Cận cảnh di tích lịch sử Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

ĐNO - Với những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đang có, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vừa được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố vào ngày 11-1 vừa qua. Đây là điều kiện thuận lợi cho bảo tàng trong công tác quản lý, bảo tồn di tích theo Luật Di sản văn hóa cũng như góp phần quảng bá văn hóa và kích cầu du lịch thành phố.

Đà Nẵng Online xin giới thiệu đến quý độc giả một vài hình ảnh đặc sắc về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - di tích lịch sử cấp thành phố mới nhất.

Ảnh: KIM LIÊN
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thuộc địa bàn phường Bình Hiên, quận Hải Châu. Ảnh: KIM LIÊN
Ảnh: XUÂN SƠN
Ý tưởng về xây dựng một nhà bảo tàng cho các tác phẩm điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng đã manh nha từ năm 1902 với một đề án của Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO). Đến năm 1915, tòa nhà đầu tiên của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xây dựng. Ảnh: XUÂN SƠN
Ảnh: XUÂN SƠN
Toà nhà đầu tiên được xây dựng theo thiết kế của hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair, trên cơ sở gợi ý của Henri Parmentier, chủ nhiệm Khoa Khảo cổ của EFEO về việc sử dụng một số đường nét của kiến trúc Chăm. Ảnh: XUÂN SƠN
Ảnh: XUÂN SƠN
Mặc dù đã trải qua nhiều lần mở rộng nhưng toàn bộ toà nhà và phong cách kiến trúc ban đầu của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vẫn được giữ lại cho đến ngày hôm nay. Đến năm 2011, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xếp vào danh sách các bảo tàng hạng 1 tại Việt Nam, khẳng định vai trò và những đóng góp của bảo tàng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Ảnh: XUÂN SƠN
Ảnh: XUÂN SƠN
Từ năm 2005, một kế hoạch nâng cấp bảo tàng đã được khởi động. Với sự trợ giúp của các chuyên gia Pháp thuộc dự án FSP, hai phòng Mỹ Sơn và Đồng Dương được cải tạo và khánh thành năm 2009. Đến năm 2016, một dự án tổng thể do thành phố Đà Nẵng đầu tư đã trùng tu toàn diện các tòa nhà và chỉnh lý, nâng cấp các phòng trưng bày với nỗ lực nhằm tạo sự liên kết các tòa nhà của bảo tàng trong một lộ trình tham quan tổng thể. Ảnh: XUÂN SƠN
Ảnh: XUÂN SƠN
Khu vực bảo tàng hiện có các phòng trưng bày: Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương, Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tháp Mẫm, Bình Định-Kon Tum, văn khắc, Gốm Sa Huỳnh-Chăm Pa, Văn hóa Chăm Ninh Thuận-Bình Thuận. Ngoài ra, còn có phòng trưng bày tranh ảnh tư liệu chuyên đề và trưng bày chuyên đề kết quả khảo cổ học. Ảnh: XUÂN SƠN
Ảnh: XUÂN SƠN
Tính đến tháng 1-2021, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lưu giữ và giới thiệu tổng cộng 6 hiện vật điêu khắc đã được công nhận Bảo vật quốc gia, bao gồm: Đài thờ Trà Kiệu (ký hiệu BTC 95), Đài thờ Mỹ Sơn E1 (ký hiệu BTC 6), Tượng Bồ tát Tara (ký hiệu 535/KL103), Đài thờ Đồng Dương (ký hiệu BTC 168), tượng Ganesha (ký hiệu BTC 5), tượng Gajasimha (ký hiệu BTC 221). Trong ảnh: Đài thờ Mỹ Sơn E1 và phiên bản tượng Ganesha (giữa) - 2 trong số 6 bảo vật quốc gia được công nhận. Ảnh: XUÂN SƠN
Ảnh: XUÂN SƠN
Bảo vật quốc gia Đài thờ Đồng Dương 22.24 (ký hiệu BTC 168) tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Đài thờ được làm bằng bằng sa thạch, có niên đại vào cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X. Tuy đã bị sứt vỡ cục bộ một số bộ phận, chi tiết nhưng xét về tổng thể, đài thờ này vẫn giữ được toàn vẹn các yếu tố tạo nên giá trị tiêu biểu của hiện vật. Ảnh: XUÂN SƠN
Ảnh: XUÂN SƠN
Bảo vật quốc gia tượng linh thú Gajasimha tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Tượng Gajasimha cùng với tượng Ganesha vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia vào ngày 31-12-2020. Ảnh: XUÂN SƠN
Ảnh: XUÂN SƠN
Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind (áo sáng) tham quan bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tháng 11-2018. Tượng được xem là tác phẩm bằng đồng lớn nhất của nghệ thuật điêu khắc Chăm đến thời điểm hiện tại với chiều cao 1148m, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2012. Ảnh: XUÂN SƠN
Ảnh: XUÂN SƠN
Kho mở trưng bày nhiều hiện vật quý làm từ đá sa thạch. Số tượng đá được thể hiện theo nhiều loại hình khác nhau như: đài thờ, tượng tròn, trang trí kiến trúc, phù điêu... Đây là một trong những không gian được du khách chú ý khi tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN
Ảnh: XUÂN SƠN
Trong năm 2021, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng miễn phí vé tham quan cho du khách và người dân để góp phần kích cầu du lịch và lan tỏa văn hóa Chăm đến với cộng đồng. Ảnh: XUÂN SƠN

 XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.