Nguy cơ mắc Covid-19 do thông khí kém trong nhà

.

Giới nghiên cứu khẳng định, các hạt mang mầm bệnh Covid-19 có thể lây nhiễm cho những người ở cách xa vài mét trong phòng có hệ thống thông khí kém.

Giáo sư Li Yuguo giải thích về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 qua không khí trong không gian kín và ở cự ly gần. Ảnh: HKU.
Giáo sư Li Yuguo giải thích về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 qua không khí trong không gian kín và ở cự ly gần. Ảnh: HKU.

Giãn cách 1,5m vẫn có nguy cơ lây bệnh qua không khí

Theo các nhà nghiên cứu, để tránh lây nhiễm Covid-19 (do virus SARS-CoV-2 gây ra) ở các môi trường trong nhà thiếu thoáng khí, người dân cần phải giãn cách lớn hơn, với khoảng cách khuyến nghị tối thiểu là 1,5m.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy các giọt bắn từ miệng một người có đi xa vài mét, có khả năng làm lây nhiễm cho những người ở góc khác của phòng.

Nghiên cứu chung của Đại học Hong Kong, Đại học Tôn Dật Tiên (Trung Quốc đại lục) và Đại học Đông Á (cũng ở Trung Quốc đại lục) có thể cài đặt lại các thông số về giãn cách xã hội đang được thực thi trên toàn cầu. Hiện tại chưa có sự đồng thuận giữa các nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách về giãn cách xã hội.
Trong một trường hợp đã được xác nhận, các giọt bắn và hạt khí dung (aerosol) có thể đi xa tới 9,5m.

Giáo sư Li Yuguo, một chuyên gia có uy tín hàng đầu về dòng khí và tuần hoàn khí trong các tòa nhà và môi trường của chúng, đến từ Khoa Cơ khí Đại học Hong Kong, đã thực hiện một loạt điều tra dịch tễ học và môi trường về 2 cụm lây nhiễm Covid-19 điển hình ở siêu thành phố Quảng Châu của Trung Quốc cũng như tỉnh Hồ Nam ở miền trung Trung Quốc.

Nói một cách ngắn gọn, Giáo sư Li phát hiện ra rằng một nơi nào đó càng thoáng khí thì nguy cơ các mầm bệnh nhảy từ người này sang người khác càng thấp.

Cách xa nhau trong nhà hàng và xe bus vẫn bị lây nhiễm Covid-19

Cộng tác với Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh của thành phố Quảng Châu, đội nghiên cứu của Đại học Hong Kong đã kiểm tra các bằng chứng bệnh lý liên quan đến một cụm lây nhiễm được truy vết bắt nguồn từ một nhà hàng nổi tiếng trong thành phố này hồi tháng 1-2020. Họ phát hiện ra rằng virus từ một bệnh nhân không triệu chứng đã nhiễm vào những người ở các bàn ăn khác nhau ở các góc đối diện. Chín thành viên của 3 gia đình không liên hệ gì với nhau ngồi ăn ở 3 bàn riêng biệt trong phòng ăn đã bị nhiễm virus gây bệnh.

Đã vậy khoảng cách giữa bệnh nhân nguồn và thực khách bị nhiễm bệnh ở vị trí xa nhất là hơn 4m.

Ông Li và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng các đợt bùng phát dịch trong những người đi làm bằng xe bus ở thành phố Trường Sa (tỉnh Hồ Nam) vào tháng 1-2020 cũng cho thấy “phạm vi ảnh hưởng” rất lớn: Một bệnh nhân đi 2 xe bus trong thành phố này trong một ngày và lây nhiễm cho 10 hành khách khác. Dựa trên clip từ camera an ninh và các báo cáo của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tại địa phương, ông Li ước tính khoảng cách giữa bệnh nhân và hành khách bị ảnh hưởng xa nhất là hơn 9m.

Mô phỏng (bằng máy tính) của nhóm nghiên cứu HKU về tình trạng tuần hoàn khí kém tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Ảnh: HKU.
Mô phỏng (bằng máy tính) của nhóm nghiên cứu HKU về tình trạng tuần hoàn khí kém tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Ảnh: HKU.

Ông Li nói: “Trong 2 trường hợp ở Quảng Châu và Hồ Nam, rõ ràng rằng việc lây truyền virus qua không khí có khả năng cao hơn so với qua tiếp xúc vật lý, do các đối tượng ngồi cách xa nhau... Trong cả 2 trường hợp, chúng ta thấy rằng lưu thông khí kém là nhân tố chính góp phần tăng tầm đi xa và ảnh hưởng của virus”.

