Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều xã của huyện Hòa Vang tăng cường thực hiện các tiêu chí nâng cao, đặc biệt là xây dựng vườn mẫu, thực hiện các mô hình kinh tế mới hiệu quả. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng NTM hiệu quả.
Giai đoạn 2016 - 2020, song song với thực hiện 19 tiêu chí xây dựng NTM, xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) còn bắt tay thực hiện các tiêu chí nâng cao, nhất là xây dựng vườn mẫu NTM. Để việc thực hiện xây dựng vườn mẫu đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng NTM xã Hòa Phước phổ biến tiêu chí đến mọi hộ dân, vận động các hộ đủ điều kiện tham gia xây dựng vườn mẫu.
Đầu năm 2019, ông Nguyễn Dương Hiền (trú thôn Tân Hạnh) đăng ký xây dựng vườn mẫu. Nhận được đăng ký từ ông Hiền, BCĐ xây dựng NTM xã nhiều lần đến thẩm định, kiểm tra diện tích đất vườn, hệ thống tưới tiêu bảo đảm đủ điều kiện và cho triển khai thực hiện. Ông Hiền được xã Hòa Phước cấp 60 cây giống các loại bưởi, chanh, xoài; hỗ trợ công chăm sóc 10 triệu đồng để lắp đặt hệ thống máy bơm, ống nước để tưới tiêu.
Khu vườn của ông Hiền đã và đang phát triển tốt. Một số cây chanh đã cho thu hoạch lứa đầu. Theo ông Hiền, trước đây khu vườn được ông trồng đậu phộng nhưng hiệu quả kinh tế không cao do bị chuột cắn phá. Từ ngày chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang làm vườn mẫu, trồng các loại cây ăn quả, hiệu quả kinh tế ổn định hơn trước. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước Ngô Thị Bích Vân, tính đến nay, toàn xã đã xây dựng được 21 vườn mẫu NTM. Các vườn mẫu chủ yếu trồng các loại cây ăn quả lai ghép như: bưởi, xoài, chanh, dừa,… giúp các hộ dân phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập.
Trong các tiêu chí xây dựng NTM, xã Hòa Bắc chú trọng tiêu chí nâng cao thu nhập của người dân, nhất là hộ nghèo thông qua việc hỗ trợ nhân dân xây dựng các vườn mẫu hộ gia đình. Đầu năm 2020, gia đình bà Nguyễn Thị Vàng (thôn Nam Yên) được xã Hòa Bắc hỗ trợ xây dựng vườn mẫu. Bà Vàng là hộ nghèo, có con bị khuyết tật, kinh tế gia đình khá khó khăn. Để giúp bà Vàng có kế sinh nhai trong những năm đến, UBND xã Hòa Bắc hỗ trợ bà Vàng cải tạo vườn, hỗ trợ hàng chục cây mít, bưởi giống. “Khu vườn nhà tôi trước đây bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Đất vườn tuy rộng nhưng không được sử dụng hiệu quả. Nhờ mô hình xây dựng vườn mẫu của xã, tôi được hỗ trợ cây giống, ngày công để xây dựng vườn mẫu. Số cây mít, bưởi này sẽ là nguồn thu nhập của gia đình tôi trong những năm đến”, bà Vàng nói.
Hộ ông Nguyễn Đức Lân (thôn Nam Yên) cũng là hộ nghèo được xã Hòa Bắc hỗ trợ cây giống để xây dựng vườn mẫu NTM. Trước đề xuất của ông Lân về việc xây dựng vườn mẫu, xã Hòa Bắc tổ chức kiểm tra, thẩm định và thống nhất hỗ trợ. Sau khi cải tạo, phát dọn sạch cỏ dại, ông Lân được xã hỗ trợ hơn 50 cây giống các loại gồm mít, bưởi, chuối để trồng vườn. Ngoài chăm sóc vườn cây ăn trái, ông Lân còn tận dụng khoảng trống trong vườn thả nuôi hàng chục con gà theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài” để có tiền trang trải chi phí hằng ngày.
Bên cạnh xây dựng các vườn mẫu NTM, tại các xã còn đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, trồng trọt theo hướng hữu cơ. Xã Hòa Tiến là địa phương đầu tiên của thành phố đưa vào thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Ngô Ngọc Trúc, các diện tích trồng lúa hữu cơ được bố trí giống ngắn ngày, canh tác theo hướng không dùng phân vô cơ, thuốc hóa học, chỉ dùng thuốc sinh học để phòng trừ dịch bệnh, cho ra chất lượng gạo thơm ngon.
Nhờ đó, diện tích lúa hữu cơ cho năng suất ổn định, bán được giá thành cao, đem lại lợi nhuận lớn cho nông dân. Xã Hòa Tiến cũng đẩy mạnh phát triển mô hình trồng nấm. Năm 2011, Hợp tác xã Nấm Hòa Tiến được thành lập. Đây được xác định là mô hình xóa nghèo bền vững. Theo đó, toàn xã hiện có gần 40 hộ dân tham gia sản xuất nấm. Các loại nấm được trồng phổ biến gồm: nấm rơm, nấm sò. Ngoài bán nấm tươi, nhiều hộ còn nghiên cứu, chế biến thành các sản phẩm nấm tẩm gia vị, nấm sấy khô để nâng cao giá trị.
Ông Huỳnh Anh là một trong những hộ dân phát triển hiệu quả mô hình trồng nấm rơm thuộc Hợp tác xã Nấm Hòa Tiến. Ông Anh hiện có 15 nhà trồng nấm với diện tích hơn 700m2, cho thu nhập mỗi tháng hơn 15 triệu đồng. Bên cạnh nguồn thu nhập từ nấm thành phẩm, phế phẩm nấm sau khi thu hoạch được sử dụng làm phân hữu cơ, phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn xã.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành, trong quá trình xây dựng NTM, nhiều xã đã đẩy mạnh xây dựng các vườn mẫu, vườn trái cây tập trung; kết hợp chăn nuôi và phát triển vườn; phát triển các mô hình sản xuất mới như trồng nấm, trồng hoa, sản xuất lúa hữu cơ; nhờ đó, đã đa dạng hóa được các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
LAM PHƯƠNG