Vượt cạn giữa mùa dịch

.

Trung tâm Y tế quận Sơn Trà vừa mổ cấp cứu bắt con thành công cho một sản phụ chuyển dạ trong khu phong tỏa. Bình an vượt cạn giữa bốn bề nguy cơ dịch bệnh Covid-19 là cảm xúc vỡ òa của người mẹ, cũng là niềm hạnh phúc của những nhân viên y tế, vốn đã và đang căng thẳng, vất vả mỗi ngày.

Bác sĩ Võ Thị Nhung thăm khám, dặn dò mẹ con sản phụ Đặng Ngọc Thảo Ly.  Ảnh: PHAN CHUNG
Bác sĩ Võ Thị Nhung thăm khám, dặn dò mẹ con sản phụ Đặng Ngọc Thảo Ly. Ảnh: PHAN CHUNG

Nước mắt người mẹ trẻ

Đây là lần sinh con thứ 2 của sản phụ Đặng Ngọc Thảo Ly (20 tuổi, trú tại Chung cư 12T3, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà). Nỗi lo lắng đến với Ly vào ngày 6-5. “Khi đó em đang ở nhà, nghe thông tin khu chung cư có người nhiễm Covid-19 nên sợ mình lây bệnh. Nhưng sợ nhất là khi biết người ta phong tỏa toàn bộ khu chung cư. Đến ngày sinh không biết phải làm sao. Em đã sẵn sàng tâm lý để sinh thường tại nhà nhưng lại rất lo vì sinh lần đầu em đã phải nhờ bác sĩ mổ”, Ly kể.

Bà Trần Thị Minh Loan, mẹ Ly, hiện đang chăm sóc con gái và cháu ngoại tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà kể, những ngày khu chung cư bị phong tỏa để phòng, chống Covid-19, tâm trạng bà như ngồi trên đống lửa. 51 tuổi, không công việc ổn định, bà Loan đi phụ hồ cho các công trình xây dựng nhỏ lẻ để kiếm thêm thu nhập. Khi toàn bộ chung cư bị phong tỏa, bà bó gối ngồi nhà, thấp thỏm nghe ngóng trong khu còn ca nhiễm Covid-19 nào mới không.

“Mất việc làm mình không sợ bằng sức khỏe của con và cháu. Ngày nào con (Ly - NV) cũng xuống cầu thang đứng nhìn ra ngoài mà nước mắt lưng tròng, xong rồi lại đi vào nhà. Ăn ngủ cũng không yên. Tôi cố động viên con nhưng trong thâm tâm mình cũng rất lo lắng, chỉ biết cầu trời khấn phật cho mọi chuyện êm xuôi”, bà Loan kể.

Khuya 17-5, rạng sáng 18-5, Ly đau bụng, có dấu hiệu chuyển dạ. Đến 6 giờ sáng 18-5, khi cơn đau ập đến đột ngột và dữ dội, bà Loan hớt hải báo với lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ tại khu vực phong tỏa. 15 phút sau, xe cấp cứu của Trung tâm Y tế quận Sơn Trà có mặt cùng 1 bác sĩ và 1 nữ hộ sinh. Ly được chuyển gấp vào Trung tâm Y tế quận Sơn Trà mổ cấp cứu bắt con. Hơn 7 giờ cùng ngày, bé trai nặng 2,6 kg cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui mừng của những người chứng kiến.

Hiện 2 mẹ con Ly đang được chăm sóc, theo dõi tại một phòng riêng ở Trung tâm Y tế quận Sơn Trà. “Mọi việc diễn rất quá nhanh và bất ngờ, trút bỏ hết mọi lo lắng, gánh nặng bấy lâu nay. Từ trong thâm tâm, em chỉ biết cảm ơn các bác sĩ tại đây đã giúp em là nên điều kỳ diệu”, Ly cảm động nói.

Chạy đua từng giây

Trực tiếp mổ bắt con cho sản phụ Đặng Ngọc Thảo Ly, bác sĩ Võ Thị Nhung, Trưởng khoa Phụ sản, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho biết, đây là ca bệnh hết sức đặc biệt. Sản phụ đang là trường hợp có nguy cơ nhiễm Covid-19, lại đang rơi vào tình thế hiểm nguy đến tính mạng. “Qua thăm khám cùng những dấu hiệu ban đầu, chúng tôi quyết định mổ gấp bởi nếu để chậm thêm thì sản phụ có thể vỡ tử cung dẫn đến tử vong do vết mổ sinh cách đây 2 năm chưa hoàn toàn ổn định”, bác sĩ Nhung kể.

Một ê-kíp mổ bắt con thường huy động 6 nhân viên y tế. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp và nghiêm trọng, bác sĩ Nhung huy động tất cả 9 nhân viên cùng tham gia. Tất cả đều phải mang trang phục bảo hộ phòng, chống Covid-19. Một cuộc chạy đua trước khi lên bàn mổ được thực hiện nhanh gọn. Điều bất ngờ và trùng hợp là Ly kịp nhận ra bác sĩ Nhung, bởi cách đây 2 năm, chính bà là người trực tiếp mổ bắt con đầu lòng cho Ly thời điểm ấy.

Ca mổ kéo dài khoảng 40 phút, rút ngắn thời gian so với ca mổ thông thường 15-20 phút. “Chúng tôi không có một quy định cụ thể nào về thời gian đủ để mổ bắt con an toàn, tất cả phụ thuộc vào từng ca bệnh với những dấu hiệu, nguy cơ cụ thể. Khi đó, không ai bảo ai, tất cả đều chạy nhanh hơn, thậm chí người ngoài ê-kip cũng xúm tay vào hỗ trợ những phần việc liên quan để rút ngắn nhất thời gian chuẩn bị, sẵn sàng đón bé chào đời một cách khỏe mạnh, bình an”, bác sĩ Nhung cho biết.

Ca mổ thành công, mẹ con sản phụ được bố trí một phòng riêng để chăm sóc và bảo đảm an toàn. Là trường hợp sống trong khu phong tỏa đang có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, Ly được chỉ định lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Chiều 18-5, kết quả xét nghiệm âm tính, cả ê-kip và người nhà thở phào như trút bỏ thêm một gánh nặng.

Thời gian qua, nhân viên y tế quận Sơn Trà đảm nhận một khối lượng công việc nặng nề. Trong số hàng ngàn người cách ly sau khi nhập cảnh, những trường hợp F1 trên địa bàn có nhiều phụ nữ mang thai. Môi trường cách ly ngột ngạt, tạm bợ, nóng nực và đông đúc tác động tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe của họ.

Đã không ít lần, nửa đêm, các nhân viên y tế trong khoa Phụ sản, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà vội vã có mặt tại các khu cách ly để khám, cấp cứu, tư vấn tâm lý cho những phụ nữ mang thai. Không ít trường hợp còn quát nạt, chửi bới, la ó và đòi hỏi đủ thứ. Nhưng đổi lại, họ nhận được sự ân cần trong lời nói, tận tụy, chu đáo trong hành động của những nhân viên y tế khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân.

“Khi đã lựa chọn con đường này nghĩa là chúng tôi xác định phải nỗ lực hết mình, tuyệt đối không để một bệnh nhân nào bị bỏ rơi. Chúng tôi cũng động viên nhiều trường hợp, rằng đây là khó khăn chung, cả xã hội cùng đồng lòng, cố gắng vượt qua. Thời điểm này, nếu ai đang được sống bình thường như những ngày trước đây là một hạnh phúc. Hãy cố gắng giữ gìn, trân trọng nó”, bác sĩ Nhung trải lòng.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.