Khuyến nghị giãn cách xã hội ở cự ly 1,5m là dựa trên quan sát đã được quốc tế công nhận, đó là trong các vụ lây nhiễm bệnh qua đường không khí ở cự ly gần, việc tập trung giọt bắn trong dòng khí thở ra từ một người nhiễm bệnh sẽ giảm đi nếu duy trì khoảng cách từ 1,5m trở lên.

Nhưng ông Li chỉ ra rằng nếu việc thông khí mà kém thì hành trình lây nhiễm qua không khí có thể tăng lên đáng kể và virus có thể nhiễm vào nhiều người hơn, vượt qua phạm vi cận kề với bệnh nhân nguồn.

Trong đợt bùng phát SARS vào năm 2003, ông Li và đội chuyên gia cơ khí phát triển một mô hình dòng khí cơ học mô phỏng động lực học chất lưu (với sự hỗ trợ của máy vi tính) để phục vụ phân tích chất lưu nhiệt. Họ cố gắng truy vết và giải thích mẫu lây nhiễm chính và các đặc điểm của các đợt bùng phát tại một số địa điểm ở Hong Kong, nơi lây nhiễm dịch bệnh là nặng nề nhất.

Tỷ lệ lưu thông khí là thấp ở địa điểm 2 vụ lây nhiễm nói trên

Vào giữa tháng 3-2020, đội của Li thăm nhà hàng nói trên ở Quảng Châu để kiểm tra hệ thống điều hòa và đánh giá mức độ lưu thông khí của nơi này. Họ phát tán khí theo dõi để xem xem khí có thể đi xa bao nhiêu, đồng thời thực hiện mô phỏng bằng vi tính.

Giáo sư Li cho biết: “Tỷ lệ lưu thông khí chỉ là 1 lít trên một giây ứng với mỗi người trong nhà hàng, so với tiêu chuẩn quốc tế là ít nhất 5 lít trên một giây cho một người. Điều này có thể lý giải vì sao người ngồi ở 3 bàn khác nhau lại bị nhiễm bệnh, dù không có tiếp xúc với nhau”.

Việc theo dõi đường đi của dòng khí tại địa điểm này cũng tiết lộ ra rằng cả 3 bàn ăn đều nằm trên cùng vòng tuần hoàn khí.

Tỷ lệ lưu thông khí trung bình tương ứng trên 2 chiếc xe bus ở Hồ Nam là 1,7 lít/giây và 3,2 lít/giây/người, cũng thấp hơn so với mức tiêu chuẩn.

Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 giữa các thực khách ở nhà hàng dù ngồi cách xa nhau. Ảnh: HKU.
Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 giữa các thực khách ở nhà hàng dù ngồi cách xa nhau. Ảnh: HKU.

Tóm lại, đội nghiên cứu của Li khám phá ra rằng nguy cơ bị mắc Covid-19 qua đường lây truyền không khí trong môi trường trong nhà có thể tăng cao nếu mức độ thông khí ở đó thấp hơn mức 3 lít/giây/người.

Để giảm thiểu việc lây nhiễm qua không khí, ông Li khuyến nghị nâng mức thông gió lên 8 lít/giây/người, hoặc thậm chí cao hơn.

Giáo sư Li nói thêm: “Phát hiện của chúng tôi không loại trừ việc lây nhiễm qua các giọt bắn lớn và các nguồn lây nhiễm khác như là khí dung tạo ra trong thiết bị y tế hay qua tiếp xúc với bề mặt nhiễm bệnh. Phát hiện mới cung cấp bằng chứng cho thấy lây nhiễm qua không khí ở cự ly gần có thể là một cách thức chính để truyền bệnh trong không gian kín”.

Giải pháp

Giáo sư Li cho biết, giải pháp ngăn ngừa phù hợp là dùng hệ thống thông khí và lọc khí hiệu quả, nhất là tại nhà hàng, ga tàu, quán bar, phòng tập gym, bên cạnh việc yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách vật lý càng xa càng tốt với những người khác ở trong phòng.

Ông Li cũng cho biết thêm, việc lắp các cảm biến khí carbon dioxide trong phòng có thể giúp đo dòng khí và mức độ lưu thông. Khi mức độ tập trung của CO2 trên mức 1.000mmp thì đó là dấu hiệu phòng đang thiếu dưỡng khí.

Tin tức cho hay, Hong Kong – hiện đang đối mặt sự gia tăng đáng báo động các ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng không truy vết được, có thể sẽ ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với dịch vụ ăn uống tại các nhà hàng, đồng thời đóng cửa các quán bar, karaoke, rạp chiếu phim và các tụ điểm trong nhà khác nhằm ứng phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới.

Theo VOV.VN

;
;
.
.
.
.
.