậm về nghĩa vợ chồng son sắt, hy sinh tình yêu đôi lứa trong chặng đường đầy gian lao để sống và chiến đấu cho Tổ quốc.
Nhìn đôi mắt long lanh của ông già 91 tuổi, mơ màng khi những dòng hồi tưởng về người vợ quá cố, về thời trai trẻ trên chiến trận mà sau lưng hậu phương là người vợ trẻ mỏi mòn đợi chờ, hy vọng “còn sống” của chồng qua từng cánh thư khiến câu chuyện chúng tôi chùng lại, rơi vào thinh không giây lát. Chiến tranh tàn phá những thứ cản đường nó. Nhưng có thứ nó không bao giờ chạm đến được, đó là tình yêu thương con người, tình nghĩa vợ chồng chung thủy, sắt son.
13 năm chia cách trong chiến tranh, trong sự chờ đợi dài đằng đẵng càng tô thắm thêm tình yêu thủy chung đẹp đẽ của vợ chồng ông Bá, để rồi khi chiến tranh qua đi, họ đã tìm đến được bến bờ hạnh phúc, sum vầy. Tình yêu ông Bá và bà Tiệng làm tôi liên tưởng đến tình yêu của cô Nguyệt và anh Lãm trong tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Giữa chết chóc, đạn bom, tình yêu lứa đôi vẫn như sợi chỉ xanh óng ánh nối qua không gian và thời gian, bền chặt không thể tách rời. Tình yêu của họ như một biểu tượng của tuổi trẻ một thời hiến dâng tuổi xuân cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có lẽ, sự kiên trinh ấy giải thích vì sao sức học bền bỉ của ông Bá, dẫu tuổi đời đã ngoài 90, nhưng sự học với ông dường như chưa bao giờ cạn…
TRỌNG HUY